Lần đầu tiên phân tích toàn diện nền kinh tế thông qua lăng kính giới cho thấy mặc dù phụ nữ đang góp một phần lớn trong phát triển kinh tế, nhưng việc đạt được mô hình tăng trưởng bao trùm có lợi cho phụ nữ vẫn là một thách thức đối với Việt Nam.
Báo cáo nghiên cứu “Hướng tới Bình đẳng giới ở Việt Nam: Để tăng trưởng bao trùm có lợi cho phụ nữ” đã chỉ ra nguy cơ gia tăng bất bình đẳng giới nếu Việt Nam không tăng cường cung cấp các cơ hội công việc tốt hơn cho phụ nữ và hỗ trợ giảm thiểu vai trò của phụ nữ trong các công việc chăm sóc gia đình không được trả lương. Báo cáo nghiên cứu do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã Hội Việt Nam thực hiện sau một năm thu thập số liệu và phân tích, với sự hỗ trợ của Chính phủ Australia và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam.
Đây là báo cáo toàn diện đầu tiên phân tích nền kinh tế thông qua lăng kính giới, nghiên cứu này đánh giá mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay của Việt Nam, cho thấy mặc dù phụ nữ đang góp một phần lớn trong phát triển kinh tế, việc đạt được mô hình tăng trưởng bao trùm vẫn là một thách thức đối với Việt Nam.
Với những thành tựu đáng kể trong tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo, Việt Nam đang trên đường chuyển mình từ một nền kinh tế nông nghiệp sang một nền kinh tế đa dạng và hội nhập toàn cầu. Những tiến bộ mạnh mẽ cũng được ghi nhận trong lĩnh vực kinh tế xã hội, với việc giảm tình trạng bất bình đẳng giới, đặc biệt trong trình độ học vấn của trẻ em gái và sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động.
Khi Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu hơn vào thị trường toàn cầu, nhà nước cần phải chú ý hơn nữa đến những tác động về giới có thể xảy ra bởi sự phát triển kinh tế. Tự do hóa thương mại có thể mang đến cả cái được và cái mất, và sẽ ảnh hưởng đến các nhóm phụ nữ và nam giới khác nhau, theo những cách khác nhau. Điều này đòi hỏi có các chính sách bổ trợ và chuyên biệt để đảm bảo rằng phụ nữ có thể gặt hái được đầy đủ những lợi ích của các cơ hội kinh tế mới. Chỉ có một mô hình tăng trưởng kinh tế thực sự toàn diện mới có thể tạo nền tảng để hiện thực hóa đầy đủ quyền của phụ nữ và nam giới.
Hướng tới bình đẳng giới ở Việt Nam: Để tăng trưởng bao trùm có lợi cho phụ nữ là một nỗ lực đầy tham vọng nhằm tìm hiểu nền kinh tế Việt Nam qua lăng kính giới. Bằng việc phác họa một bức tranh thống kê phân tách giới toàn diện về một số ngành kinh tế, các phân tích làm nổi bật sự bất bình đẳng trong việc phân phối các nguồn lực sản xuất ở nhiều nhóm phụ nữ và nam giới khác nhau, sự phân chia lao động theo giới, và việc dễ bị tổn thương hơn của phụ nữ trong điều kiện làm việc và trả lương. Nghiên cứu đánh giá khung chính sách của Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị để hiện thực hóa tốt hơn tiềm năng của người phụ nữ và giúp sinh kế của họ đảm bảo hơn, cho dù họ là những người nông dân sản xuất với quy mô nhỏ, những lao động làm công ăn lương, hay là công nhân nhà máy may.
UN Women chú ý đặc biệt đến mối quan hệ giữa lĩnh vực công việc được trả lương và không được trả lương. Thực tế là các chính sách nên giải quyết các vấn đề này một cách toàn diện. Phụ nữ dành nhiều thời gian hơn cho các công việc chăm sóc không được trả lương so với nam giới, do đó họ chịu gánh nặng kép của cả công việc sản xuất và tái sản xuất. Tuy nhiên, có một số biện pháp đầu tư hướng tới cải thiện cơ sở hạ tầng vật chất và xã hội có thể giúp giảm gánh nặng công việc chăm sóc không được trả lương của phụ nữ đồng thời giúp họ có nhiều thời gian rỗi hơn. Những biện pháp như vậy cần được triển khai để đảm bảo phụ nữ có thể được hưởng lợi từ những cơ hội kinh tế một cách bình đẳng như nam giới.
Nghiên cứu cảnh báo rằng, nếu những lợi ích của tăng trưởng kinh tế được phân bổ không đều và quản lý không tốt, quá trình hội nhập có thể duy trì sự tách biệt về giới trên thị trường lao động, đồng thời làm gia tăng tình trạng dễ bị tổn thương của lao động nữ và duy trì khoảng cách tiền lương giữa hai giới. Khoảng cách về giới trong thu nhập đã lớn hơn trong khoảng 10 năm trở lại đây, với tỷ lệ thu nhập của nữ giới bằng 87% so với thu nhập của nam giới (năm 2004) đã giảm còn 80% so với thu nhập của nam giới (năm 2012). Phụ nữ được trả lương thấp nhất trong ngành nông nghiệp, dịch vụ giúp việc gia đình, khách sạn, nhà hàng; lao động nữ nhận được nhận lương cao nhất ở ngành ngân hàng và tài chính, tuy nhiên số phụ nữ làm trong ngành này chỉ chiếm 1% tổng số lao động nữ.
Bà Shoko Ishikawa, Trưởng Đại diện của UN Women Việt Nam cho biết: “Mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại của Việt Nam chưa chú ý đến việc đảm bảo quyền của phụ nữ được hưởng lợi bình đẳng từ sự phát triển, và nếu các chính sách và ưu tiên hiện thời không được xem xét lại và cải cách từ góc độ giới, hội nhập kinh tế sâu rộng hơn sẽ có thể bỏ phụ nữ lại phía sau. Ưu tiên bình đẳng giới cần phải đặt ở trung tâm của các chính sách phát triển. Đầu tư vào phụ nữ là đầu tư vào tăng trưởng kinh tế”.
Những nỗ lực của Việt Nam trong tăng trưởng và giảm nghèo đang chuyển đổi đất nước từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp sang một nền kinh tế đa dạng và hội nhập quốc tế. Mặc dù cuộc sống của hàng triệu người dân đã được cải thiện, nhà nước cần xây dựng mô hình tăng trưởng bao trùm và bền vững đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền bình đẳng kinh tế và xã hội cũng như phát huy được tiềm năng của phụ nữ.
Sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối tháng 12/2015 và việc ký kết hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm 2015 là những bước tiến xa hơn của Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế. Sự tham gia của Việt Nam trong những hiệp định thương mại mới này sẽ mở ra hàng loạt các cơ hội tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các ngành sản xuất, dệt may và điện tử. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng trong việc làm cho đến nay chủ yếu tập trung vào các công việc không đòi hỏi tay nghề. Các cơ hội về đào tạo, phát triển kỹ năng và thăng tiến trong những ngành nghề này rất hạn chế, đặc biệt đối với phụ nữ.
Báo cáo lưu ý rằng mặc dù nhiều cơ hội công việc được mở ra cho lao động nữ trong những ngành xuất khẩu, song phụ nữ ít có cơ hội được đào tạo và thăng tiến hơn nam giới, và khoảng cách giới trong thu nhập đang giãn rộng dần theo thời gian. Báo cáo cũng cho thấy, nông nghiệp vẫn là nguồn sinh kế chính của phần lớn người dân, đặc biệt là phụ nữ ở khu vực Bắc Trung bộ và Tây Nguyên, nhưng đa số họ vẫn làm việc mà không được trả công trong các nông trại gia đình. Điều này khiến họ trở nên dễ bị tổn thương, do có rất ít cơ hội đảm bảo thu nhập và năng suất lao động. Giống như ở nhiều quốc gia khác, phụ nữ Việt Nam cũng dành nhiều thời gian hơn để làm công việc nội trợ không được trả công. So với nam giới, gánh nặng công việc không được trả công đã hạn chế khả năng tiếp cận của phụ nữ đến các cơ hội kinh tế và năng lực tham gia của họ vào các công việc được trả công, làm tăng mức độ stress của họ và có tác động đến quan hệ quyền lực trong gia đình.
Phát biểu tại Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu, ông Layton Pike, Phó Đại sứ Úc cho biết: “Báo cáo nhấn mạnh bình đẳng giới không phải một vấn đề bên lề. Từ nông nghiệp đến giáo dục, phụ nữ và nam giới tham gia khác nhau vào các lĩnh vực của nền kinh tế và khác nhau trong việc tiếp cận những nguồn lực và dịch vụ. Chúng ta cần có cách nhìn khác rằng sự chuyển đổi nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam đang ảnh hưởng nhiều tới phụ nữ so với nam giới. Vì vậy những chính sách và hành động cần tập trung tạo điều kiện để tất cả mọi người được thụ hưởng công bằng các lợi ích từ việc phát triển kinh tế xã hội.”
Phân tích nguyên nhân, TS Marzia Fontana, trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng: do sự sụt giảm trong tỷ lệ nữ giới có chuyên môn kỹ thuật được tuyển dụng (trong khi tỷ lệ này lại đang tăng lên ở nam giới); các ngành học vẫn phân tầng mạnh mẽ về giới; khuôn mẫu vẫn còn tồn tại dai dẳng ở các nhà tuyển dụng (ví dụ trên thực tế, các quảng cáo việc làm đối với các vị trí cao cấp thường chỉ ra sự ưu tiên cho nam giới)…
PGS,TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhấn mạnh: Bình đẳng giới là một vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện khung pháp lý nhằm thực hiện bình đẳng giới như việc Quốc hội Việt Nam đã ban hành luật bình đẳng giới hay đưa bình đẳng giới lồng ghép vào các bộ luật và chính sách được ban hành. Đặc biệt, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia trong khu vực mà phụ nữ tham gia Quốc hội chiếm tỷ lệ cao nhất… Việc công bố báo cáo nghiên cứu là một minh chứng sinh động cho sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức quốc tế và trong nước đối với sự nghiệp phấn đấu cho bình đẳng giới ở Việt Nam. Theo ông, để đạt được bình đẳng giới thực sự cho phụ nữ thì các chính sách phải bảo đảm được tính bao trùm xã hội, trong đó đặc biệt chú ý đến phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương. Ông cũng khẳng định Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới và cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, điều này được phản ánh trong nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước, thông qua việc phê chuẩn các công ước quốc tế như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và nhiều chính sách hỗ trợ chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.
Báo cáo nghiên cứu có thể được sử dụng như một tài liệu tham khảo về vị thế của phụ nữ ở Việt Nam, đồng thời cung cấp các bằng chứng thực tiễn góp phần thúc đẩy mối quan tâm một cách rộng rãi và việc thông qua tất cả các chính sách và chương trình kinh tế có yếu tố giới của Chính phủ Việt Nam.
Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái đã được đặt vào trung tâm của Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 (SDGs), với 17 mục tiêu bao trùm các khía cạnh giới của nghèo đói, y tế, giáo dục, nước và vệ sinh môi trường, việc làm, thành phố an toàn, hòa bình và an ninh. Việt Nam đã cam kết hỗ trợ và quyết tâm chính trị trong việc đảm bảo thực hiện thành công và đạt được các mục tiêu toàn cầu này. Để có thể thực hiện được các cam kết của mình, hơn bao giờ hết, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng đến những người nghèo hơn và chịu thiệt thòi do giới tính, dân tộc và các nguồn gốc bất lợi khác của họ. Đảm bảo sinh kế và sự phát triển năng lực con người cho tất cả các bộ phận dân cư đóng vai trò rất quan trọng để xây dựng một xã hội hiện đại, công bằng và một xã hội trong đó ‘không bỏ lại ai phía sau’.
Hoàng Tùng
Theo MaskOnline