Kẻ Mọc nằm bên bờ sông Tô Lịch, ở phía Tây Nam của thành Đại La xưa, Thăng Long – Hà Nội ngày nay. Cả vùng Kẻ Mọc gồm 5 làng là: Giáp Nhất, Quan Nhân, Chính Kinh, Cự Lộc và Phùng Khoang, nay thuộc 2 phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và Trung Văn, […]
Kẻ Mọc nằm bên bờ sông Tô Lịch, ở phía Tây Nam của thành Đại La xưa, Thăng Long – Hà Nội ngày nay. Cả vùng Kẻ Mọc gồm 5 làng là: Giáp Nhất, Quan Nhân, Chính Kinh, Cự Lộc và Phùng Khoang, nay thuộc 2 phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.
Hội năm làng Mọc được tổ chức trọng thể vào ngày 11/2, nhằm rước các Thánh du xuân và thưởng lãm cảnh quan năm làng và cầu cho quốc thái dân an…Hàng năm tổ chức hội lệ, 5 năm tổ chức đại đám 1 lần. Xa xưa lễ hội tổ chức kéo dài cả tháng, nay chỉ gói gọn trong 6 ngày, do phường Nhân Chính đảm nhiệm là chủ yếu. Nét tiêu biểu của hội năm làng Mọc là múa rồng – thể hiện lòng biết ơn với người con kẻ Mọc đã sáng tạo ra con vật này để giúp quân Tây Sơn đánh tan quân Thanh.
Địa điểm diễn ra lễ hội năm làng Mọc được tổ chức ở đình các thôn Mọc. Đó là các đình Phùng Khoang, Quan Nhân, Cự Chính, Giáp Nhất. Mỗi đình thờ mỗi vị thánh riêng của làng mình. Đình Phùng Khoang là nơi thờ Đoàn Thượng, một danh tướng thời Lý. Đình Cự Chính là nơi thờ Lã Liệu, một vị tướng của vua Hùng có công dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, chống giặc ngoại xâm.
Đình Quan Nhân được gắn với truyền thuyết Hùng Lãng, người Châu Ái (Thanh Hoá). Ông vốn làm huyện trưởng Vũ Tiên (Thái Bình) và kết hôn với Trương Mỵ Nương, người Quan Nhân. Nhân một lần về Quan Nhân, ông đã bị giặc Nam Chiếu phục kích và hy sinh. Vợ ông nghe tin đã uống thuốc độc tự vẫn. Trải qua nhiều triều đại, Hùng Lãng công liên tục được phong là « Trung nghĩa đại vương » và vợ ông được sắc phong là « Dục đức đề mỵ Quan Nhân vương Công chúa ». Gần cầu Mọc là đình Giáp Nhất thờ Phùng Luông, cháu của Bố cái Đại vương Phùng Hưng, người có công trong việc chống quân nhà Đường, giải phóng thành Đại La năm 791.
Không gian lễ hội bắt đầu từ đình làng đăng cai và mở rộng ra ở cả năm làng, cùng các vùng phụ cận. Sau khi hoàn tất một số nghi lễ như: Lễ mở cửa đình, lễ rước nước và lễ mộc dục, lễ y phong (mặc áo Thánh) là chính thức bước vào lễ hội. Lịch lễ hội được 5 làng Mọc thực hiện như sau:
Ngày mồng 8 tháng Hai, Mọc Phùng Khoang tổ chức múa rồng. Các tiểu ban lễ trình tại đình. Mọi công tác chuẩn bị được hoàn tất.
Ngày 9 tháng Hai tổng duyệt lần cuối đoàn rước.
Ngày 10 tháng Hai rước kiệu Đức thánh ông, đức thánh bà, từ đình trong ra đình ngoài theo lệnh của ông khởi chỉ, bà khởi chỉ. Ngày 10 tháng Hai, các dòng họ ở Cự Lộc, Chính Kinh, Phùng Khoang đội mâm lễ ra đình.
Ngày 11 tổ chức rước kiệu, rước Thánh. Đám rước bao gồm nghi trượng đủ bộ, trống bản, rồng, sư tử, đội múa sênh tiền, Kiệu Thánh, kiệu Long đình, kiệu hoa, quan viên chức sắc, đội tế… của 5 làng.
Ngày 12 tháng Hai chính hội. Các làng rước Thánh lễ tại đình làng mình rồi rước tới đình làng đăng cai lễ hội năm đó. Buổi sáng, Ban thể sát đón ông bà Khởi chỉ, Giai nam, Giai nữ ra đình làm lễ, sau đó tuyên bố khai mạc lễ hội và tổ chức lễ rước. Sau lễ rước, tổ chức tế hội đồng. Buổi chiều bế mạc, đội tế Nam Quan tế yên vị.
Ngày 13 tháng Hai, buổi sáng, ông bà Khởi chỉ, Giai nam, Giai nữ làm lễ tạ, ban thể sát tổ chức đón như ngày hội. Buổi chiều các tiểu ban lễ hội làm lễ tạ.
Ngày 14 tháng Hai buổi sáng làm giỗ hậu. Buổi chiều thu dọn, hoàn tất lễ hội.
Năm đại đám như năm 2000, 2010, 2015 vào ngày chính hội 12 tháng Hai, từ tờ mờ sáng cả một vùng Thủ đô bỗng rộn ràng náo nhiệt bởi người đi xem hội đông nghìn nghịt đi theo đoàn rước. Đoàn rước đi trong tiếng trống, tiếng nhạc, tiếng sáo nhị, từ đình Phùng Khoang đến đình Giáp Nhất. Trình tự đoàn rước được sắp đặt nghiêm ngặt, đi đầu là 5 lá cờ ngũ hành, tiếp đến là đội múa cờ, múa rồng, rồi trống, chiêng, giữa đội trống, đội chiêng là người chấp hiệu tay cầm chịch để đánh, theo nhịp cứ một tiếng trống lại một tiếng chiêng, đội sư tử, ngựa hồng, ngựa bạch, voi, đội múa bồng, hương án, long đình, đội cờ, đội Lộ bộ, phường bát âm, kiệu thánh, kiệu bát cống, kiệu hoa…Đoàn rước của 5 làng nối tiếp nhau dài trên một cây số, cứ đi một bước, đoàn rước lại nghỉ một bước. Nếu đứng từ xa nhìn lại ta thấy đoàn rước trông như một con rồng khổng lồ, nhiều màu sắc rực rỡ. Người quan sát không nhìn thấy rõ đâu là đầu rồng, đâu là đuôi rồng, chỉ thấy nào cờ, quạt vả, tàn vàng, nào hương án, long đình, voi nan, ngựa gỗ, trống. Nào đội múa rồng, múa sư tử, nào ông thổ, ông địa v.v.
Đoàn rước đi qua làng nào, làng đó ra đón mừng rồi nhập cuộc. Dọc đường, nhân dân hai bên bày hương án, bàn thờ vái vọng, nghênh đón Thánh thần qua cửa, nhang đăng không lúc nào tắt. Đặc sắc nhất trong ngày chính hội và rước kiệu phải kể đến tiết mục “Kiệu bay”, kiệu quay với lối múa tạt ngang, tạt dọc, thoắt tới thoắt lui chạy ào ào như bão tố, quay vòng như cơn lốc hết sức thú vị.
Khi rước tới đình làng chủ hội mới là nghi thức tế chủ yếu của lễ hội 5 làng Mọc. Sau 3 hồi trống người ta thực thi việc tế lễ. Chúc văn được đọc tại buổi tế là bài viết kể năm tháng, địa danh, tên, công đức các vị Thánh và cũng nêu mong muốn của khắp dân làng là được Thánh Thần ban phúc lành cho dân, cầu cho mưa gió thuận hoà… Đồ vật dâng lên đức Thánh là hoa thơm trái ngọt được lựa chọn kỹ càng, xôi,oản và không thể thiếu được thịt lợn hoặc thịt bò (để nguyên con). Buổi chiều, sau khi làm lễ tạ các ngai Thánh cùng Thần vị được cụ từ và một số giai kiệu, chức sắc vào làm lễ rồi đưa ra kiệu để rước Thánh trở về, gọi là rước Thánh hồi cung; Thánh của làng nào về làng ấy, thứ tự như khi rước buổi sáng tiến qua cổng làng ra đường cái quan.
Ngoài việc tế lễ, rước xách, làng đăng cai còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đánh cờ người,đi cầu treo, bắt vịt dưới ao, rồi trò đập niêu, đánh đáo đĩa, bịt mắt bắt dê, chọi gà, đánh đu, tổ tôm điếm, đánh vật, buổi tối thường có đốt pháo bông, hát chèo.
Rước kiệu trong lễ hội 5 làng Mọc
Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT được tổ chức cùng dịp Lễ hội 5 làng Mọc
Phạm Thanh Quy