Quy tắc ứng xử

Cần có sổ tay văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội

Sáng 14/12, nhằm hướng đến việc xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư, báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội tổ chức buổi Tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội”.

Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Sở VH&TT Hà Nội Ngô Văn Nam phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Hà Nội đang có tốc độ đô thị hóa cao, số lượng cư dân ở các khu nhà cao tầng cũng vì thế ngày càng đông lên. Xu hướng sống ở chung cư có thể nói là một lối sống hiện địa phù hợp với xu hướng phát triển của quá trình đô thị hóa ngày nay. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mà chung cư mang lại thì hiện nếp sống, các tiện ích tưởng chừng như hoàn hảo ấy vẫn còn nhiều bất cập.
Trong những năm vừa qua Hà Nội liên tiếp ban hành các chương trình về ứng xử, văn hóa, văn minh thanh lịch đô thị cũng như ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử văn hóa thanh lịch, tuy nhiên tại Hà Nội vẫn xảy ra những tranh chấp, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư, ban quản trị tòa nhà và cư dân dẫn đến có các diễn đàn, mạng xã hội nói xấu về khu chung cư,…
Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Lại Bá Hà cho biết: “Hiện nay, cuộc sống càng phát triển hơn thì ứng xử với nhau dường không được như trước đây, có phần đi xuống… Đây là một vấn đề rất lớn, trong khuôn khổ buổi Tọa đàm, với mong muốn xới xáo nội dung xây dựng văn hóa khu chung cư, để các khách mời tham gia góp ý xây dựng đời sống văn minh, hiện đại trong các khu chung cư nói riêng, xây dựng Hà Nội văn minh, thanh lịch nói chung“.

Văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới còn nhiều vấn đề cần quan tâm (ảnh minh hoạ).

Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Sở VH&TT Hà Nội Ngô Văn Nam cho biết: “Văn hóa là một vấn đề được sự quan tâm của lãnh đạo TP Hà Nội. 2 bộ Quy tắc ứng xử (QTUX) đã được TP Hà Nội quan tâm xây dựng dự thảo từ năm 2012. Đến năm 2017, 2 bộ QTUX chính thức được ban hành và có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Lãnh đạo TP Hà Nội đặc biệt quan tâm, ban hành 2 bộ QTUX bao trùm toàn xã hội. Trong công tác chỉ đạo của lãnh đạo TP, chưa bao giờ quán triệt mạnh mẽ như vậy. Trong các hội nghị Thành ủy, lãnh đạo chủ chốt TP đều quán triệt các CBCC chấp hành QTUX trong cơ quan và triển khai ở nơi công cộng.
Ứng xử trong khu chung cư là vấn đề trực tiếp được đồng chí Bí thư thành ủy Hà Nội đã nêu ra và yêu cầu Sở VH&TT Hà Nội phải có giải pháp, cách thức điều chỉnh, hướng dẫn ứng xử trong khu chung cư vì có khu chung cư tập trung cư dân, tương đương với số dân ở một phường, thành phần phức tạp (thuê và ở tạm). Ở chung cư có không gian chung, điều kiện sinh hoạt chung, nhất là phí bảo trì quản lý như thế nào”.

KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng T.Ư Hội Kiến trúc Việt Nam

KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng T.Ư Hội Kiến trúc Việt Nam cho rằng, các khu chung cư mới được xây dựng bây giờ cơ sở vật chất khá tốt, rộng rãi, nên rất dễ tạo ra nếp sống văn hóa mới trong khu dân cư. Tuy hiện nay còn nhiều vấn đề vướng mắc nhưng việc làm này không phải không làm được. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân. Phải nên có 1 bộ quy tắc ứng xử tại khu đô thị, phát cho những hộ dân khi họ chuyển về sinh sống. Đó là chuẩn quy tắc chung của khu dân cư mà mọi người phải có trách nhiệm tuân theo.
Bên cạnh đó, để tránh các xung đột giữa cư dân và chủ đầu tư, ngay từ trong luật, quy định của cơ quan quản lý nhà nước phải phân định rõ, làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư. Ví dụ như khái niệm, bảo trì và bảo hành, trách nhiệm của chủ đầu tư trong vấn đề này cụ thể như thế nào?… Tiếp đó, Ban quản trị chung cư phải được tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, có trả thù lao, và phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của cư dân.

Ông Trần Thanh Phúc – Tổ trưởng Tổ dân phố số 6, khu đô thị Dream Town (phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm)

Ông Trần Thanh Phúc – Tổ trưởng Tổ dân phố số 6, khu đô thị Dream Town (phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Khu dân cư của chúng tôi có tính chất kết nối cộng đồng cao, thường đến nhà nhau chơi, tổ chức các hoạt động kết nối mọi người… Tuy vậy, cũng không ít người ý thức vẫn còn kém. Nhiều người lớn tuổi nhưng vẫn nói bậy, tại nhiều hộ dân chưa có ý thức để giày dép gọn trước cửa. Tình trạng nuôi chó mèo tại khu dân cư cũng là vấn đề rất bức xúc trong cư dân. Bên cạnh đó, mặc dù trình độ dân trí của cư dân ở mức cao nhưng ý thức tham gia các cuộc họp của tổ dân phố lại rất thấp, nhiều cuộc họp chỉ có 30 – 50 hộ đi họp. Đây cũng là vấn đề rất đau đầu của chúng tôi. Theo tôi, cần phải chấm điểm các đảng viên hai chiều, các tổ chức như hội phụ nữ, hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh cũng nên có những hoạt động chuyên đề về văn hóa ứng xử. Phải bằng nhiều hình thức tuyên truyền mới đưa được văn hóa ứng xử vào cư dân”.

GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Theo GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định yếu tố về khuôn mẫu văn hoá và đạo đức trong cộng đồng là rất quan trọng, chúng ta phảo có chế tài như thế nào để người dân thấy xấu hổ khi không thực hiện bộ quy tắc ứng xử. Hiện nay, các nước đều chấm điểm việc người dân tham gia hoạt động cộng đồng, cụ thể là qua từng vụ việc, khuôn mẫu cụ thể. Với cách thức này, Việt nam có thể chấm điểm với chủ đầu tư dự án, bên cạnh các khung pháp luật có sẵn thì chúng ta có thể chấm điểm về khuôn mẫu và văn hoá của người chủ đầu tư. Tức khắc điều này sẽ xác định vị thế chủ đầu tư trên thị trường. Cũng như vậy, việc chấm điểm có thể áp dụng với ban quản trị của nhà chung cư hay từng hộ dân”. Ông cũng chia sẻ thêm, Việt Nam hiện nay không những coi trọng “pháp trị” mà cũng cần coi trọng vai trò của “đức trị” trong việc hình thành lối sống văn hóa.
Thực tế cho thấy việc phát triển các khu chung cư mới chỉ được quan tâm tới các yêu cầu thiết yếu về vật chất. Vấn đề văn hóa ứng xử chung cư hiện nay vẫn đang là một khoảng trống, cần có sự quan tâm để có cái nhìn đúng đắn với đời sống của cư dân đô thị hiện đại.

Kết luận tại buổi Tọa đàm, ông Ngô Văn Nam cho rằng: “Hiện nay, sổ tay cư dân chỉ dành cho cư dân có lợi cho ban quản trị nhưng những điều cần biết, nên biết với người ở chung cư lại không có. Do vậy, ý kiến của các chuyên gia về việc có sổ tay chung cư nêu rõ quyền lợi, trách nhiệm nghĩa vụ, ứng xử tại chung cư thế nào là gợi ý hay, sau này chúng ta có thể sử dụng làm ý tưởng sáng tạo để phổ biến toàn bộ với cư dân ở chung cư“.
Về trách nhiệm của Sở VH&TT, đơn vị đã xây dựng các mô hình văn hóa để áp dụng vào các khu dân cư. Sau khi được TP phê duyệt, Sở VH&TT sẽ đưa về các khu chung cư. Hiện nay, mô hình này đã phát triển ở các khu chung cư gồm các CLB bóng chuyền, bóng hơi, yoga… nhân những ngày lễ 8/3, 20/10 tổ chức rất tốt.

Về quy tắc ứng xử cho khu chung cư có thể chưa làm ngay, nhưng chúng ta cần có sổ tay có tiêu chí, tiêu chuẩn chung của những người ở chung cư. Còn trong bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng đã có nội dung về quy tắc ứng xử trong toàn xã hội. Ví dụ như đi nhẹ, nói khẽ, không gây ồn ào. Sở VH&TT đã hướng dẫn đóng biển ở các khu chung cư, khu vui chơi và niêm yết trong thang máy” – ông Ngô Văn Nam nhấn mạnh.

Hồng Diên

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *