Di sản

Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Cấn Xá Thượng

Cấn Xá Thượng, vào thời Lê thuộc xã Kinh Xá (sau đổi tên là Cấn Xá), tổng Cấn Xá, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, Trấn Sơn Tây. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Cấn Xá Thượng hợp nhất với Cấn Xá Hạ thành xã Cấn Xá. Đến năm 1948 hợp nhất với xã Hữu Quang thành xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai.

Đình Cấn Xá Thượng tọa lạc tại thôn Cấn Xá Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai. Bên bờ sông Tích thơ mộng, nơi đây lưu giữ những giá trị văn hóa nghệ thuật, kiến trúc độc đáo, là chứng tích ghi dấu những thăng trầm của lịch sử mảnh đất xứ Đoài…
Cấn Xá Thượng, vào thời Lê thuộc xã Kinh Xá (sau đổi tên là Cấn Xá), tổng Cấn Xá, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, Trấn Sơn Tây. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Cấn Xá Thượng hợp nhất với Cấn Xá Hạ thành xã Cấn Xá. Đến năm 1948 hợp nhất với xã Hữu Quang thành xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai.
Đình Cấn Xá Thượng cách thị xã Hà Đông khoảng 30km về phía Tây. Đi từ thị trấn Quốc Oai đến ngã 3, rẽ chừng 6 km, đi qua chợ Buông, chợ Cấn là tới. Đình thờ 3 vị đại vương thời Thục An Dương Vương là Bộ quan Trần Công Tuấn Đại vương cùng hai con trai là Đệ nhất Trung Á Đại vương và Đệ nhị Trung Á Đại vương. Ngọc phả chép rằng, Trần Công Tuấn quê ở đất Hoan Châu. Ông là người văn võ toàn tài, được Thục Vương cho làm Bộ quan. Ông thành hôn cùng bà Quế Nương, người ở Cấn Xá Hạ, sinh được hai người con trai, đều tài giỏi, đức độ nên được vua Thục cho làm quan. Sau vì can ngăn vua Thục trong việc gả công chúa Mị Châu cho Trọng Thủy không thành, hai ông xin từ quan, trở về quê mẹ. Khi Thục An Dương Vương bỏ chạy, quân nhà Triệu đuổi theo, khi đi qua đất Cấn Xá Hạ thì bị hai ông mai phục, quân Triệu phải bỏ chạy thoát thân.
Dân gian xứ Đoài có câu ca rằng: “Đẹp đình So, to đình Cấn”. Đình Cấn Xã Thượng rất lớn. Theo lời kể của những bậc cao niên trong làng, ngôi đình cổ xưa có 7 gian, 2 dĩ với 4 đầu đao cong vút. Bộ vì đỡ mái theo kiểu thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy. Lòng đình ken kín sạp gỗ, phía bên ngoài có lan can trấn song con tiện. Quanh đình là các nhà Tả Hữu mạc, mỗi nhà có 5 gian. Phía trước đình là Nghi môn với các trụ cột lớn và các bậc lên xuống bằng đá xanh, xung quanh là tường gạch đá ong bao bọc. Đến nay, đình chỉ còn một tòa Đại Bái và Hậu cung mới được dựng lại vào năm 1952. Phía trước có cổng đình và hai cột trụ bằng đá xanh, bậc lên xuống sân đình được kè bằng đá và gạch vồ thời Lê. Bên phải hậu cung là khu tưởng niệm các liệt sĩ của làng mới được xây dựng. Ở đây có tấm bia đá to, khắc họ tên 67 liệt sĩ thôn Cấn Xá Thượng. Trong khu vực đình vẫn còn lưu giữ được dấu tích xưa như những tảng đá kê chân cột, nhiều lớp gạch cổ, một bộ hương án, một hạc gỗ, một cỗ long đình mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII.
Đình Cấn Xã Thượng được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật theo Nghị định số 2233/QĐ/BT ngày 26/6/1995.

Nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo đình Cấn Xá Thượng (Ảnh:Lê Xuyến)

Trải qua nhiều biến cố của lịch sử và thời gian, đình đã xuống cấp nghiêm trọng. Chính quyền, nhân dân xã Cấn Hữu và thôn Cấn Thượng đã thành lập Ban Tu bổ cấp thiết, thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ di tích, phân công trách nhiệm rõ ràng cho các thành viên thường xuyên trông nom, gìn giữ đình. Đồng thời ngăn chặn các hành vi xâm hại đến di tích, thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo trên địa bàn, tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương. Năm 2015, đình được tu bổ, tôn tạo trên cơ sở giữ nguyên kiến trúc nghệ thuật độc đáo vốn có của di tích.
Chùa Sùng Hưng cùng với đình Cấn Xá Thượng là một cụm di tích kiến trúc nghệ thuật tôn giáo của nhân dân xã Cấn Hữu. Nơi đây chứng kiến nhiều biến động thăng trầm của lịch sử đất nước cũng như của mảnh đất xứ Đoài và ghi dấu những chứng tích lịch sử của địa phương trong các thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đồng thời là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh, thực hiện tự do tín ngưỡng của nhân dân xã Cấn Hữu cũng như của người dân Quốc Oai.

Bảo Minh (T/hợp)

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *