Địa danh

Nét đẹp nón lá Phú Mỹ

Nếu tà áo dài tôn lên nét đẹp thướt tha thì chiếc nón lá mang lại vẻ e lệ, kín kẽ và duyên dáng cho người phụ nữ Việt Nam. Từ bao đời nay, nón lá truyền thống làng Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai gần gũi, mộc mạc, đậm nét văn hóa […]

Nếu tà áo dài tôn lên nét đẹp thướt tha thì chiếc nón lá mang lại vẻ e lệ, kín kẽ và duyên dáng cho người phụ nữ Việt Nam. Từ bao đời nay, nón lá truyền thống làng Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai gần gũi, mộc mạc, đậm nét văn hóa và tinh thần người xứ Đoài…
Cụ tổ nghề nón làng Phú Mỹ là Huyền Dung công chúa. Sau khi khai khẩn lập ấp Sông Cốc, mở mang thành làng Vân Ổ Sách, bà truyền dạy cho dân làm nón lá, may áo tơi để tránh nắng, tránh mưa trong lao động. Sau khi bà mất, nhân dân trong làng tôn là Đức thánh Mẫu, thờ phụng tại miếu Cốc (xóm Cốc ngày nay). Nón được Huyền Dung công chúa truyền dạy mô phỏng theo cái chảo, thường gọi là nón chảo rang, dùng một sợi móc để khâu lá cọ già tạo thành chiếc nón chảo rộng vành. Hiện chiếc nón chảo rang được người Phú Mỹ trân trọng lưu giữ, tôn thờ trong miếu Cốc.
Nón lá Phú Mỹ có màu trắng ngà, chắc chắn nhưng cũng không kém phần duyên dáng, nên thơ. Để tạo ra một chiếc nón, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn: lựa chọn, sơ chế nguyên liệu, làm khuôn, căng dây, tạo khấc, khâu nón, luồn nhôi… Người dân Ngọc Mỹ thường mua lá cọ từ các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, đem phơi khoảng hai đến ba nắng. Sau khi lá khô, đặt trên nồi than lửa nóng đỏ, dùng cục vải nhỏ độn giống như củ hành tây để là cho thẳng. Sau khi là, lá được cắt từng đoạn, đủ dài để lợp từ chóp xuống vành cái. Khuôn nón được làm bằng tre ngà già, tạo các khe đặt vòng nón đồng tâm, những que nứa chẻ nhỏ, cuốn thành vành quanh khuôn. Người thợ xếp từng lá vào vòng nón, lót một lớp mo tre để nón thêm dày và cứng cáp, sau đó tiếp tục xếp một lớp lá nữa rồi mới khâu. Khâu nón là công đoạn khó nhất, bởi lá dễ rách và xê dịch nên đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ. Sau khi khâu, người thợ sẽ cắt lớp lá thừa và làm cạp nón. Mặt trong nón còn được cài thêm những hình hoa, lá, rồi thắt chỉ màu, len màu để lồng quai nón.


Những nguyên liệu làm nón lá truyền thống: khuôn, lá cọ, mo tre, que nứa cuốn vành nón…


Khâu nón đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế trong từng đường kim, mũi chỉ

Những thợ lành nghề có thể làm từ 4 – 5 chiếc nón một ngày. Cũng có những chiếc nón cầu kỳ phải cần tới hai ngày để hoàn thiện. Nón lá Phú Mỹ chủ yếu có 3 loại là nón thưa, nón nhỡ và nón mau. Nón thưa có giá chỉ hơn 10.000 đồng/chiếc, còn nón mau có giá lên tới 200.000 đến 300.000 đồng/chiếc. Hiện nay, không chỉ riêng làng Phú Mỹ mà nghề làm nón đã phát triển ra cả xã Ngọc Mỹ.


Bà Nguyễn Thị Nguyệt (thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ) gắn bó với nghề làm nón đã gần 70 năm

Năm 2002, làng nghề nón lá Phú Mỹ được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là làng nghề truyền thống. Chính quyền địa phương đã có sáng kiến tổ chức các cuộc thi làm nón trong mỗi dịp lễ hội của làng, xã. Qua đó, vừa tôn vinh nghề truyền thống, vừa khuyến khích người dân giữ đam mê với nghề. Ở Phú Mỹ đã hình thành những đội, nhóm tư thương chuyên thu gom nón thành phẩm của các hộ dân để đem đi bán.
Với chất lượng và mẫu mã đẹp, nón lá Phú Mỹ hiện được bán rộng rãi ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Người dân Phú Mỹ đang từng bước xây dựng thương hiệu để nón lá truyền thống mang đậm nét bản sắc văn hóa và tinh thần của người dân xứ Đoài ngày càng phát triển.

Minh Trang

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *