Sự kiện

Sôi động, hoành tráng Liên hoan Nghệ thuật quần chúng “Hà Nội – Niềm tin và hy vọng ” năm 2024

Tối 1/11, tại Sân khấu ngoài trời Vườn hoa đền Bà Kiệu (phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng – Hoàn Kiếm), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Chung khảo Liên hoan Nghệ thuật quần chúng “Hà Nội – Niềm tin và hy vọng” năm 2024.

Đến dự Chung khảo Liên hoan có PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội; Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lương Đức Thắng; Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh; đại diện lãnh đạo UBND các quận: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ; đại diện lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; đại diện Hội Âm nhạc Hà Nội; đại diện Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao các quận, huyện, thị xã cùng đông đảo công chúng yêu âm nhạc Thủ đô.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu khai mạc Chung khảo Liên hoan

Liên hoan Nghệ thuật quần chúng “Hà Nội – Niềm tin và hy vọng” năm 2024 được tổ chức nhằm tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống ngàn năm Văn hiến và anh hùng của Thăng Long – Hà Nội, truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân Thủ đô. Qua đó khơi dậy niềm tự hào, chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Liên hoan là dịp để các địa phương gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, tạo cơ hội phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng thời tạo nên các sản phẩm văn hóa mới, đa dạng, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của công chúng.

Qua các ca khúc, các điệu múa và trống hội càng thêm yêu Hà Nội

Phát biểu khai mạc Chung khảo Liên hoan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh – Trưởng ban Tổ chức Liên hoan nhấn mạnh: Liên hoan nằm trong chuỗi hoạt động của thành phố Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10; chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029; chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024). Đồng thời, Liên hoan cũng mở đầu cho chuỗi hoạt động trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024, lần thứ 4 được tổ chức tháng 11/2024.

Sau 6 tháng tích cực triển khai từ cơ sở đã có 19/30 đơn vị tổ chức Liên hoan từ cấp xã, phường, thị trấn, gồm: Ứng Hòa, Ba Đình, Sóc Sơn, Thanh Xuân, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hai Bà Trưng, Quốc Oai, Gia Lâm, Hà Đông, Mê Linh, Long Biên, Cầu Giấy, Thường Tín, Mỹ Đức, Hoàng Mai, thị xã Sơn Tây, Phú Xuyên, Thanh Oai; 24/30 đơn vị tổ chức Liên hoan cấp quận, huyện, thị xã và 30/30 đơn vị tham gia Liên hoan cấp Thành phố.

Vòng Sơ khảo Liên hoan được tổ chức vào buổi tối các ngày từ 17/10 đến 19/10/2024, tại Sân khấu ngoài trời Trung tâm Văn hóa Thành phố, với sự tham gia của gần 4.000 diễn viên đến từ 30 đơn vị quận, huyện, thị xã. Các chương trình tham gia Liên hoan có nội dung ca ngợi Việt Nam – Đất nước – Con người; ca ngợi Thủ đô Hà Nội anh hùng – Thành phố vì hoà bình – Thành phố sáng tạo trên chặng đường 70 năm giải phóng, xây dựng, hội nhập, phát triển với những thành tựu to lớn, những giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc và các giá trị văn hóa hiện đại… Liên hoan ca ngợi người Hà Nội với phẩm chất hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh được chắt lọc, kết tinh trong quá trình hình thành và phát triển Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Màn Trống hội “Ngày hội non sông” – quận Hoàn Kiếm

Màn Trống hội “Vang vọng hồn dân tộc” – huyện Thanh Oai

Màn Trống hội – quận Hoàng Mai

Liên hoan Nghệ thuật quần chúng đã trở thành một sân chơi lành mạnh, bổ ích, nơi giao lưu nghệ thuật, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao trình độ tổ chức, kỹ năng dàn dựng chương trình của các xã, phường, thị trấn, các quận, huyện, thị xã đến thành phố.

Đến với Chung khảo Liên hoan là 12 đội nghệ thuật quần chúng của 12 quận, huyện có chương trình đạt chất lượng xuất sắc vượt qua vòng Sơ khảo cấp Thành phố. Tin tưởng các đội nghệ thuật tham dự Chung khảo sẽ tiếp tục cống hiến cho khán giả những tiết mục đặc sắc, ấn tượng với một tinh thần đổi mới, sáng tạo, góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 và những ngày lễ, kỷ niệm trong năm 2024. Chúng ta tự hào về Thủ đô Hà Nội – Thành phố vì hòa bình – Thành phố sáng tạo – Thủ đô anh hùng – Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người Việt Nam – Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Hợp xướng “Hà Nội tiến vào thiên niên kỷ mới” – quận Bắc Từ Liêm

Đồng ca “Một vòng Việt Nam” – huyện Thanh Trì

Liên khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch – Dâng Người tiếng hát mùa xuân – Chúng con canh giấc ngủ cho Người” – quận Hà Đông

Hợp xướng “Mãi mãi tuổi 20” – huyện Ba Vì

Qua các ca khúc, các điệu múa và trống hội hôm nay, chúng ta lại càng thêm yêu Hà Nội của chúng ta và có trách nhiệm hơn để bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Giá trị truyền thống được kết tinh, hội tụ và tỏa sáng trên sấn khấu Liên hoan

Đánh giá chất lượng nghệ thuật Liên hoan, Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội – Trưởng ban Giám khảo Liên hoan nhận định: Suốt chặng đường từ vòng Sơ khảo cho đến vòng Chung khảo hôm nay, Ban Giám khảo làm việc hết sức công tâm, lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc để trao giải. Trong quá trình chấm, Ban Giám khảo thấy tất cả các đơn vị quận, huyện, thị xã đều chấp hành đúng chủ đề nội dung do Ban Tổ chức quy định. Đó là thể hiện những tác phẩm nghệ thuật từ màn trình diễn trống hội, múa cờ hội đến những tác phẩm múa, thanh nhạc viết về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam và đặc biệt là viết về thành phố Hà Nội.

Múa “Sức mạnh thần kỳ” – quận Cầu Giấy

Đơn ca “Bài ca Hà Nội” – huyện Chương Mỹ

Đơn ca “Người Hà Nội” – huyện Đông Anh

Đơn ca “Hà Nội linh thiêng hào hoa” – huyện Đan Phượng

Độc tấu đàn Nhị “Kể chuyện ngày mùa” – quận Tây Hồ

Về hình thức trình diễn, 30 đơn vị với 30 sắc màu khác nhau, có những điểm nhấn riêng biệt. Chúng ta đã được thưởng thức một không gian nghệ thuật quần chúng, nhưng trong đó thấy xuất hiện yếu tố chuyên nghiệp. Đó chính là cơ hội để các nghệ sĩ tiếp tục hoạt động và bồi dưỡng trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp sau này. Nhiều tiết mục được dàn dựng công phu về tiết tấu chương trình, hòa âm phối khí, đặc biệt là những tiết mục múa, hát, tiết mục hướng tới không gian nghệ thuật truyền thống như là hát Xẩm, trình diễn nhạc cụ dân tộc độc tấu đàn Nhị. Nhiều đơn vị có sự sáng tạo nhất định trong tiết mục trình diễn trống hội, múa cờ hội kết hợp trình diễn Lân sư rồng, hay là Cồng chiêng Mường âm vang trên sân khấu, mang lại cho chúng ta âm hưởng nghệ thuật hết sức đẹp đẽ. Ở đây cho thấy tất cả những giá trị truyền thống cho đến hiện đại được kết tinh, hội tụ và tỏa sáng trên sân khấu Liên hoan.

Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội đánh giá chất lượng nghệ thuật Liên hoan

Với tiết mục tự chọn, chúng ta được nghe những hình thức trình diễn của các nghệ sĩ từ đơn ca, song ca, tam ca, cho đến đồng ca, hợp xướng, nhiều đơn vị có sự đầu tư công phu mang tính chuyên môn cao. Ví dụ như có sự xuất hiện của dàn nhạc trên sân khấu là điều hết sức đáng quý. Hay là chúng ta có bản phối khí, hòa âm mang tính chuyên nghiệp, đảm bảo về chất lượng chuyên môn cũng như chất lượng nghệ thuật, âm thanh để có thể phục vụ cho những tiết mục múa, những tác phẩm thanh nhạc được tốt nhất.

Cùng với đó, Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh cũng đưa ra một số hạn chế cần rút kinh nghiệm cho các đơn vị để có những chương trình tốt hơn trong mùa diễn lần sau: Cần có sự lựa chọn nội dung chủ đề theo mạch thống nhất, đặc biệt là mạch đập về âm nhạc để hấp dẫn công chúng hơn; một số đơn vị chưa chú trọng về việc tạo ra bản hòa âm phối khí đảm bảo về chuyên môn; một số tiết mục múa, biểu diễn trống hội thì trang phục kết hợp giữa truyền thống và hiện đại chưa phù hợp với tác phẩm trình diễn trên sân khấu…

Về tổng thể, tất cả những tiết mục của các đơn vị đã mang đến trên sân khấu Liên hoan món quà âm nhạc hết sức quý giá dành cho đông đảo công chúng yêu âm nhạc Thủ đô.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội và Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh trao giải Nhất Liên hoan

Ban Tổ chức trao giải Nhì Liên hoan

Trao giải Ba Liên hoan 

Trao giải Khuyến khích Liên hoan

Trao giải Phong trào cơ sở

Trao giải Khuyến khích Chuyên đề

Kết thúc Chung khảo Liên hoan, Ban Tổ chức trao 2 giải A (giải Nhất); 10 giải B (giải Nhì); 10 giải C (giải Ba); 8 giải Khuyến khích cho các chương trình đạt kết quả tốt trong Liên hoan. Trong đó, giải A thuộc về quận Tây Hồ và huyện Thanh Trì.

Ngoài ra, Ban Tổ chức trao 12 giải Phong trào cơ sở cho các đơn vị đã có thành tích triển khai tổ chức tốt Liên hoan từ các cấp cơ sở.

Ban Tổ chức trao các giải Khuyến khích Chuyên đề: Chương trình đầu tư dàn dựng hiệu quả cho quận Cầu Giấy, quận Bắc Từ Liêm; Bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống: Tiết mục hát Xẩm “Tự hào Thăng Long Hà Nội – Soạn lời Tuyết Tuyết – Biểu diễn: Câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống quận Thanh Xuân. Tiết mục hát Xẩm “Theo Đảng trọn đời” – Biểu diễn: Ngọc Anh – huyện Thạch Thất. Tiết mục độc tấu đàn Nhị “Kể chuyện ngày mùa” – Tác giả: Thao Giang – Biểu diễn: Thu Giang – quận Tây Hồ; giải Biểu diễn trống hội xuất sắc: Quận Hoàn Kiếm, quận Hoàng Mai; giải Dàn dựng sáng tạo: Tiết mục múa “Gánh phố” – Biên đạo múa: Hoàng Hiệp – quận Hai Bà Trưng./.

Thảo Nhi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *