Gia đình

Phòng tránh biến chứng do tăng huyết áp

​Mỗi người, tùy độ tuổi, tình trạng bệnh lý xác định một mục tiêu huyết áp cần đạt và áp dụng các biện pháp phòng tránh biến chứng tăng thích hợp.

​Tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Tăng huyết áp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Bệnh tăng huyết áp cần điều trị lâu dài, liên tục và đạt được huyết áp mục tiêu mong muốn nhằm hướng tới cải thiện chất lượng lâu dài cho cuộc sống người bệnh. Nếu điều trị tốt tăng huyết áp có thể giảm 20-25% nhồi máu cơ tim, 35-40% nguy cơ đột quỵ, 50% nguy cơ suy tim, 30-40% nguy cơ tử vong do tim mạch và giảm nguy cơ bị đái tháo đường.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Bùi Thanh Quang, Phó khoa điều trị ngoại, Viện Tim TP HCM, mỗi người cần xác định mục tiêu huyết áp cần đạt được. Với người bệnh đái tháo đường, suy thận, tai biến mạch máu não, cần đạt huyết áp dưới 130/80 mmHg. Người suy tim cần giữ huyết áp ở mức dưới 120/80 mmHg. Người trên 80 tuổi cần duy trì huyết áp tâm thu dưới 145-150, huyết áp tâm trương dưới 90 mmHg. Với nhóm người không có bệnh lý khác đi kèm, cần giữ huyết áp dưới 140/90 mmHg.

Mỗi người cần xác định một mục tiêu huyết áp cần đạt được
Mỗi người cần xác định một mục tiêu huyết áp cần đạt được. Ảnh: wp.vcu.edu
Theo bác sĩ Thanh Quang, một số biện pháp phòng tránh biến chứng do tăng huyết áp như sau:
Biện pháp không dùng thuốc, áp dụng khi huyết áp tăng trên 120/80 mmHg nhưng dưới 160/90 mmHg.
– Cai thuốc lá.
– Cai bia rượu đối với người nghiện nặng, có thể uống dưới 30ml rượu mạnh, dưới 720 ml bia trong một ngày.
– Giảm ăn mặn, ăn ít hơn 4g muối mỗi ngày, ít hơn 1 muỗng cà phê muối, hoặc ít hơn 2 muỗng canh nước mắm hoặc nước tương.
– Chế độ ăn nhiều rau, ít trái cây, ít béo.
– Tập thể dục ít nhất 30-45 phút mỗi ngày và tập đều đặn 7 ngày một tuần.
– Giảm cân ở người thừa cân hoặc béo phì.
Dùng thuốc hạ huyết áp
Nếu thực hiện biện pháp không dùng thuốc mà vẫn chưa đạt được huyết áp mục tiêu mong muốn thì cần phối hợp thêm thuốc hạ huyết áp. Ngày nay thuốc hạ huyết áp có rất nhiều nhóm và rất nhiều loại thuốc mới có tác dụng tốt. Mỗi loại thuốc có ưu thế cho từng  nhóm đối tượng tăng huyết áp. Vì thế, cần có ý kiến và chỉ định của thầy thuốc, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc hoặc sao chép đơn thuốc của người khác để tự điều trị.
Điều trị đái tháo đường
Người bị tăng huyết áp có kèm theo đái tháo đường nếu không kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp thì nguy cơ bị bệnh tim mạch rất cao. Kiểm soát tốt đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 giúp giảm 24% nguy cơ biến chứng tim mạch. Mục tiêu HbA1C cần đạt ở người có nguy cơ tim mạch cao, đã từng bị nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não là dưới 7%.
Rối loạn lipide máu
Người bị tăng huyết áp có kèm rối loạn chuyển hóa lipid nếu không được điều trị tốt cả 2 bệnh này thì nguy cơ biến chứng tim mạch tăng rất cao. Ngược lại, nếu điều trị bệnh tốt thì cứ giảm được 10% trị số huyết áp và 10% cholesterole toàn phần sẽ giúp giảm tới 45% nguy cơ bị tử vong do biến chứng tim mạch.
Bác sĩ Quang lưu ý, sau một thời gian điều trị huyết áp đã ổn định, đạt huyết áp mục tiêu thì không nên tự ý dừng thuốc mà duy trì điều trị theo liều lượng được điều chỉnh bởi thầy thuốc. Chỉ ngừng thuốc khi có ý kiến chỉ định của thầy thuốc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *