Ngày 03/01/2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND về việc ban hành Nội quy về tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Thành phố.
Theo Quyết định, cơ quan tham gia tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân TP tại số 34 phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm và số 20 Hoàng Diệu, quận Hà Đông; Giám đốc các Sở,Ban, Ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Thành phố có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh các vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội.
Thời gian tiếp công dân thường xuyên từ thứ 2 đến thứ 5 hằng tuần: Sáng từ: 8h đến 11h30; chiều từ 14h phút đến 16h30. Ngày thứ 6, tổ chức phục vụ tiếp công dân của Đại biểu Quốc hội và tiếp công dân về vụ việc cụ thể theo kế hoạch.
Lãnh đạo UBND TP tiếp công dân định kỳ vào ngày thứ 3 của tuần thứ 3 hằng tháng (nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì Ban Tiếp công dân Thành phố sẽ có thông báo thay đổi thời gian cụ thể). Sáng từ 8h30 đến 11h30; chiều từ 14h đến 16h30.
Lịch tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TP được niêm yết tại trụ sở tiếp công dân, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, đăng trên Cổng thông tin điện tử TP.
Ngoài những quy định chung, Nội quy cũng quy định rõ thái độ, hành vi của công dân và người tiếp công dân.
Đối với công dân: Công dân phải có thái độ đúng mực, tôn trọng, tuân thủ sự hướng dẫn của người tiếp công dân và bảo vệ; trình bày trung thực sự việc, nói rõ yêu cầu, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Công dân không được lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để xuyên tạc, vu khống, kích động gây mất trật tự trong Trụ sở tiếp công dân hoặc có hành động xâm hại, xúc phạm, cản trở cán bộ tiếp công dân làm nhiệm vụ và các hoạt động của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân. Nếu có 5 người trở lên cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về một nội dung thì phải cử người đại diện trình bày với cán bộ tiếp dân.
Đặc biệt, công dân không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân.
Nghiêm cấm mọi hành vi gây rối an ninh, trật tự tại trụ sở tiếp công dân; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan Nhà nước, người thi hành công vụ hoặc cản trở, gây phiền hà cho công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Đối với người tiếp công dân: Khi tiếp công dân, người tiếp công dân phải chấp hành những quy định của cơ quan, đơn vị chủ quản về trang phục, thẻ công chức; Được quyền yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền; yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc tiếp nhận, thụ lý vụ việc.
Có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.
Trong phạm vi trách nhiệm, trực tiếp xử lý hoặc phân loại, chuyển đơn, trình người có thẩm quyền xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho công dân; Giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và những thông tin cá nhân khác của người tố cáo.
Yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp có người ốm hoặc bị tai nạn đột xuất cần phải cứu chữa thì báo cáo ngay cho Trưởng Ban Tiếp công dân và điện thoại cho Trung tâm cấp cứu 115 đến cấp cứu kịp thời. Người được cấp cứu hoặc người đại diện phải nghiêm chỉnh chấp hành những quyết định của cán bộ y tế làm nhiệm vụ cấp cứu dưới sự giám sát của cán bộ làm công tác tiếp công dân tại Trụ sở./.