Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, Thư viện Hà Nội trở thành một điểm đến hấp dẫn và để lại dấu ấn tốt đẹp trong ký ức của nhiều thế hệ người dân Thủ đô.
Năm 1956, tại nhà Thủy Tạ bên hồ Hoàn Kiếm, Thư viện Hà Nội ra đời với tên gọi ban đầu là Phòng đọc sách nhân dân. Đến nay, Thư viện có trụ sở tại số 47, phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm. Thư viện được xây dựng với kiến trúc bề thế, ấn tượng gồm hai khối nhà cao 9 tầng, mô phỏng hình ảnh trang sách mở như ôm lấy dòng chảy vô tận của tri thức nhân loại. Đây là một trong những công trình văn hóa chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Ngoài trụ sở ở số 47 Bà Triệu, Thư viện Hà Nội còn có trụ sở tại số 2B Quang Trung – Hà Đông để phục vụ bạn đọc.
Trưng bày sách, báo kỷ niệm 64 năm ngày giải phóng Thủ đô
Có lịch sử hình thành lâu đời nên Thư viện thành phố được coi là một kho tàng thư tịch đồ sộ của người dân Thủ đô. Thư viện cung cấp cho độc giả gần 600.000 bản sách, trên 400 đầu báo, tạp chí tiếng Việt và ngoại văn, cùng nhiều tài liệu địa chí Hà Nội (bản đồ, văn bia, thần tích, thần sắc, hương ước…), được sắp xếp khoa học thuận lợi cho việc tìm kiếm. Để đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc Thủ đô, Thư viện đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc như: Đơn giản hóa thủ tục làm thẻ; mở rộng hệ thống phòng phục vụ gồm phòng phục vụ thiếu nhi; phòng đọc báo, tạp chí; phòng mượn; phòng đọc theo yêu cầu; phòng đọc sách ngoại văn; phòng đọc dành cho người khiếm thị; phòng đọc tài liệu về Hà Nội; phòng đọc đa phương tiện…Thư viện ứng dụng phần mềm LIBOL 6.0 cho các hoạt động nghiệp vụ, quản lý và phục vụ bạn đọc: Thực hiện cấp thẻ trực tuyến; biên soạn thư mục chuyên đề, thư mục giới thiệu sách mới; số hóa vốn tài liệu địa chí; sản xuất sách phục vụ bạn đọc khiếm thị (sách chữ Braille, sách nói); hoàn thiện cơ sở dữ liệu và bộ máy tra cứu đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin cho bạn đọc…Thư viện mở cửa từ 8h – 17h các ngày trong tuần.
Đến Thư viện Hà Nội, độc giả thỏa thích tìm đọc những cuốn sách mình yêu thích.
Với những lợi thế đó, Thư viện thành phố rất phù hợp cho việc học tập, nghiên cứu và thư giãn của rất nhiều người, ở mọi lứa tuổi. Các cụ lớn tuổi thích đến đây nghiền ngẫm sách lịch sử, địa lí,…; người nghiên cứu khoa học đến đọc và tìm hiểu những tư liệu quý; các bạn trẻ đến có thể đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu hoặc mang sách vở tới học bài trong không gian yên tĩnh, thoáng mát. Vào dịp hè, phòng thiếu nhi tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực phục vụ các độc giả “nhí” như tổ chức các trò chơi nhận diện tác phẩm, viết về trải nghiệm đọc sách. Thư viện tổ chức chấm thi và trao giải cho những bài thi cảm động, chữ đẹp nhất và viết về nhiều sách nhất cho các em…Các hoạt động này đã góp phần khích lệ các em thêm yêu sách và mở rộng tâm hồn với thế giới xung quanh qua những trang sách. Bên cạnh nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, Thư viện Hà Nội còn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền: Ngày sách Việt Nam (21/4), Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4); giới thiệu sách mới; nói chuyện chuyên đề; trưng bày sách, báo vào dịp lễ, kỷ niệm…
Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, Thư viện Hà Nội trở thành một điểm đến hấp dẫn và để lại dấu ấn tốt đẹp trong ký ức của nhiều thế hệ người dân Thủ đô.
Hương Giang
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm