Ngày 24/2 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND T.P Ngô Văn Quý đã ký công văn yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thuộc Thành phố; Chủ tịch UBND các Quận, Huyện, Thị xã tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ngày 24/2 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND T.P Ngô Văn Quý đã ký công văn yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thuộc Thành phố; Chủ tịch UBND các Quận, Huyện, Thị xã tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nội dung Công văn số 774/UBND-KGVX nêu rõ: Để phục vụ nhân dân đón Tết Âm lịch và tổ chức các lễ hội đầu năm Đinh Dậu, ngày 22/01/2017, UBND Thành phố họp đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm công tác tổ chức và quản lý lễ hội năm 2016, triển khai công tác tổ chức và quản lý lễ hội năm 2017 trên địa bàn Hà Nội.
Đầu năm 2017, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn Thành phố đã có sự chuyển biến, các lễ hội được tổ chức trang nghiêm; công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại lễ hội được đảm bảo. Những kết quả đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và tổ chức lễ hội vẫn còn xảy ra những hiện tượng phản cảm như: Chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội Đền Sóc (Sóc Sơn); phát lộc, tranh cướp lộc tại lễ hội Chùa Hương ( Mỹ Đức). Để khắc phục và chấn chỉnh những hạn chế nêu trên; UBND T.P yêu cầu các các Sở, Ban, Ngành; UBND các Quận, Huyện, Thị xã thực hiện:
Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội tại địa phương; không cấp phép tổ chức lễ hội truyền thống có mục đích thương mại, trục lợi. Không để xảy ra các hành vi phản cảm, kích động bạo lực, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật về lễ hội; tuyên truyền giới thiệu, quảng bá về nguồn gốc và giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Chỉ đạo Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội có phương án quản lý hòm công đức; bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích. Không để các hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam trong các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông; kiên quyết không để các hành vi bạo lực, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch… diễn ra trong lễ hội. Có biện pháp giải quyết dứt điểm những hạn chế trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bản; quy hoạch, bố trí khu dịch vụ đảm bảo thuận tiện, phù hợp không gian tổ chức lễ hội; không bày bán thịt động vật hoang dã,đồ chơi có tính bạo lực; thực hiện các quy định về niêm yết giá, bán đúng giá tại lễ hội.
Quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động, không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường họp thực thi nhiệm vụ.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm.
UBND Thành phố yêu cầu các Sở, Ban, Ngành thuộc Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện, đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, thiết thực, hiệu quả và báo cáo kết quả triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Đinh Dậu 2017 gửi Sở Văn hóa và Thể thao tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/3/2017.
P.V
Theo MaskOnline