Chưa được phân loại

Lan tỏa và sức sống lâu bền của tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh

Đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh không chỉ nổi bật về khả năng lan tỏa, sức sống lâu bền, mà còn thể hiện tính thống nhất trong sự đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc cùng chung tín ngưỡng. Cùng với nhiều […]

Đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh không chỉ nổi bật về khả năng lan tỏa, sức sống lâu bền, mà còn thể hiện tính thống nhất trong sự đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc cùng chung tín ngưỡng. Cùng với nhiều nghi thức, tục thờ khác nhau, lễ tưởng niệm Ngày Thánh hóa (diễn ra ngày 6-11 Âm lịch) đã và đang được chính quyền và nhân dân Ba Vì nỗ lực khôi phục, bảo tồn với đầy đủ các nghi thức truyền thống lâu đời, nhằm phát huy hiệu quả nhất giá trị di sản trong đời sống đương đại.

Dâng hương tại Lễ hội đền Trung. 

Tôn vinh người Anh hùng khai sơn trị thủy

Phát tích từ vùng núi Ba Vì, trấn Sơn Tây xưa, Thủ đô Hà Nội ngày nay, tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh, vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử” thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết cùng ước vọng chinh phục thiên nhiên ngàn đời của người dân đất Việt.

Ở đó, Thánh Tản Viên hiện lên như một vị anh hùng khai sơn trị thủy, bảo vệ dân lành. Khắp vùng Ba Vì, đâu đâu cũng có những dấu tích chế ngự thiên tai của Thánh Tản Viên, như: Bãi đá chông, ngọn u bò, núi đá chèm, tre ngòi lạt…; những làng mạc còn lưu thần tích, ngọc phả ghi nhớ công ơn người dạy dân cách tạo lửa, trồng trọt và ca múa. Đặc biệt, hiện hữu dày đặc và nổi bật hơn cả là tục thờ Tản Viên Sơn Thánh, trải dài khắp một dải xứ Đoài với nhiều cộng đồng dân tộc cùng thực hành tín ngưỡng.

Theo Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu, Thánh Tản Viên Sơn được thờ phụng ở hầu khắp mọi nơi trên cả nước, song trung tâm thờ phụng là mảnh đất xứ Đoài, với hàng chục lễ hội đi kèm nhiều nghi thức độc đáo, riêng có tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn cho tín ngưỡng thờ thánh, trong đó vùng núi Ba Vì được xác định là vùng lõi với hàng trăm di tích thờ phụng Đức Thánh Tản.

“Năm nay, lễ tưởng niệm Ngày hóa của Đức Thánh Tản được thực hiện vào ngày 6 tháng 11 năm Canh Tý (tức ngày 19 tháng 12 năm 2020) trên núi Ba Vì, ngọn núi Tổ gắn liền với truyền thuyết về Đức Thánh Tản – Vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử”. Lễ tưởng niệm bao gồm nhiều nghi thức độc đáo, như: Rước kiệu từ cốt 1.100 (Vườn quốc gia) lên Đền Thượng cốt 1.200, tấu sớ, dâng Chúc văn với nghi thức truyền thống và với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa, đây là hoạt động tín ngưỡng điển hình về tục thờ Tản Viên Sơn Thánh”, ông Lê Khắc Nhu nhấn mạnh.

Đẩy mạnh giáo dục truyền thống

Từ sáng sớm, các phần việc chuẩn bị cho lễ rước kiệu tại khu vực Vườn quốc gia Ba Vì đã sẵn sàng, với đầy đủ cờ, quạt, kiệu, lọng, chiêng, trống và lễ vật. Trong tiết trời giá lạnh của mùa đông trên đỉnh non Tản, khói hương quyện với mây trời, sương núi càng tạo cho khung cảnh nơi này sự linh thiêng huyền ảo. Cùng với các chức sắc, bô lão trong ban khánh tiết và nhân dân trong vùng, tham gia đoàn rước còn có nhiều du khách thập phương mang theo tâm nguyện thắp nén tâm hương vào Ngày Thánh hóa để tỏ lòng kính ngưỡng người Anh hùng của quốc gia, dân tộc.

Bà Đặng Thị Bích Thủy (phố Phùng Hưng, thị xã Sơn Tây) cho biết, nếu như trước đây, lễ tưởng niệm Ngày Thánh hoá chỉ tổ chức thắp hương, dâng lễ đơn giản thì một vài năm trở lại đây, hoạt động ngày đã được tổ chức quy mô, bài bản, với nhiều nghi thức độc đáo được phục dựng, tạo sức ảnh hưởng, thu hút nhân dân đến dâng hương, chiêm bái. “Tôi mong rằng, công tác này sẽ tiếp tục được huyện Ba Vì quan tâm hơn nữa nhằm đẩy mạnh hiệu quả giáo dục truyền thống, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh trong đời sống cộng đồng”, bà Đặng Thị Bích Thủy đề xuất.

Về vấn đề này, theo Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, nhiều năm qua thành phố Hà Nội nói chung, huyện Ba Vì nói riêng đã có rất nhiều việc làm nhằm phát huy hiệu quả giá trị di sản, như: Tiến hành phục dựng một số nghi thức, trò chơi, tục hèm… bị mai một; huy động nguồn lực xã hội hóa tu bổ tôn tạo cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ; số hóa tư liệu từ các nghệ nhân nắm giữ và thực hành di sản…

“Thời gian tới, huyện sẽ triển khai chương trình hành động nhằm bảo vệ, giữ gìn không gian văn hóa tâm linh vùng núi Ba Vì, đồng thời tiếp tục bảo tồn, xây dựng lễ hội thành lễ hội vùng; hoàn thiện hồ sơ, trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc – UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn thánh là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại”, ông Đỗ Mạnh Hưng nhấn mạnh.

Theo Báo Hànộimới

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/986551/lan-toa-va-suc-song-lau-ben-cua-tin-nguong-tho-tan-vien-son-thanh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *