Chiều 18/4, triển lãm chuyên đề tranh ghép vải lụa “Những mảnh vụn” do người khuyết tật sáng tạo chính thức khai mạc tại Bảo tàng Hà Nội. Đây là chương trình đặc biệt do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Hợp tác xã Vụn Art tổ chức, hướng tới những hoạt động thiết thực kỷ niệm ngày bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật Việt Nam 18/4, với mong muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp về nghị lực sống, vượt khó, vươn lên của những người yếu thế.
Triển lãm “Những mảnh vụn” giới thiệu đến công chúng gần 40 tác phẩm tranh được làm thủ công từ chất liệu vải lụa vụn Vạn Phúc và một số sản phẩm đồ dùng, quà lưu niệm như túi xách, ví, đồ dân dụng hằng ngày, đã được cung ứng thị trường nhiều nước, được nhiều bạn bè quốc tế yêu thích.
Các bức tranh của Vụn Art được chuyển thể từ nhiều thể loại như tranh dân gian Việt Nam (tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh Đông Hồ…), tranh đồng quê, tranh danh lam thắng cảnh Việt Nam và thế giới, chân dung danh nhân và tranh của các hoạ sỹ nổi tiếng. Đặc biệt tác giả của các tác phẩm nghệ thuật, các sản phẩm ứng dụng này đều là những người thợ khuyết tật, với nhiều thể trạng khác nhau của Hợp tác xã Vụn Art, một doanh nghiệp xã hội từ làng lụa Vạn Phúc. Vụn Art cũng là một trong những đơn vị tích cực tham gia các hoạt động thiết kế, sáng tạo trong các hoạt động Thành phố sáng tạo của Hà Nội.
Phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh chia sẻ, một mảnh vải vụn sẽ góp phần tạo nên một bức tranh nghệ thuật nếu được đặt đúng chỗ. Một người khuyết tật cũng có thể tạo nên những giá trị riêng, độc nhất để làm đẹp cho cuộc đời nếu tìm được đúng vị trí của mình.
“Với trên 30 người khuyết tật cùng đồng hành, trong những năm qua, hợp tác xã Vụn Art đã tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật, yếu thế. Nguyên liệu làm nên những sản phẩm của Vụn art là những mảnh vải lụa vụn không thể sử dụng may quần áo của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, Hà Đông. Chất liệu tơ tằm, màu sắc sáng rõ, lâu phai, những vụn vải lụa trở thành nguồn tài nguyên quý giá để những thợ thủ công “đặc biệt” của Vụn Art sáng tạo” – bà Trần Thị Vân Anh cho biết thêm.
Tranh ghép vải là một loại hình nghệ thuật mới, đòi hỏi tính tỉ mỉ, cẩn trọng, con mắt nghệ thuật tinh tế và khả năng phối hợp ngẫu hứng với những mảnh lụa nhiều màu sắc. “Những mảnh vụn” lụa phế thải qua tay người thợ Vụn Art như được thổi hồn, trở nên sống động, khiến những bức tranh độc bản trở thành những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp. Trong thời gian triển lãm, vào các ngày cuối tuần, Bảo tàng Hà Nội sẽ tổ chức các buổi workshop, trình diễn, trải nghiệm làm tranh. Khách tham quan, đặc biệt là các bạn trẻ sẽ được hướng dẫn làm tranh dân gian, tranh phong cảnh và các đồ lưu niệm. Tham gia chương trình, ngoài việc được trực tiếp làm nên các tác phẩm nghệ thuật, khách tham quan còn được mang những sản phẩm do tự tay mình làm ra để làm quà lưu niệm sau chuyến tham quan Bảo tàng Hà Nội.
Phát biểu tại buổi họp báo trước lễ khai mạc, Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Đặng Minh Vệ cho biết: “Việc Bảo tàng Hà Nội cùng Vụn art tổ chức hoạt động này là một ý tưởng được chúng tôi ghi nhớ cùng với Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hà Đông, Giám đốc HTX Vụn Lê Việt Cường trong các buổi gặp gỡ tại các sự kiện trong chuỗi hoạt động của Thành phố sáng tạo mà TP Hà Nội đã cam kết khi gia nhập các Thành phố sáng tạo của Unesco. Tại các sự kiện đó, HTX Vụn Art đã giới thiệu những sản phẩm của những người thợ khuyết tật làm ra. Chúng tôi đánh giá rất cao ý tưởng và những sản phẩm của Vụn. Từ những mảnh vải lụa vụn là phế thải và không có khả năng tái chế, những người khuyết tật lại có thể sử dụng nó làm nên những bức tranh, những sản phẩm hữu dụng với cách thể hiện, chọn màu lụa tài tình đến mức có thể nói nhìn từ xa không thể biết đó là lụa ghép. Từ đây đã tạo ra một thể loại chất liệu tranh hoàn toàn mới – tranh ghép bằng lụa vụn cùng những sản phẩm quà lưu niệm, đồ dùng hằng ngày tinh tế, đẹp mắt. Hơn nữa, hằng tháng Vụn đã tạo việc làm cho trên 30 người khuyết tật có thu nhập ổn định, đủ nuôi sống bản thân và một phần giúp đỡ gia đình”.
Triển lãm “Những mảnh vụn” cũng là một hoạt động để tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh của Thủ đô, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ngành công nghiệp văn hoá; kết nối, mở rộng hợp tác kinh doanh giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.
Triển lãm “Những mảnh vụn” sẽ kéo dài đến tháng 10/2023 tại tầng 1, Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Thúy Nga