Không chỉ là một bộ phim, Bohemian Rhapsody: Huyền thoại ngôi sao nhạc Rock tái hiện cuộc đời của ban nhạc rock huyền thoại Queen. Đằng sau những thước phim và những giai điệu kinh điển đó còn là những câu chuyện thú vị chưa kể.
Ý nghĩa tựa đề phim Bohemian Rhapsody
Tại sao tên phim không phải là We Will Rock You hay We Are The Champions, mà lại là Bohemian Rhapsody?Bohemian Rhapsodyđược xem là ca khúc đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của nhóm Queen. Bài hát có thời lượng 6 phút, làm thay đổi tất cả những quan niệm cũ về hoạt động thu âm. Bohemian Rhapsody từng thống trị các bảng xếp hạng khắp thế giới trong 17 tuần. Ở kỷ nguyên kỹ thuật số, ca khúc này vẫn nổi trội và nằm trong số 10 bài hát được tải nhiều nhất trong lịch sử nhạc rock.
Trước khi có được sự vẻ vang đó, Queen đã phải “đấu tranh” để Bohemian Rhapsody được ra đời. Ban đầu, công ty thu âm của Queen cho rằng họ điên khùng khi thu âm ca khúc này. Ban quản trị yêu cầu 4 chàng trai phải lượt bỏ những ca từ “vô nghĩa”, đồng thời cắt giảm thời lượng xuống dưới 6 phút, để nó dễ lên sóng phát thanh hơn (ở thời điểm đó, các nhà sản xuất chương trình phát thanh đã quen với những đĩa đơn chỉ dài 3 phút). Tuy nhiên, nhóm Queen thẳng thừng từ chối và nhất quyết giữ nguyên đứa con tinh thần của mình. Để gây chú ý cho ca khúc, Queen thậm chí đã làm một MV với nhiều hình ảnh gây ấn tượng về thị giác. Tác phẩm thực sự đã biến họ thành những ngôi sao, đưa họ bước lên những sân khấu chật kín khán giả bên dưới.
Hành trình tìm kiếm “kẻ tái hiện” huyền thoại Freddie Mercury
Dự án Bohemian Rhapsody được khơi mào cách đây 8 năm. Ban đầu, tài tử Baron Cohen (nổi tiếng với bộ phim hài Borat) được chọn thủ vai Freddie Mercury, bên cạnh nhà sản xuất Graham King (người đứng đằng sau những tác phẩm Oscar như The Departed hay Argo). Tuy nhiên, vì những bất đồng trong quan điểm sáng tạo, Baron Cohen đã rút lui. Sau đó, tài tử người Anh Ben Whishaw từng chọn để thay thế. Nhưng anh cũng đã rời dự án 7 tháng sau. Trải qua hàng loạt ứng cử viên, cuối cùng đạo diễn Bryan Singer đã ưng ý với Rami Malek. Ông tin rằng Rami Malek sẽ làm sống dậy Freddie Mercury trên màn ảnh.
Quá trình hoá thân gian nan của Rami Malek
Khi nhận vai Freddie Mercury, Rami Malek thừa nhận anh chịu rất nhiều áp lực, bởi không hề dễ dàng để hoá thân thành chàng ca sĩ nhạc rock vĩ đại có đời sống phức tạp. Để chuẩn bị cho nhân vật, Rami Malek đã dành một tháng sống tại căn hộ của Roger Taylor (nghệ sĩ guitar bass của Queen) để được nghe kể và tìm hiểu những bật mí ly kỳ về Freddie Mercury. Đặc biệt, Rami Malek còn gặp nhiều thách thức trong quá trình thu giọng cho nhân vật.
Để có được giọng nói giống với Freddie Mercury, Rami Malek đã phải đeo một bộ răng giả được chế tạo đặc biệt. Anh thậm chí còn học ngôn ngữ bản địa của bang Gujarati, Ấn Độ vì các thành viên của Queen đã trải qua thời thơ ấu ở đây. Nam tài tử chia sẻ: “Đây là vai diễn tiêu biểu cho tương lai sự nghiệp của tôi. Nếu không hoàn thành tốt, tôi chẳng khác nào tự giết chết mình!”.
Tái hiện buổi diễn lịch sử Live Aid 1985
Live Aid là buổi hoà nhạc diễn ra vào ngày 13 tháng 7 năm 1985, được tổ chức đồng thời tại Sân vận động Wembley ở Anh (với sự tham gia của 72,000 người) và Sân vận động John F. Kennedy ở Mỹ (với sự tham gia của khoảng 100,000 người). Bob Geldof và Midge Ure tổ chức Live Aid nhằm gây quỹ giúp giảm thiểu nạn đói đang diễn ra ở châu Phi. Đây là một trong chương trình phát sóng có quy mô lớn nhất mọi thời đại với khoảng 1,9 tỷ người xem theo dõi trực tiếp. Live Aid quy tụ những giọng hát nổi tiếng nhất thế giới, trong đó tiết mục biểu diễn của nhóm Queen được xem là dấu ấn đặc sắc.
Trong phim Bohemian Rhapsody, khán giả sẽ một lần nữa chứng kiến buổi biểu diễn lịch sử này. Nhà sản xuất đã phục dựng lại Sân vận động Wembley ở sân bay Bovingdon gần Hemel Hempstead. Chuyên viên lưu trữ thông tin của nhóm Queen Greg Brooks đã làm việc hằng ngày với Fox trong nhiều tháng ròng, để hỗ trợ tạo nên cảnh quay này một cách chân thực nhất có thể. Phân đoạn này được xem là cảnh phim “đắt giá” nhất của Bohemian Rhapsody, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
“Bóng hồng” Mary Austin trong đời Freddie Mercury
Bohemian Rhapsody khai thác sâu vào cuộc sống tình cảm của huyền thoại Freddie Mercury. Trong thập niên 70, ngôi sao nhạc rock này từng chung sống với Mary Austin ở London. Người phụ nữ này luôn bên cạnh động viên và hỗ trợ tinh thần cho Freddie. Tuy nhiên, cả hai đã đi đến kết thúc khi Freddie phát hiện mình có cảm xúc với đàn ông. Freddie và Mary Austin về sau vẫn luôn là bạn tốt của nhau. “Nàng thơ” Mary Austin đã mang đến rất nhiều cảm hứng sáng tác âm nhạc cho ông. Một trong những bài hát đó bao gồm bản tình ca hay nhất của nhóm Queen, Love of My Life.
Chuyện tình đồng tính của Freddie Mercury
Jim Hutton là bạn đời của Freddie Mercury, ở bên cạnh ông cho đến những ngày cuối đời. Cả hai lần đầu gặp nhau tại một quán rượu vào năm 1984, Mercury đã mời rượu Jim Hutton nhưng bị từ chối. Jim không hề biết Mercury là ai, thậm chí khi Freddie đã giới thiệu bản thân với ông. Vài năm sau đó, Mercury có cơ hội gặp lại Jim Hutton và duyên số đã khiến hai người thành đôi. Cả hai đã có một cuộc tình lãng mạn và lâu bền.
Khi Freddie phát hiện mình mang căn bệnh thế kỷ AIDS, ông đã khuyên Jim hãy rời xa mình và tìm kiếm một người bạn đời khác. Ngay lúc đó, Jim ân cần và nói với Freddie: “Anh sẽ không đi đâu hết”. Quả thật, Jim đã tận tình chăm sóc cho Freddie và ở bên ông trong những giây phút cuối cùng. Jim Hutton sau đó cũng được chẩn đoán nhiễm HIV nhưng ông lại qua đời do một căn bệnh liên quan đến hút thuốc lá vào năm 2010.
Các ngôi sao quốc tế nói về Queen
Bohemian Rhapsody: Huyền thoại ngôi sao nhạc rock khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 02.11.2018.
Diệp Trang
Theo MaskOnline