Tham dự Liên hoan, vở cải lương Lý Thường Kiệt của Nhà hát Cải lương Hà Nội và vở diễn Người hát ả đào của Nhà Nhà hát Chèo Hà Nội đã gây ấn tượng sâu sắc cho khán giả đến xem.
Liên hoan sân khấu Hà Nội mở rộng – 2024 bế mạc vào tối ngày 09/11/2024, có 7/12 vở diễn tại Liên hoan đã giành Huy chương Vàng, Bạc. Nhà hát Cải lương và Nhà hát Chèo Hà Nội tham dự Liên hoan đã cùng giành được Huy chương Bạc.
Tham dự Liên hoan, vở cải lương Lý Thường Kiệt của Nhà hát Cải lương Hà Nội đã gây ấn tượng sâu sắc cho khán giả. Đây là một trong những vở cải lương mang đậm tính lịch sử và tinh thần dân tộc. Vở diễn đã tái hiện những khoảnh khắc hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống; được dàn dựng công phu, lời thoại sắc sảo, âm nhạc và giai điệu mang đậm chất cải lương, bối cảnh của vở diễn được tái hiện 1 cách chân thực trên sân khấu, được các nghệ sĩ thể hiện rất thành công… Đặc biệt, vở diễn “Lý Thường Kiệt” có sự kết hợp giữa những yếu tố truyền thống và hiện đại, mang đến cho khán giả một trải nghiệm nghệ thuật phong phú, nhất là vai diễn Lý Thường Kiệt.
Ngoài Huy chương Bạc vở diễn, các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Hà Nội còn giành nhiều Huy chương tại Liên hoan, với 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc. Riêng nhạc sĩ – NSND Hoàng Anh Tú đã giành giải Nhạc công xuất sắc tại Liên hoan.
Vở chèo Người hát ả đào của Nhà Nhà hát Chèo Hà Nội đã giành Huy Chương Bạc. 2 nghệ sĩ của Nhà hát giành Huy Chương Vàng là NSƯT Quốc Phòng và NS Quỳnh Trang. Các nghệ sĩ giành Huy Chương Bạc gồm: Thuý Nga, Xuân Trường, Lê Đạt, Hồng Thắm và NSND Thanh Loan. Nhạc sỹ Hùng Cường – chỉ huy dàn nhạc đã giành Huy chương Vàng tại Liên hoan.
Người hát ả đào lấy bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân Thủ đô đã cùng nhau đứng lên chống giặc. Đó là những con người bình dị, không chịu kiếp sống nô lệ, đứng lên chiến đấu vì Hà Nội.
Trong số này có những người phụ nữ chân yếu tay mềm như: Cô đào hát phố Khâm Thiên, những cô gái làng hoa Ngọc Hà. Bên cạnh đó còn là những công nhân, những nghệ sĩ trí thức… cùng đồng lòng đi theo Việt minh.
Vở chèo đã tái hiện thành công vẻ đẹp kiêu hùng của Hà Nội trong những năm kháng chiến chống Pháp, gợi nhớ những chiến lũy trên các đường phố, những cánh đồng của làng hoa Ngọc Hà, những tà áo dài thướt tha của các thiếu nữ Hà thành, tiếng ca trù của các cô gái hát ả đào ở phố Khâm Thiên…
Đội ngũ diễn viên tài năng của Nhà hát Chèo Hà Nội đã hóa thân vào các vai diễn, vào bối cảnh lịch sử hào hùng của dân tộc, khiến bao khán giả xúc động.
4 Nhà hát của Sở VHTT Hà Nội tham dự Liên hoan, ngoài Nhà hát Cải lương, Nhà hát Chèo Hà Nội giành Huy chương Bạc còn có 2 Nhà hát đã giành Huy chương Vàng là Nhà hát múa rối Thăng Long và Nhà hát Kịch Hà Nội.
Tuấn Minh