Sau 5 năm triển khai thực hiện, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan trực thuộc thành phố, Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã được cán bộ, công chức, viên chức, các tập thể, cá nhân quan tâm hưởng ứng và thực hiện nghiêm túc, bước đầu đã dần hình thành những chuẩn mực văn hoá, lời nói, thái độ, hành vi của tổ chức, cá nhân nơi công cộng, ý thức giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của đất nước, Thủ đô đã đem lại nhiều tích cực trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Có được kết quả đó, là sự vào cuộc không ngừng nghỉ của các cấp lãnh đạo, tập thể, cá nhân và Nhân dân trên địa bàn toàn Thành phố. Bên cạnh các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng thông qua các cuộc thi, các hình thức tuyên truyền trực quan, tổ chức toạ đàm đến tận thôn, làng, tổ dân phố, để các quy tắc ứng xử ngày càng đi vào cuộc sống, Thành phố tổ chức thí điểm và nhân rộng các mô hình điểm về tuyên truyền quy tắc ứng xử đang được phát động rộng rãi từ Thành phố tới cơ sở, nhằm khơi dậy những sáng kiến, việc làm tốt vì chất lượng sống của người dân.
Từ 2019, với vai trò Cơ quan thường trực triển khai các quy tắc ứng xử của Thành phố, Sở văn hóa và Thể thao đã ban hành Hướng dẫn tổ chức thực hiện các mô hình tuyên truyền quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố với 10 mô hình tuyên truyền (trong đó, có 03 mô hình tuyên truyền trong khu vực hành chính và 07 mô hình tuyên truyền nơi công cộng). Trong mỗi mô hình được triển khai đã bao hàm các đối tượng, phạm vi thực hiện cụ thể, rõ ràng và phù hợp với các nội dung của quy tắc ứng xử, đó là: (1) Mô hình bộ phận một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp; (2) Mô hình cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng; (3) Mô hình xây dựng trường học thân thiện, nói lời hay làm việc tốt, cảnh quan đẹp; (4) Mô hình chung cư văn hoá, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung; (5) Mô hình đoàn xe tuyên truyền lưu động về ứng xử văn hóa, vệ sinh môi trường, chấp hành giao thông; (6) Mô hình hướng dẫn nhân dân, tiểu thương khu phố cổ thân thiện với du khách, không chèo kéo, tăng giá, ép du khách sử dụng dịch vụ; (7) Mô hình tuyên truyền cho tiểu thương giao tiếp thân thiện khi mua, bán hàng hóa, niêm yết giá, nguồn gốc sản phẩm, không sử dụng hóa chất độc hại; (8) Mô hình hướng dẫn nhân dân chấp hành luật giao thông, thân thiện, nhường nhịn khi có va chạm trên đường; (9) Mô hình thôn, tổ dân phố không tệ nạn xã hội, môi trường xanh sạch đẹp; (10) Mô hình sinh viên tình nguyện tuyên truyền du lịch thân thiện.
Thành phố giao thực hiện xây dựng thí điểm 03 mô hình là: (1) Quận Long Biên với mô hình bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp; (2) Quận Hoàn Kiếm mô hình hướng dẫn nhân dân, tiểu thương khu phố cổ thân thiện với du khách, không chèo kéo, tăng giá, ép du khách sử dụng dịch vụ; (3) Quận Hoàng Mai với mô hình chung cư văn hoá, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung. Trên cơ sở đó, quận Long Biên đã tổ chức lễ phát động thực hiện mô hình tại bộ phận 1 cửa, 1 cửa liên thông phường Thạch Bàn, hàng tháng, phòng Văn hóa và Thông tin quận theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện mô hình. Trên cơ sở đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện, dự kiến nhân rộng mô hình tại 100% các phường trên địa bàn quận. Quận Hoàng Mai đã tổ chức triển khai các nội dung mô hình tới ban quản trị, ban quản lý các khu chung cư trên địa bàn; Tổ chức ra mắt mô hình chung cư điểm tại phường Yên Sở. Bổ sung quy tắc ứng xử vào nội quy chung cư, in 7.000 bảng Quy tắc ứng xử dán tại các tòa nhà chung cư. Quận Hoàn Kiếm thực hiện triển khai mô hình gắn với triển khai thực hiện 5 tiêu chí văn hoá ứng xử của người dân khu phố cổ được cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc quận hưởng ứng, thực hiện.
Các đơn vị được chỉ định thực hiện mô hình điểm của Thành phố đã tổ chức lễ ra mắt mô hình đảm bảo trang trọng, hiệu quả, thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Đến hết 2019 các quận, huyện, thị xã hoàn tất việc triển khai các mô hình tuyên truyền điểm. Căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương, lựa chọn ít nhất 02 mô hình triển khai toàn diện, trong đó “Mô hình bộ phận một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp” là bắt buộc, các mô hình khác tổ chức thực hiện vào các năm tiếp theo.
Việc triển khai xây dựng mô hình tuyên truyền về quy tắc ứng xử đã được các cấp, các ngành, địa phương và Nhân dân hưởng ứng, thực hiện. Trong quá trình triển khai, nhiều mô hình được xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả như việc tổ chức Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh (đã tổ chức lần thứ 5) của Ban Tuyên giáo Thành ủy. Ban Dân vận Thành ủy với mô hình “Dân vận khéo”, đến nay có 9.608 mô hình, trong đó cấp Thành phố là 348 mô hình, cấp quận, huyện, thị và tương đương là 2.302 mô hình, cấp xã, phường, thị trấn là 6.958 mô hình. Qua triển khai phong trào xây dựng mô hình dân vận khéo, nhiều việc mới, việc khó phát sinh ở cơ sở đã được giải quyết, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân. Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố triển khai xây dựng thực hiện mô hình như: hội thi Dân vũ thể thao, tổ chức cuộc thi “Nữ doanh nhân Tâm tài – thanh lịch”, ngày hội “Áo dài xuống phố”, Hội khỏe Phụ nữ Thủ đô 2022… Thành đoàn Hà Nội xây dựng trên 20 mô hình triển khai tích cực làm đẹp môi trường, cảnh quan đô thị như: “Đội hình 3+”, “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Hàng cây thanh niên”, “Vườn hoa thanh niên”, “Tranh tường bích họa”, “Tủ điện nở hoa”, ”Cột điện nở hoa”, “Thả cá không thả túi nilon”, “Cơ quan không rác thải nhựa”, “Văn phòng không rác thải nhựa”, “Trường học không rác thải nhựa”…
Bên cạnh đó, nhiều địa phương triển khai nhiều mô hình với cách làm sáng tạo mới để tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở: Tại quận Thanh Xuân, mô hình “Tổ dân phố 5 không” với từ 1 đến 2 điểm sáng đầu tiên, đến nay đã được nhân rộng ở cả 11/11 phường, bằng những việc làm đơn giản, cụ thể, các mô hình “Tổ dân phố 5 không” đã được người dân đưa vào đời sống, lan tỏa tới các phường trên địa bàn quận. Phường Việt Hưng (quận Long Biên), có 7/15 tổ dân phố đang triển khai thực hiện các mô hình: Mái nhà xanh 3.1; đường hoa tự quản, xóa điểm chân rác; thu gom phế liệu gây quỹ nhân đạo; đổi rác, phế liệu lấy cây xanh…
Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó giao nhiệm vụ cho các đơn vị có liên quan, chủ trì, thực hiện đảm bảo yêu cầu, tiến độ đề ra. Điển hình là các đơn vị: Long Biên, Bắc Từ Liêm, Thị xã Sơn Tây, Hoàng Mai, Đan Phượng, Thanh Oai.
Việc nhân rộng các mô hình đã được tuyên truyền quy tắc ứng xử đã được thể hiện đậm nét hơn, trở thành phong trào, mang ý nghĩa nhân văn thông qua các mô hình mà người dân xây dựng trong tình hình dịch bệnh COVID-19 hoành hành tại Thủ đô và cả nước thời gian vừa qua. Đó là mô hình: Cây gạo ATM, “Hà Nội nghĩa tình”, “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” để “không ai bị bỏ lại phía sau” , “Xuân tình nguyện – Tết sẻ chia”…. Các hoạt động thể hiện tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ, chia sẻ với nhau lúc khó khăn, “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, nét đẹp văn hóa ứng xử người Hà Nội được biểu hiện rõ nét, là cội nguồn văn hóa của người dân Hà Nội, đó chính là tình người, tính nhân văn, tinh thần vì cộng đồng.
Việt Hà