Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km, núi Trầm hay “Tử Trầm sơn” tọa lạc tại thôn Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ được ví như “Cao nguyên đá trong lòng Hà Nội”, thu hút nhiều khách tham quan bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và quần thể di tích nổi tiếng.
Vẻ đẹp núi Trầm
Đến núi Trầm du khách bị choáng ngợp trước hình ảnh những tảng đá mang nhiều hình thù độc đáo, kỳ lạ nhấp nhô trên vách núi; những con đường mòn uốn lượn quanh co, ôm lấy những thảm cỏ xanh mướt, tạo nên một khung cảnh vừa hùng vĩ, tráng lệ lại vừa thơ mộng, hữu tình. Du khách còn được dịp chiêm ngưỡng những khóm hoa dại đủ màu sắc, đang vươn mình nở rộ sau những mỏm đá, những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay hay những ngôi nhà nhấp nhô nằm nép mình dưới những hàng cây cổ thụ hanh bình, yên ả. Khi hòa quyện trong ánh nắng vàng tươi và bầu trời xanh trong vắt, núi Trầm tựa như một bức tranh thủy mặc.
Đến núi Trầm, du khách có dịp khám phá chùa Hang
Một trong những điểm đến quan trọng tại ngọn núi Trầm chính là chùa Hang (Hang Trầm) nằm ngay dưới chân núi, với kiến trúc như một hang động nên còn được gọi là Động Long Tiên. Cửa động không quá lớn, nhưng khi bước vào bên trong du khách sẽ phải ngỡ ngàng trước hàng trăm nhũ thạch lấp lánh, với nhiều hình thù và hơn 20 bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của núi Trầm được khắc tỉ mỉ, tinh tế lên vách đá xung quanh. Vì thế chùa Hang được xem là một trong những ngôi chùa rất độc đáo. Trong chùa còn còn có nhiều di vật mang giá trị lịch sử và nghệ thuật cao như: Các bức tượng La Hán, bút tích của các nho sĩ từ thời Lê đến thời Nguyễn, khánh đồng, chuông đồng, bức tượng A Di Đà đang ngồi thiền trên đài sen với vẻ mặt hiền từ và nụ cười đôn hậu. Đặc biệt, trên đỉnh chùa Hang còn có một lỗ hổng nhỏ thông với bên ngoài tựa như một giếng trời, tạo không khí mát mẻ, thoáng đãng, trong lành cho nơi đây.
Tham quan chùa Trầm
Chùa Trầm được xây dựng vào thế kỉ 16, năm Cảnh Trị thứ 7 (1669), do một vị tướng quân sau khi xuất gia lập nên. Ngôi chùa mang tên gọi của ngọn núi nơi nó dựa vào, là “Tử Trầm sơn”. Xưa kia, nơi này là hành cung của vua Lê, chúa Trịnh, với lợi thế khung cảnh yên tĩnh, thanh tịnh của sông Đáy, núi Trầm. Chùa Trầm được coi là một trong bốn ngôi chùa thiêng thuộc hàng “Tứ đại danh thắng của xứ Đoài”, bên cạnh các chùa như: chùa Trăm Gian, chùa Thầy và chùa Tây Phương. Ngôi chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa tâm linh đặc trưng của cư dân đồng bằng Bắc bộ. Chùa Trầm tuy nhỏ, nhưng lại mang vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm với thế “tọa sơn quan thủy”, lưng dựa núi, trước mặt nhìn ra hồ sen bát ngát, xung quanh được bao bọc bởi những tán cây rừng dày đặc, xanh mát,…Đến với ngôi chùa này, du khách không chỉ được dâng hương, lễ Phật, mà còn được tận hưởng một không gian thanh tịnh và tràn ngập sự sống của những hàng cây cổ thụ sừng sững quanh sân.
Trải nghiệm chùa Vô Vi
Chùa Vô Vi là một ngôi chùa nhỏ trên núi Vô Vi, nằm lặng lẽ bên cạnh dãy Tử Trầm to lớn. Tương truyền ngôi chùa được xây từ thế kỷ thứ 10, khi một thủ lĩnh trong 12 sứ quân lên đây dựng chùa ở ẩn. Vì nằm trên đỉnh núi nên chùa không rộng, chỉ chừng hơn 10m2, tượng Phật cũng không có nhiều. Chùa vẫn giữ được kiến trúc hoàn toàn nguyên vẹn. Đi qua cổng chùa khắc 3 chữ Vô Vi tự là đến những bậc thang đá đi lên. Ước chừng 2 chục bậc thang là đến nhà thờ tổ, ngay cạnh đó là một bản hán tự cổ được khắc trực tiếp vào núi đá. Phía bên hông của nhà thờ tổ là một lối đi nhỏ cheo leo, men theo núi. Không gian phía sau mở ra một căn lầu nhỏ được thiết kế mái cong, gạch ngói, nhiều cột trụ, giống như một nơi thiền tịnh của các vị sư. Từ trên chùa Vô Vi nhìn ra cánh đồng Phụng Châu bao la và dòng sông Đáy hiền hòa, bất kỳ ai khi đến vãng cảnh cũng đều thích thú, ấn tượng…
Núi Trầm giờ đây là một địa chỉ văn hóa thu hút nhiều du khách gần xa đến tham quan vào dịp cuối tuần, lễ, tết, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội huyện Chương Mỹ và quảng bá giá trị di sản văn hóa đặc sắc của địa phương.
Mai Chi