Văn hóa

Trao giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc lần thứ VI

Ngày 4/4, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI và phát động cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024.

Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc là giải thưởng uy tín, có ý nghĩa được trao cho tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc. Sau 05 lần trao Giải thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tôn vinh được 121 tập thể, cá nhân tiêu biểu, trên toàn quốc có những đóng góp tích cực, nổi bật cho phát triển văn hóa đọc.

Năm nay, giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI được thực hiện theo Quy chế mới do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành năm 2023, chú trọng hướng tới hiệu quả thiết thực và sự bền vững của các hoạt động phát triển văn hóa đọc, ưu tiên các nhân tố mới thông qua các tiêu chí: Các tập thể, cá nhân có thời gian tổ chức, tham gia tổ chức hoặc đóng góp cho phát triển văn hóa đọc tối thiểu 03 năm liên tục và chưa được tặng Giải thưởng trong khoảng thời gian 03 năm tính đến năm đề nghị xét tặng, tổ chức được các mô hình hoạt động văn hóa đọc hiệu quả có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Cá nhân đề nghị xét tặng Giải thưởng phải có ít nhất 01 sáng kiến hoặc đề xuất mô hình, cách làm hay được triển khai áp dụng rộng rãi, có sức lan tỏa góp phần phát triển văn hóa đọc tại địa phương, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Vụ Thư viện

Giải thưởng Phát triển văn học đọc lần thứ VI được triển khai từ tháng 9/2023 đến hết ngày 31/12/2023, Ban Tổ chức nhận được 78 hồ sơ từ địa phương, bộ đề nghị xét tặng, trong đó, có 36 hồ sơ tập thể và 42 hồ sơ cá nhân. Hội đồng xét tặng Giải thưởng đã lựa chọn trao tặng Giải thưởng cho 14 tập thể và 16 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động phát triển văn hóa đọc.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Xây dựng văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc ngày càng trở thành nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng văn hóa, phát triển con người Việt Nam. Bối cảnh mới với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã và đang làm thay đổi thói quen đọc sách, hình thành thói quen mới cho người đọc sách hiện đại. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh mới, các thư viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cần tiếp tục tăng cường đưa sách đến gần với công chúng thông qua các hoạt động tổ chức hội sách, giới thiệu sách, triển lãm sách, tặng sách, tiết học đọc sách, gia đình đọc sách, phục vụ đọc sách bằng xe ô tô lưu động và nhiều hoạt động thiết thực khác. Bên cạnh việc tổ chức theo phương thức truyền thống, cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng quản trị tri thức, quản trị dữ liệu, tổ chức các dịch vụ kết nối số đáp ứng nhu cầu tiếp cận, sử dụng thông tin của mọi người.

Để giải thưởng Phát triển văn hóa đọc ngày càng lan tỏa sâu rộng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL đề nghị, trong thời gian tới, Vụ Thư viện với vai trò là cơ quan thường trực cần phối hợp với các ban, bộ, ngành, tổ chức đoàn thể huy động mọi lực lượng trong xã hội cùng chung tay xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, chủ động phát hiện, mở rộng, đa dạng hóa đối tượng trong mọi lĩnh vực, mô hình trong thực hiện. Tiếp tục đề xuất chính sách, chỉ đạo hệ thống thư viện công lập và có giải pháp hỗ trợ duy trì bền vững các mô hình thư viện ở cơ sở, đặc biệt là thư viện do người dân, cộng đồng đang chung tay đóng góp, tăng cường, đổi mới công tác truyền thông nhằm lan tỏa ý nghĩa và giá trị của Giải thưởng.

Vinh danh 14 tập thể và 16 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động phát triển văn hóa đọc. Ảnh: Vụ Thư viện

Ngay sau buổi Lễ Trao giải, Bộ VHTTDL tổ chức Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024. Năm nay, Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc có sự đổi mới nhằm tạo thêm nhiều cơ hội, khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của các thí sinh. Theo đó, đối tượng tham gia thi sẽ được chia làm 02 nhóm: Nhóm học sinh tiểu học và trung học cơ sở; Nhóm học sinh trung học phổ thông và sinh viên; Bộ đề thi được thiết kế mới nhằm phát huy khả năng tư duy, tính sáng tạo của từng nhóm thí sinh; Bài dự thị trình bày bằng ngôn ngữ Tiếng Việt và sử dụng hình thức viết hoặc dựng video, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin.
Các thư viện, đơn vị thuộc Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng), Hội Người mù Việt Nam, các tỉnh/thành phố và trường đại học/học viện tự tổ chức Vòng Sơ khảo bắt đầu từ tháng 4/2024; lựa chọn các bài dự thi xuất sắc nhất gửi về Ban Tổ chức vào tháng 7/2024 để chấm xét giải Vòng Chung kết Cuộc thi. Tháng 10/2024 sẽ diễn ra Vòng Chung kết toàn quốc và Lễ tổng kết Cuộc thi sẽ được tổ chức tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

T.N

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *