Đã thành thông lệ, cứ 5 năm hội làng Chúc Sơn được tổ chức 2 lần nhằm tưởng nhớ công đức của 3 vị Thành Hoàng làng. Theo truyền thuyết được ghi trong phả tích của làng thì Tam vị Thành Hoàng làng Chúc Sơn là những dũng tướng đã cùng Đức Phù Đổng Thiên Vương giúp vua Hùng Vương thứ 6 đánh đuổi giặc Ân…
Lễ hội làng Chúc Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ được tổ chức trong 3 ngày (từ 11-13 tháng Giêng) năm Quý Mão tại đình Nội và đình Xá.
Câu ca “Dù ai xuống biển lên non/Nhớ ngày lễ hội Chúc Sơn mà về” như thầm nhắc nhở người con Chúc Sơn dù đang làm ăn ở đâu cũng nhớ đến nét đẹp văn hoá truyền thống của làng mình và trở về vui hội.
Bậc cao niên trong làng Chúc Sơn đánh trống khai hội. Ảnh: Cổng TTĐT Chương Mỹ
Đã thành thông lệ, cứ 5 năm hội làng Chúc Sơn được tổ chức 2 lần nhằm tưởng nhớ công đức của 3 vị Thành Hoàng làng. Theo truyền thuyết được ghi trong phả tích của làng thì Tam vị Thành Hoàng làng Chúc Sơn là những dũng tướng đã cùng Đức Phù Đổng Thiên Vương giúp vua Hùng Vương thứ 6 đánh đuổi giặc Ân và sau đó lập nên Chúc Sơn Trang, tức làng Chúc Sơn ngày nay. Những chiến công đánh giặc giữ nước, 3 vị đã được các triều đại từ nhà Lê đến nhà Nguyễn phong 40 đạo sắc phong với tước Đại Vương và Thượng Đẳng Phúc Thần. Ngoài việc đánh giặc giữ nước, các ngài còn giúp dân an cư, dạy dân cày cấy, trồng dâu, nuôi tằm và nhiều công việc hướng thiện khác. Sau khi các ngài hóa, Nhân dân làng Chúc Sơn suy tôn 3 vị là Thành Hoàng làng và lập đình thờ phụng, đình Nội thờ Đức Thánh Cả, đình Xá thờ Đức Thánh Hai và Đức Thánh Ba. Năm 1988, cả 2 đình đều được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia. Hàng năm, cứ vào ngày sinh, ngày mất của 3 vị Đại Vương, dân làng Chúc Sơn lại tổ chức tế lễ tại đình Nội và đình Xá. Mỗi năm thông thường lễ hội đóng đám ở đâu thì sẽ rước ba vị Đại Vương ra đình Trung làm lễ giao quan xong sẽ về đóng đám ở nơi đó.
Lễ hội truyền thống làng Chúc Sơn được tổ chức với phần lễ có nghi lễ rước kiệu truyền thống và nghi lễ tế thần theo phong tục của làng Chúc Sơn; phần hội với các trò chơi dân gian và các chương trình nghệ thuật đan xen. Một trong những việc quan trọng nhất là củng cố các đội phục vụ lễ hội như: đội múa lân, múa rồng, đội đánh trống cái, trống con, đội dâng hương, đội rước kiệu, trong đó đội quan kiệu bà con hay gọi là đội hoàng đô. Đoàn rước kiệu gồm các cụ trong ban thượng lão, ban tế, khánh tiết, hoàng đô. Những người vinh dự được khoác bộ lễ phục đi trong đám rước dù là chân kiệu hay chủ tế, dù thanh niên hay bô lão đều phải qua vòng lựa chọn nghiêm ngặt theo lệ làng, thể hiện lòng tôn kính đối với 3 vị Đại Vương. Đội rước kiệu gồm các thanh niên trai tráng cao lớn, khỏe mạnh, trong thời gian chuẩn bị lễ hội, các thanh niên phải thực hiện ăn riêng, ở riêng khỏi gia đình từ Tết Nguyên đán đến khi lễ hội kết thúc. Đây là nét đẹp truyền thống đặc sắc ở lễ hội làng Chúc Sơn, được Nhân dân địa phương lưu giữ nhiều đời nay nhằm thể hiện sự tôn kính đối với 3 vị thành hoàng làng.
Lễ rước kiệu thu hút đông đảo người dân và khách thập phương tham dự. Ảnh: Cổng TTĐT Chương Mỹ
Tại khu vực đình Nội, vào sáng ngày 11 tháng Giêng, các bậc cao niên bắt đầu tiến hành lễ chào cờ để khai hội và chuẩn bị lễ rước 3 vị Thành Hoàng làng về đình Xá. Sau khi các nghi lễ linh thiêng được hoàn tất, đội hoàng đô tiến hành rước đặt các vị lên kiệu. Các màn múa lân, múa rồng bắt đầu hoà lẫn với nhịp trống chiêng rộn rã, tạo không khí tưng bừng, phấn khởi cho ngày hội, cầu mong một năm may mắn, hanh thông. Điều hấp dẫn, độc đáo nhất của hội làng Chúc sơn là nghi thức rước kiệu mang đậm màu sắc tâm linh. Theo thường lệ mặc dù cùng khởi kiệu nhưng kiệu Đức Thánh Cả luôn khởi hành trước. Kiệu rước Thành Hoàng do 8 hoàng đô đảm nhiệm và 4 hoàng đô luôn đi bên cạnh để hỗ trợ. Các hoàng đô phải khiêng 3 kiệu rất nặng chạy vòng quanh sân đình rồi chạy từ đình Nội lên đình Xá nhưng ai cũng không cảm thấy mệt, rất vui mừng, hãnh diện vì được đóng góp cho hội làng. Kiệu đi đến đâu thì dân làng hồ hởi vây quanh đến đó. Mặc dù từ đình Nội đến đình Trung chỉ cách nhau khoảng 500 mét nhưng phải rước cả buổi sáng, tầm trưa mới ngự tại đình Trung để ban tế tiến hành tế hội đồng giao quan và làm lễ dâng hương. Sau đó, các Thành Hoàng được rước về đình Xá nhập tiệc. Có lẽ giây phút linh thiêng mà mọi người chờ đợi nhất là khi 3 vị Thành Hoàng đã ngự trước cửa đình Xá một cách vẹn toàn trong niềm hân hoan, biết ơn của bà con dân làng. Bởi trong tiềm thức của mọi người thì đây là báo hiệu điềm lành đối với làng Chúc Sơn. Kể từ lúc này cho đến hết ngày 12 tháng Giêng là thời gian Nhân dân dâng cỗ lên đình tế lễ. Đến sáng ngày 13 tháng Giêng, dân làng làm lễ giải tiệc và chiều cùng ngày rước kiệu Đức Thánh Cả hoàn cung về đình Nội. Hai đình làm lễ yên vị, lễ giải y, lễ tạ và đóng cửa đình Nội.
Ngoài phần lễ, phần hội có tổ chức khu vui chơi riêng dành cho trẻ em. Đặc biệt, lễ hội còn tổ chức giải cờ người, tổ tôm điếm, hát quan họ, các trò chơi dân gian… thu hút nhiều người trong và ngoài địa phương tham gia, thể hiện sự gắn kết tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Mặc dù lễ hội làng Chúc Sơn chỉ diễn ra trong 3 ngày nhưng dư âm và ý nghĩa của nó vẫn luôn đọng lại trong tâm thức mỗi người dân Chúc Sơn cũng như du khách thập phương về dự hội.
Mai Phương