Di sản

Nghề dát vàng, bạc quỳ Kiêu Kỵ – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghề làm vàng, bạc quỳ rất tinh xảo, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ kiên trì, cần mẫn, cẩn thận, tinh tế. Một thợ giỏi có thể đập một chỉ vàng thành gần 1.000 lá vàng, có diện tích hơn 1m2 mà chưa có ngành công nghiệp nào làm được.

Cách trung tâm thành phố gần 20 km về phía đông bắc, Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) là làng nghề duy nhất của nước ta làm nghề dát vàng, bạc. Tương truyền nghề này đã có cách đây gần 400 năm. Ông tổ nghề của làng là Tiến sĩ Nguyễn Quý Trị.

Làng Văn hóa, làng nghề truyền thống Kiêu Kỵ

Năm 1763, khi làm Binh Bộ Tả Thị Lang Nguyễn Quý Trị được vua cử đi sứ Trung Quốc. Tại đây, ông đã làm quen và học được nghề dát vàng, bạc (vàng, bạc quỳ) để sơn thếp lên câu đối, hoành phi, đồ thờ tự. Về nước, ông tìm đến đất Kiêu Kỵ để truyền dạy lại nghề cho dân, tạo cho dân nơi đây có việc làm thường xuyên, tay nghề tinh xảo khi nhận sơn son, thếp vàng, thếp bạc các công trình kiến trúc của vua chúa và đền, chùa, miếu, điện ở kinh đô. Ngoài ra còn nhận tô son, thếp vàng các đồ mỹ nghệ, tranh, tượng, ngai thờ, đồ gốm các loại. Tiếng lành đồn xa, dần dần khắp nơi trong cả nước đều mời thợ Kiêu Kỵ đến làm. Suốt mấy thế kỷ liền, dân Kiêu Kỵ có cuộc sống sung túc nhờ đôi tay khéo léo và con mắt nghệ thuật. Không chỉ những công trình kiến trúc, tín ngưỡng, đồ thờ xưa kia mà gần đây, việc trang trí nội thất của Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, lăng Bác, một số công trình kiến trúc ở Huế, Hội An, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chùa chiền ở thành phố Hồ Chí Minh, Miếu Bà Chúa xứ tỉnh An Giang, Đền Trần Nam Định và nhiều khách sạn lớn trong toàn quốc… đều có sản phẩm vàng, bạc quỳ của Kiêu Kỵ.

Ghi nhớ công ơn của Tiến sĩ Nguyễn Quý Trị, dân làng Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm đã lập đền thờ, đắp tượng và tôn ông làm tổ nghề, xuân thu tế bái. Ngoài ngày giỗ Tổ nghề (17/8 âm lịch), dân Kiêu Kỵ còn có tục lệ cúng lễ Tổ nghề vào ngày 12 tháng Giêng. Khi đó, các gia đình sau khi mang lễ đến cúng Tổ nghề sẽ về nhà làm nghi thức “khai tràng” (tức là lễ khai búa đập quỳ). Bên cạnh nhà thờ tổ nghề, Nhân dân Kiêu Kỵ còn tự đóng góp và thực hiện xã hội hóa để xây nhà trưng bày sản phẩm truyền thống và khu thực hành nghề.

Đến làng Văn hóa, làng nghề Kiêu Kỵ – Quê hương của lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn vào một ngày hè, giữa bộn bề âm thanh buổi sáng, tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng đập quỳ khoan, nhặt. Thăm cửa hàng, phòng trưng bày và nhà xưởng của các nghệ nhân Nguyễn Anh Chung, Nguyễn Văn Hiệp, nghệ nhân ưu tú Lê Văn Vòng, tôi mới thấy hết sự kỳ công và tài khéo của những người thợ nơi đây.

Nhà thờ Tổ nghề ở Kiêu Kỵ

Phụ nữ và trẻ em cũng làm nghề

Những sản phẩm vàng, bạc quỳ của các Nghệ nhân Kiêu Kỵ

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hiệp đang đánh quỳ

Nghệ nhân ưu tú Lê  Văn Vòng đang chau chuốt các sản phẩm vàng quỳ

Từ những miếng vàng, bạc thật, người ta đập (gọi là đập diệp) cho dài và mỏng rồi cắt thành những hình vuông nhỏ 1cm2, sau đó đặt vào lá quỳ. Lá quỳ có cạnh dài 4cm được làm từ giấy dó (loại làm tranh Đông Hồ), được người Kiêu Kỵ “lướt” nhiều lần bằng mực tự chế (làm bằng loại bồ hóng đặc biệt, trộn với keo da trâu, tạo cho giấy quỳ bền chắc). Mỗi tập quỳ 500 lá, trên mỗi lá đặt một mảnh vàng nhỏ, dùng vải diềm bâu gói lại, đặt lên đe đá, dùng loại búa chuyên dụng đập hàng trăm nhát, sao cho mảnh vàng mỏng và tràn bằng lá quỳ. Một thợ giỏi có thể đập một chỉ vàng thành gần 1.000 lá vàng, có diện tích hơn 1m2 mà chưa có ngành công nghiệp nào làm được.

Nghề làm vàng, bạc quỳ rất tinh xảo, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ kiên trì, cần mẫn, cẩn thận, tinh tế. Từ việc xây lò kín, làm mực “lướt” quỳ, đánh quỳ, quỳ vàng, bạc (dát vàng, bạc hay vàng, bạc quỳ). Để ra một sản phẩm quỳ vàng, bạc, người thợ phải trải qua 40-50 công đoạn, nay cải tiến còn 20 công đoạn. Nhiều công đoạn đã dùng máy móc hiện đại hỗ trợ. Búa dùng để đập quỳ cũng được cải tiến để đập được nhanh và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, có những công đoạn thì mãi không thay thế, loại bỏ được và phải làm thủ công, như công đoạn xây lò, làm mực, cắt dòng, sang vàng, chại quỳ.

Theo Nghệ nhân Nguyễn Anh Chung, Chủ tịch Hội Dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ mỗi ngành nghề, làng nghề có một bí quyết riêng. Bí quyết được truyền từ đời này qua đời khác của nghề quỳ vàng, bạc Kiêu Kỵ là công đoạn làm lá để đặt vào các miếng quỳ phải đủ độ dai, đàn hồi, không bị dính.

Ông Nguyễn Anh Chung cho biết, trước đây Kiêu Kỵ có vài ba trăm hộ làm nghề, nay cả làng chỉ còn hơn 30 hộ làm nghề với 300 – 600 lao động. Sở dĩ vậy là do khâu tiêu thụ sản phẩm làng nghề còn gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm tiêu thụ ở khắp các tỉnh thành trong nước, tập trung nhiều ở Sơn Đồng – Hoài Đức, Đồng Kỵ – Bắc Ninh, Cát Đằng – Nam Định…một số làm quà tặng cho khách nước ngoài. Hơn nữa, đặc trưng của sản phẩm này là tiêu thụ chậm, vốn cao, nên chủ yếu dân Kiêu Kỵ nhận làm gia công các công trình, sản phẩm và phụ thuộc vào khách hàng. Hiện mong muốn của Hiệp hội và người dân Kiêu Kỵ là sản phẩm của địa phương sẽ vươn ra thế giới và không dừng lại ở phạm vi quà lưu niệm. Kiêu Kỵ còn định hướng không chỉ bảo tồn, phát triển nghề truyền thống mà còn làm du lịch làng nghề gắn với du lịch tâm linh, bởi đây là vùng đất cổ, giàu truyền thống cách mạng và nhiều di tích lịch sử – văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng.

Gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Anh Chung, Nguyễn Thiện Hùng, Lê Văn Thân là những gia đình có truyền thống từ 4-5 đời làm nghề. Gia đình nghệ nhân ưu tú Lê Văn Vòng và Lê Bá Chung thì đã gần 10 đời làm nghề. Mỗi gia đình nghệ nhân có khoảng 10 lao động thường xuyên. Lao động chính lương từ 7-10 triệu đồng/ tháng. Những thợ phụ lương từ 3-5 triệu đồng/ tháng. Thợ có việc làm đều quanh năm, cuối năm nhiều việc hơn do có nhiều đơn hàng thếp vàng, bạc lên tượng, đồ thờ cúng, vật dụng, tranh ảnh, câu đối…

Những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường, nghề quỳ vàng, bạc ở làng Kiêu Kỵ đã phát triển thành hai loại: Làm vàng, bạc quỳ cựu và làm vàng, bạc quỳ tân (công nghiệp). Cựu là vàng, bạc thật, còn tân hay công nghiệp làm từ thiếc, nhập của Đài Loan. Dù là vàng tân hay vàng cựu thì người Kiêu Kỵ luôn đề cao uy tín, chất lượng, tính thẩm mỹ của mỗi sản phẩm sơn, thếp. Bởi đơn giản, nó mang, thương hiệu uy tín và niềm tự hào mang tên Kiêu Kỵ.

Ngày 09/03/2021, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã ký Quyết định số 826/QÐ-BVHTTDL công nhận Nghề thủ công truyền thống quỳ vàng, bạc Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Thanh Quy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *