Ủy ban nhân dân TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020.
Nhằm tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020.
Thực hiện Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020”; Công văn số 4311/LĐTBXH-BVCSTE ngày 26/10/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020”. Để tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, đảm bảo việc thực hiện Quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020.
Với những mục tiêu cụ thể: Phấn đấu 100% pháp luật, chính sách về trẻ em ở cấp thành phố, cấp huyện được tham vấn ý kiến trẻ em; 90% các quyết định có liên quan đến trẻ em trong nhà trường được tham vấn ý kiến trẻ em; 90% các quyết định có liên quan đến trẻ em trong cộng đồng, xã hội được tham vấn ý kiến trẻ em. Với cấp Thành phố triển khai thực hiện ít nhất 01 mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em. Phấn đấu 100% các quận, huyện, thị xã lựa chọn triển khai thực hiện ít nhất 01 mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị.
Chương trình đưa ra nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân về ý nghĩa, sự cần thiết về quyền tham gia của trẻ em, giúp cho trẻ em chủ động, sáng tạo, tự tin trong cuộc sống, trở thành chủ nhân tương lai của Thủ đô và đất nước. Nâng cao năng lực về quản lý nhà nước, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân.
Theo đó, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, Thành phố khi xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách có liên quan đến trẻ em; nhà trường, cộng đồng, xã hội khi xây dựng và thực hiện quyết định, kế hoạch, hoạt động có liên quan đến trẻ em phải tổ chức các hình thức tham vấn, lấy ý kiến của trẻ em bằng các hình thức phù hợp.
Cần đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực của xã hội, cộng đồng và doanh nghiệp để thực hiện Kế hoạch; khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nguồn lực để tổ chức các hoạt động, các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Mở rộng hợp tác quốc tế về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em nhằm tranh thủ nguồn lực, kỹ thuật và kinh nghiệm quốc tế. Chủ động tổ chức hoạt động cấp huyện và cấp Thành phố, tham gia các sự kiện khu vực và quốc tế về quyền tham gia của trẻ em như Diễn đàn trẻ em, Liên hoan gặp mặt trẻ em.
Chương trình đã đưa ra những hành động theo từng dự án cụ thể như: Dự án Truyền thông, nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em với mục tiêu nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân, gia đình, nhà trường và xã hội có trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em. Chỉ tiêu đặt ra của dự án này là 90% cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hiểu biết và kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em; 70% cán bộ chính quyền các cấp có hiểu biết và kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em; 90% cán bộ Đoàn, phụ trách Đội, giáo viên có hiểu biết và kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em; 70% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em có hiểu biết và kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
Để thực hiện dự án cần nghiên cứu, xây dựng, phát triển và sản xuất các ấn phẩm truyền thông về quyền tham gia của trẻ em trong hệ thống các quyền trẻ em, phục vụ cho việc triển khai thực hiện mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em; Lồng ghép nội dung truyền thông của Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các chương trình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở các cấp, các ngành. Hàng năm tổ chức các chiến dịch truyền thông trong Tháng hành động vì trẻ em nhằm tạo sự quan tâm và thay đổi nhận thức, vận động sự tham gia của toàn xã hội ủng hộ việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em. Xây dựng các thông điệp, chương trình phát trên đài phát thanh, truyền hình Hà Nội. Các tờ rơi, tờ gấp, cẩm nang về quyền tham gia của trẻ em và các hình thức thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; Tuyên truyền giới thiệu các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong việc thực hiện thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Tổ chức các hoạt động truyền thông cho các cán bộ, giáo viên, học sinh trong nhà trường về quyền tham gia của trẻ em; truyền thông tại cộng đồng: tại các nhà văn hóa xã, phường, khu dân cư, các điểm tư vấn nhằm thay đổi nhận thức cho trẻ em, cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cán bộ Đoàn, Đội, cha mẹ về quyền tham gia của trẻ em, chú trọng truyền thông kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ trẻ em. Theo dõi, đánh giá kết quả các hoạt động truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông trong gia đình, nhà trường, định kỳ đánh giá tác động của hoạt động truyền thông đối với trẻ em, người lớn.
Dự án 2: Nâng cao năng lực thực hiện quyền tham gia của trẻ em với mục tiêu nâng cao năng lực trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách về bảo đảm quyền tham gia của trẻ em cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em, chú trọng đối tượng cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, giáo viên, cán bộ Đoàn, Đội, cha mẹ và trẻ em; xây dựng quy trình, tiêu chuẩn, tài liệu hướng dẫn thực hiện và nâng cao năng lực theo dõi, đánh giá việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
Chỉ tiêu đặt ra: 90% cán bộ quản lý nhà nước về trẻ em, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ Thành phố đến cấp huyện được nâng cao năng lực về quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình về quyền tham gia của trẻ em; 50% cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cấp xã và cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở thôn, xóm, cụm dân cư được nâng cao năng lực thực hiện quyền tham gia của trẻ em; 90% cán bộ Đoàn, Đội, giáo viên được tập huấn, nâng cao năng lực thực hiện quyền tham gia của trẻ em; 50% cha mẹ, trẻ em được tập huấn, trang bị kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
Để thực hiện dự án cần xây dựng và triển khai các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện quyền tham gia của trẻ em, các quy trình, tiêu chuẩn về quyền tham gia của trẻ em, các kỹ năng làm việc với trẻ em. Theo dõi, đánh giá thực hiện quyền tham gia của trẻ em: Triển khai các chỉ số theo dõi, đánh giá thực hiện quyền tham gia của trẻ em, các tiêu chí giám sát, đánh giá thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và tổ chức xã hội; Khảo sát và đánh giá việc thực hiện các quyền tham gia của trẻ em, việc xây dựng và thực hiện các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; Phát hành tài liệu và cung cấp thông tin, dữ liệu về tình hình thực hiện quyền tham gia của trẻ em; Kiểm tra, đánh giá và hỗ trợ cho cán bộ chuyên trách ở các quận, huyện trong việc thu thập, cập nhật thông tin về quyền tham gia của trẻ em.
Để nâng cao năng lực tổ chức thực hiện quyền tham gia của trẻ em cần: Rà soát, đánh giá, khảo sát yêu cầu, nhu cầu nâng cao năng lực, xây dựng chương trình, nội dung tập huấn, bồi dưỡng về quyền tham gia của trẻ em cho đối tượng được đào tạo, tập huấn. Phát hành các bộ tài liệu tập huấn dành cho các đối tượng cán bộ tham gia tập huấn (giảng viên nguồn, cán bộ cấp huyện, xã và cộng tác viên, giáo viên, cán bộ Đoàn, Đội, sinh viên, cha mẹ, trẻ em); Tổ chức tập huấn và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về quyền trẻ em và quyền tham gia của trẻ em, về các văn bản quản lý nhà nước hướng dẫn thực hiện quyền tham gia của trẻ em, các hình thức, nguyên tắc, trách nhiệm, quy trình, tiêu chuẩn, kỹ năng làm việc với trẻ em,… cho đội ngũ cán bộ và cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, kiến thức và các kỹ năng thúc đẩy quyền tham gia cho trẻ em, cha mẹ, giáo viên, cán bộ Đoàn, Đội; Kiểm tra, đánh giá kết quả tập huấn, bồi dưỡng đối với các đối tượng được đào tạo, tập huấn.
Dự án 3: Xây dựng và thực hiện các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em như: Diễn đàn trẻ em là hoạt động để trẻ em nói lên ý kiến, nguyện vọng của trẻ em hoặc để các cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em về những vấn đề có liên quan đến trẻ em. Với mục tiêu cụ thể: Diễn đàn trẻ em cấp thành phố, cấp huyện định kỳ tổ chức 1 năm/lần. Khuyến khích tổ chức diễn đàn trẻ em cấp xã.
Nội dung hoạt động bao gồm: Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn tổ chức thực hiện diễn đàn trẻ em với các nội dung liên quan đến việc thực hiện quyền trẻ em, trong đó chú trọng quyền tham gia của trẻ em về các vấn đề của trẻ em; Xây dựng tài liệu tập huấn và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hành cho trẻ em và người phụ trách trẻ em tham dự Diễn đàn trẻ em các cấp; Tổ chức diễn đàn trẻ em cấp quận, huyện và Thành phố: Trẻ em tham gia các trò chơi, giao lưu văn nghệ, trưng bày góc truyền thông, thăm quan; Thảo luận nhóm để đưa ra các khuyến nghị, thông điệp; Trẻ em tham gia giao lưu với đại diện của lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội theo cấp huyện và Thành phố; Truyền thông về Diễn đàn trẻ em và các thông điệp, khuyến nghị của trẻ em, tổng kết, hội nghị, hội thảo đánh giá tình hình thực hiện Diễn đàn trẻ em. Tham gia Diễn đàn trẻ em Quốc gia.
Thăm dò ý kiến trẻ em thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm, phiếu hỏi, điện thoại di động, tổng đài tư vấn, internet và các hình thức phù hợp khác. Với mục tiêu ít nhất 5 quận, huyện, thị xã trong quá trình thực thi pháp luật và triển khai các chính sách có liên quan đến trẻ em tổ chức thăm dò ý kiến trẻ em. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện mô hình thăm dò ý kiến trẻ em về các vấn đề liên quan đến trẻ em, thúc đẩy thực hiện quyền tham gia của trẻ em. Xây dựng, phát hành tài liệu hướng dẫn nội dung thăm dò ý kiến trẻ em về các vấn đề, văn bản có liên quan đến trẻ em; hướng dẫn về quy trình thăm dò ý kiến trẻ em, thiết kế và tổ chức triển khai các mô hình thăm dò ý kiến trẻ em. Tiến hành thăm dò ý kiến trẻ em qua nhiều hình thức (như phiếu hỏi, điện thoại, tham vấn, tư vấn, internet và các hình thức phù hợp khác). Nội dung thăm dò ý kiến trẻ em: các văn bản luật pháp, chính sách liên quan đến trẻ em, môi trường giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, phòng chống tai nạn thương tích, hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em. Xây dựng báo cáo, tài liệu, đánh giá kết quả, kinh nghiệm và khuyến nghị khi thực hiện mô hình, tổ chức theo dõi, giám sát mô hình để đưa ra các bài học kinh nghiệm và đề xuất nhân rộng mô hình.
Hội đồng trẻ em đại diện cho trẻ em định kỳ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với đại diện Hội đồng nhân dân các cấp về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên địa bàn Thành phố. Thành lập và tổ chức hoạt động Hội đồng trẻ em cấp Thành phố. Xây dựng kế hoạch, bình chọn trẻ em tham gia, thiết kế nội dung hoạt động của Hội đồng trẻ em. Thành lập Hội đồng trẻ em, trẻ em tổ chức bình bầu Hội đồng trẻ em căn cứ các tiêu chí do trẻ em đề xuất với sự hỗ trợ của người lớn. – Tổ chức các hoạt động của Hội đồng trẻ em và định kỳ họp Hội đồng trẻ em về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Tổng hợp những ý kiến đề xuất, kiến nghị của Hội đồng trẻ em gửi đến lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố để xem xét, phản hồi. Tổ chức lấy ý kiến trẻ em, chọn cử nhóm trẻ đại diện cho Hội đồng trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng với đại diện Hội đồng nhân dân Thành phố về các vấn đề liên quan đến trẻ em trước các kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố. Tổ chức các hoạt động truyền thông về hoạt động của Hội đồng trẻ em. Xây dựng báo cáo, đánh giá kết quả, tổng kết kinh nghiệm và khuyến nghị khi thực hiện mô hình.
Thành lập Câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em trên cơ sở tham gia tự nguyện của trẻ em, do trẻ em chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động liên quan đến quyền và bổn phận của trẻ em.Với mục tiêu 100% các liên đội có câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em được thành lập, tổ chức hoạt động tại nhà trường và cộng đồng. Để thành lập được các CLB cần rà soát, đánh giá tình hình thực hiện; Hướng dẫn thành lập và duy trì câu lạc bộ trẻ em; Lập kế hoạch tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ trẻ em; xây dựng và triển khai tài liệu hướng dẫn sinh hoạt câu lạc bộ. Tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, ghi nhật ký và lập báo cáo sinh hoạt câu lạc bộ. Tổ chức tập huấn kỹ năng tổ chức điều hành hoạt động câu lạc bộ, giao lưu, liên hoan các câu lạc bộ; hội nghị, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về triển khai mô hình.
Để quyền tham gia của trẻ em thiết thực nhất thì trước hết cần tôn trọng ý kiến của các em thông qua các chương trình, hoạt động do trẻ em tự khởi xướng và thực hiện; những đề xuất, sáng kiến của trẻ em cần được lắng nghe và thực hiện nhằm giải quyết các nhu cầu của trẻ em, cộng đồng và xã hội. Những chương trình, hoạt động này do trẻ em đề xuất, xây dựng, triển khai và giám sát thực hiện dưới sự hướng dẫn của các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ đáp ứng các quyền tham gia của trẻ em theo quy định của pháp luật. Với mục tiêu ít nhất 50 chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện tại nhà trường và cộng đồng liên quan đến quyền tham gia của trẻ em. Xây dựng, triển khai tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mô hình. Thành lập nhóm giảng viên nguồn cấp Thành phố, gồm: cán bộ ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên, do các ngành lựa chọn, đề xuất. Lựa chọn thành viên tham gia mạng lưới hỗ trợ trẻ tại cấp xã: là cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cán bộ Đoàn, Đội, giáo viên, tổng phụ trách của các địa bàn thí điểm, thành lập nhóm trẻ nòng cốt. Tập huấn cho nhóm giảng viên nguồn cấp Thành phố: Tập huấn mạng lưới hỗ trợ trẻ em cấp xã, tập huấn cho nhóm trẻ em nòng cốt; phát động trẻ em xây dựng chương trình, hoạt động; thẩm định phê duyệt chương trình, hoạt động để trẻ em thực hiện. Nhóm trẻ em nòng cốt thực hiện chương trình, hoạt động với sự giám sát, hỗ trợ của mạng lưới hỗ trợ trẻ em: khảo sát ban đầu, xây dựng kế hoạch, chương trình khung hoạt động do trẻ em khởi xướng, báo cáo đánh giá kết quả triển khai thực hiện, giám sát các chương trình, hoạt động. Mạng lưới hỗ trợ trẻ báo cáo đánh giá kết quả thực hiện với các cơ quan cấp trên theo ngành dọc. Tổ chức hội thảo, hội nghị tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện mô hình.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở tài chính, Sở Kế hoạch, Các cơ quan báo, đài của Thành phố Hà Nội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội, Thành Đoàn Hà Nội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Thành phố Hà Nội, Liên đoàn Lao động Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp thực hiện.
Hồng Diên
Ảnh: Internet
Theo MaskOnline