Ngày 9/12/2013, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chính thức được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định 2383/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Di tích lịch sử và danh lam thắng […]
Ngày 9/12/2013, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chính thức được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định 2383/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn bao gồm hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn và khu tưởng niệm vua Lê.
Hồ Hoàn Kiếm, tức hồ Gươm – dấu tích của một khúc sông Nhị Hà xưa, là thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô.
Xa xưa, hồ này có tên là hồ Lục Thủy, hồ Tả Vọng, sau đó được đổi tên theo truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm, nên gọi là hồ Hoàn Kiếm/hồ Gươm. Diện tích của hồ là 115.511m2. Phía Bắc giáp một phần đường phố Đinh Tiên Hoàng, phường Hàng Bạc; phía Đông giáp đường phố Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ; phía Nam giáp phố Hàng Khay, phường Tràng Tiền; phía Tây giáp phố Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống. Xung quanh Hồ được bó vỉa bằng đá, bao quanh là hệ thống vườn hoa, cây xanh.
Trên gò đất nổi trong lòng hồ có một ngọn tháp, nơi rùa thường bò lên đẻ trứng nên được gọi là tháp Rùa (Quy Sơn tháp). Tháp xây bằng gạch, có mặt bằng hình chữ nhật, gồm 4 tầng, có 5 cửa dạng vòm. Tầng chóp có mái dạng phương đình 4 mái.
Đền Ngọc Sơn toạ lạc trên đảo Ngọc trong hồ Hoàn Kiếm, gồm các hạng mục: nghi môn, tháp Bút, nghi môn nội, đài Nghiên, cầu Thê Húc, cổng Đắc Nguyệt, đình Trấn Ba, tiền tế, trung đường, hậu cung, tả – hữu vu, nhà kính thư, nhà hậu.
Đền Ngọc Sơn không chỉ là một di tích tín ngưỡng, mà một thời còn là nơi sinh hoạt của Hội Hướng thiện, một tổ chức tập hợp được nhiều nhà Nho yêu nước đương thời, như Nguyễn Văn Siêu (1799 – 1870), Vũ Tông Phan (1800 – 1851) để tuyên truyền, giáo dục điều thiện cho quần chúng, tổ chức in nhiều loại sách, như sách thuốc, kinh của đạo Giáo, sách luận về tín ngưỡng… Khi Pháp chiếm Hà Nội, nhiều hội khác, như Lạc Thiện, Tập Thiện, An Lạc cũng lấy đền Ngọc Sơn làm cơ sở tuyên truyền chủ trương chống Pháp. Những năm đầu của thế kỷ XX, Nguyễn Thượng Hiền, Lương Văn Can, đã cho xây kinh đàn để giảng kinh tại đây. Nhiều nhà trí thức đã lập ra một số tổ chức và công khai kêu gọi nhân dân đoàn kết yêu nước, mà tiêu biểu là phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục…
Khu tưởng niệm vua Lê thuộc phường Hàng Trống, gồm các hạng mục: nghi môn, phương đình và tượng vua Lê.
Nghi môn: xây bằng gạch, với 2 trụ lớn dạng trụ biểu, đỉnh trụ đắp nổi hình đấu, 4 mặt mui luyện đắp nổi hình hổ phù, 4 góc mui luyện là 4 gờ nổi, tiếp dưới là một đấu vuông, rồi đến lồng đèn, dưới là thân trụ, được tạo khung cân đối.
Phương đình: được xây bằng gạch, kiểu 2 tầng, 8 mái, đỉnh mái đặt một hình nậm rượu, từ đó tạo thành 4 bờ dải nối xuống bốn góc mái trên. Các đao mái, bờ dải được trang trí hình rồng, mái giả ngói. Phần cổ diêm mặt ngoài đắp nổi hình tùng lộc, trúc mọc trên đá, mai điểu… Dưới lớp mái hạ, ở các góc là 4 trụ vuông lớn chịu lực chính, mỗi mặt có thêm 2 trụ tròn. Thân trụ được khoét những rãnh soi, phía trên là một đấu tròn đội một đầu rồng.
Tượng vua Lê: được dựng trên khu đất cao hơn nền đường và vườn khoảng 1m. Toàn bộ chân đế và trụ để đặt tượng được ghép bằng đá và chia làm 3 phần. Tượng đúc bằng đồng, cao 1,2m, trong tư thế đứng, đầu đội mũ Bình thiên, bốn góc mũ trang trí kim tòng, thân mũ trang trí nổi các hình rồng chầu. Trên thân áo cũng được trang trí rồng chầu, với thân nhỏ, tạo vẩy nổi rõ như vẩy cá chép, điểm xuyết các đao mác… Tay trái của tượng chống vào hông, tay phải của cầm kiếm. Phía sau tượng đài là bức bình phong, được chia ba phần phân cách bởi các trụ, trên các thân trụ đắp nổi các cụm vân mây.
Đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm luôn được chính quyền và nhân dân Hà Nội, cùng cả nước quan tâm tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị, đã trở thành một trong những biểu tượng về lịch sử, văn hóa và cảnh quan của Thủ đô ngàn năm văn vật. Di tích mang giá trị lớn về nhiều mặt và ngày càng thân thiết, gắn bó với người dân Hà Nội nói riêng và nhân dân cả nước, cũng như bạn bè quốc tế nói chung./.
Nguyễn Khắc Đoài
(Theo Hồ sơ xếp hạng di tích – Tư liệu Cục Di sản văn hóa)