Tin tức - Sự kiện

Hồn phố

Tiếng sáo của bà Lê Thúy Nga đã dần trở nên quen thuộc tại không gian hồ Hoàn Kiếm. Tiếng tiêu của cụ Lê Quang Châu bên hồ Hoàn Kiếm thưa dần, bởi năm nay cụ đã 86 tuổi, âu cũng là lẽ thường tình. Từ mấy năm trước, nhiều người băn khoăn, không biết […]

Tiếng sáo của bà Lê Thúy Nga đã dần trở nên quen thuộc tại không gian hồ Hoàn Kiếm.

Tiếng tiêu của cụ Lê Quang Châu bên hồ Hoàn Kiếm thưa dần, bởi năm nay cụ đã 86 tuổi, âu cũng là lẽ thường tình. Từ mấy năm trước, nhiều người băn khoăn, không biết mai này có còn ai thổi tiêu bên hồ, như cụ Châu? Nhưng mảnh đất này luôn sản sinh ra những con người đặc biệt. Bất kỳ góc phố nào, người ta cũng gặp được những điều bất ngờ, những nét lãng mạn mà dường như chỉ dành riêng cho Hà Nội. Họ là những người giữ hồn cho phố.

Không gian hồ Hoàn Kiếm góc cuối đường Lê Thái Tổ như được nhuộm xanh trong một sáng hè nắng nhạt. Không gian chia hai mặt đối lập. Một bên là dòng xe hối hả miên man, một bên mầu xanh trầm tĩnh khiến thời gian như chùng lại. Dưới vòm xanh ấy, vang lên tiếng sáo trúc dìu dặt lúc bổng, lúc trầm giai điệu thân thuộc của bài Việt Nam quê hương tôi. Góc hồ này nhiều năm qua, cụ Lê Quang Châu vẫn ngồi thổi tiêu. Nhưng không phải tiếng tiêu trầm ấm của cụ Châu mà là tiếng sáo trong và cao vút. Tiếng sáo trúc lúc thánh thót như lời reo vui, lúc chùng xuống như ai đó đang gửi theo gió những lời tự sự. Lại đến giai điệu của những bài dân ca. Tiếng sáo như mở ra trước mắt mỗi người những phong cảnh yên bình, những bà mẹ tảo tần của những miền quê… Những người gắn bó với góc hồ Hoàn Kiếm này vẫn coi tiếng sáo trúc ấy là bầu bạn. Gần như đều đặn mỗi sáng, bà Lê Thúy Nga lại mang tiếng sáo trúc tặng cho mọi người.

Thế mà đã hơn năm, bà Lê Thúy Nga ngồi thổi sáo bên hồ. Ít năm trước, bà chẳng bao giờ nghĩ mình trở thành một “lãng sĩ” như thế. Sự việc đến một cách tình cờ. Đấy là một buổi trưa cách đây mấy năm, bà Nga nghe chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Tiếng sáo trúc hay quá, bà nghe mà mê mẩn cả người, cứ muốn nghe mãi. Lúc đó tuổi đã gần 50, nghĩ bây giờ đi học thổi sáo cũng ngài ngại. Nhưng rồi lần nghe tiếng sáo trên đài truyền thanh, lúc trên truyền hình, mỗi lúc nghe thấy người cứ xốn xang khó tả. Bà Nga mua một cây sáo trúc, rồi quyết “tầm sư học đạo”. Nghe nói có Câu lạc bộ sáo trúc, bà Nga tìm đến. Bà nhớ lại: “Đến với sáo trúc mới nhận ra cái hay, cái đẹp của cộng đồng sáo trúc. Ví như thầy tôi là thầy Trần Cao ở Trường đại học Dược Hà Nội. Là người chơi sáo giỏi, thầy truyền đam mê cho bất kỳ học trò nào mà không nhận một đồng học phí. Vốn không được học nhạc lý, tôi học theo lối cảm âm của các cụ ngày xưa, cho nên tốn nhiều công lắm, nhưng càng học càng mê”. Học được mấy “ngón” rồi, bà Nga về đóng cửa phòng tập một mình. Con cái cũng thấy lạ. Nhưng thấy mẹ vui cho nên cả gia đình ủng hộ. Nhiều lúc thấy nản. Có tuổi rồi mới học, các nốt nhạc cứ rối tinh lên. Đọc báo, thấy người ta viết về cụ Lê Quang Châu, 80 tuổi vẫn thổi tiêu bên hồ Hoàn Kiếm, bà Nga nhìn lại mình, tự nhủ: Người ta tám chục tuổi rồi mà vẫn còn chơi tiêu, thổi tiêu khó hơn sáo, lẽ nào mình lại không bằng một phần của cụ? Thế là có thêm động lực. Khi tự tin về tiếng sáo của mình, bà Nga đem cây sáo trúc ra hồ Hoàn Kiếm…

Nhiều người nghĩ bà Nga chơi nhạc kiếm tiền như một số nghệ sĩ nghiệp dư khác, thấy tiếng sáo hay thì gửi biếu tiền. Bà Nga phải vội vàng giải thích. Không phải ai cũng hiểu bà chơi vì mê tiếng sáo, vì yêu mảnh đất này. Khi tiếng sáo lan tỏa trong không gian, bà thấy tâm mình tĩnh lặng, thấy mình như được đi trên những con đường, con ngõ thân thuộc, trở về ký ức cuộc đời, về với tuổi thơ ở khu vực gần Bệnh viện Hữu Nghị, rồi gắn bó với phố cổ, với hồ Hoàn Kiếm ba mươi năm qua khi về làm dâu phố Hàng Bạc… Người Hà Nội từng tự hào về tiếng tiêu của cụ Lê Quang Châu. Người yêu Hà Nội cũng băn khoăn khi tiếng tiêu của cụ thưa dần cùng năm tháng. Mai này, sẽ còn ai nữa? Nhưng hóa ra, những lo lắng ấy là thừa. Tiếng tiêu cụ Lê Quang Châu chưa dứt, thì đã có một tiếng sáo Lê Thúy Nga. Bà Nga nhận mình còn “non” trình độ. Nhưng người nghe cảm nhận được tiếng sáo của bà tình cảm, tinh tế một cách rất Hà Nội. Sẽ càng ngạc nhiên hơn, nếu biết bà Nga xuất thân là một chủ kinh doanh hải sản.

Khi một số chuyên gia, nhà nghiên cứu nói Hà Nội là một đô thị “đáng sống”, nhiều người đã nghi ngờ, thậm chí bị cho là “lãng mạn hóa”. Hà Nội vẫn thường bị “bêu danh” về ô nhiễm không khí. Phố cổ Hà Nội chật chội và cần một cuộc “đại di cư”. Nhưng không phải thế, điều khiến Hà Nội là một nơi đáng sống, điều khiến Hà Nội mê hoặc nhiều khách du lịch nước ngoài, là ở những con người, ở nhịp sống của thành phố này. Bất kỳ góc phố nào, người ta cũng gặp được những điều bất ngờ, những nét lãng mạn, những điều xưa cũ mà dường như chỉ dành riêng cho Hà Nội.

Có ai ngờ được giữa Hà Nội hiện đại, đèn điện, cửa kính sáng choang lại vẫn có một lò rèn đỏ lửa của ông Nguyễn Phương Hùng trên phố Lò Rèn – như một mảnh ký ức sót lại từ thời những người thợ làng rèn Xuân Phương ra Hà Nội rèn các cấu kiện làm cầu Long Biên. Có ai ngờ được giờ đây, khi các công ty sản xuất bánh Trung thu hàng loạt, vẫn có người cặm cụi đục khuôn bánh trên phố Hàng Quạt như ông Phạm Văn Quang. Cửa hàng bé xíu, chật chội, nhưng đã đi qua không mấy ai không lưu lại ánh nhìn. Những khuôn bánh được ông Quang gắn lên tường khiến bức tường như một mảng phù điêu được tạo từ những hoa văn cổ. Hay có ai ngờ rằng, khi đủ loại thời trang lên ngôi, vẫn còn có người tỉ mẩn khoét lốp xe hỏng thành những đôi xăng-đan.

Đó là ông Phạm Xuân Quang, người làm dép lốp tinh nghề ở phố Nguyễn Biểu… Dòng đời vẫn chảy, nhịp phố vẫn trôi, để rồi, một lúc nào đó, ta sẽ nhận ra, cái hồn phố không hẳn nằm ở những ngôi nhà, những công trình kiến trúc, những di tích, những câu chuyện văn hóa… mà còn ở những con người như thế.

Theo Báo Nhân dân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *