Nếp Sống văn hoá

Trong cơn bão hội nhập

Hà Nội thay đổi từng ngày cả về kinh tế, xã hội, văn hóa lẫn nếp sống. Đó là những đổi thay mang tính tất yếu bắt nguồn từ sự hội nhập quốc tế, sự hội tụ và lan tỏa của nhiều vùng kinh tế, văn hóa khác nhau trong nội tại Hà Nội. Nhiều thời cơ lớn trong quá trình vận động đi lên nhưng cũng song hành không ít thách thức đang đặt ra cho Hà Nội, đặc biệt là trong việc định hình sự chuẩn mực, chuyên nghiệp về lề lối, tác phong làm việc, vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

“Con sâu làm rầu nội canh”

Qua một số cuộc khảo sát về văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội, nhiều người đánh giá, một số nơi còn ứng xử chưa phù hợp giữa công chức với người dân đến làm việc. Người dân phàn nàn nhiều nhất ở bộ phận tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính do họ phải đợi chờ, không được giải thích rõ ràng, cán bộ không linh hoạt trong giải quyết công việc khiến họ mất nhiều thời gian cho những thủ tục đơn giản… Ngoài ứng xử giữa công chức với công dân, ứng xử của công chức với đồng nghiệp, ứng xử của công chức tại nơi cư trú, nơi công cộng… cũng đang tồn tại những biểu hiện lệch chuẩn, trong khi đối tượng này lẽ ra phải gương mẫu trong ứng xử văn minh, là nòng cốt để lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.

Thực tế, những “thói quen” xấu của nhiều cán bộ, công chức Hà Nội hình thành do sự tùy tiện, thiếu kỷ luật làm việc và sự buông lỏng quản lý của một số đơn vị, cơ quan. Thế nên mới có những hiện tượng như lãnh đạo xã Thạch Thán (Quốc Oai) tự ý bỏ việc đi ăn cưới trong giờ hành chính; cán bộ phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) “om” hồ sơ của công dân; cán bộ xã Di Trạch (huyện Hoài Đức) có thái độ không đúng với dân, hay việc giáo viên trường THCS Mỹ Lương (Chương Mỹ) đi lễ chùa trong giờ hành chính… dù đã có những khuyến cáo trước đó của lãnh đạo TP Hà Nội về siết chặt kỷ luật làm việc.

Nguồn ảnh: Internet

Gây ồn ào nhất trong công tác quản lý cán bộ năm 2017 là vụ việc tắc trách, thiếu trách nhiệm của hai cán bộ phường Văn Miếu (quận Đống Đa) trong việc tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết thủ tục cấp giấy khai tử cho người dân xảy ra vào tháng 2-2017 và đã trở thành “hạt sạn” điển hình trong công tác giải quyết thủ tục hành chính của thành phố. Hay vào tháng 7-2017, việc một lãnh đạo ở quận Thanh Xuân đỗ xe không đúng nơi quy định và có những lời nói, ứng xử không đúng mực bị nhân dân phản ứng quyết liệt cũng là bài học lớn để người lãnh đạo, cán bộ phải nhìn nhận lại mình…

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, công chức, viên chức trong nhiều cơ quan của Hà Nội thời nay chịu nhiều áp lực hơn trước, khi phải giải quyết nhiều công việc liên quan đến thủ tục hành chính. Áp lực công việc phải làm hằng ngày khiến cho không ít cán bộ, công chức dần mất đi sự nhẫn nại, sự khiêm tốn cần có và nguy hại hơn là họ dần hình thành tư tưởng, cơ chế xin – cho mà quên đi nhiệm vụ chính: là “công bộc” của dân. Những cử chỉ, lời nói, thái độ mang tính “cửa quyền” lúc đầu chỉ là hiện tượng nhỏ lẻ, lâu dần thành thói xấu, thành “bệnh” trầm kha bén rễ sâu vào nhận thức.

Nói về những thách thức của Hà Nội trong việc xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đặc biệt là văn hóa trong công sở, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Đoàn – Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” được giảng dạy trong các trường học của Hà Nội từ gần 10 năm nay, cũng cho rằng, việc tụ tán dân cư do chiến tranh, do việc điều chỉnh địa giới hành chính sau này mang đến nhiều cơ hội cho Hà Nội trong việc phát triển nền văn hoá đa dạng, phong phú nhưng cũng mang đến nhiều thách thức, khó khăn trong việc xây dựng nếp sống văn hóa thanh lịch, văn minh. Đó là lý do mà văn hóa công sở Hà Nội thời điểm này tuy đã có thay đổi nhưng vẫn có những hiện tượng ứng xử chưa đúng mực, tác phong làm việc thiếu nghiêm túc của một số cán bộ, công chức đã trở thành những câu chuyện buồn của Hà Nội.

Thế nhưng, khách quan mà nhìn nhận, những hiện tượng không đẹp ấy chỉ là những “hạt sạn”, mà theo nhận định của TS Nguyễn Viết Chức: “Đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” bởi ứng xử của công chức, viên chức Hà Nội đã tốt hơn trước rất nhiều”. Khi đâu đó trên địa bàn TP Hà Nội xuất hiện những hành vi ứng xử không đúng mực, những lời nói thiếu trách nhiệm, đặc biệt là trong môi trường công sở, thì lập tức bị lên án, nhận diện, rút kinh nghiệm và chấn chỉnh. Với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo thành phố và các cấp chính quyền, văn hóa ứng xử nơi công sở của Hà Nội ở nhiều nơi đã có sự chuyển biến, thay đổi rõ rệt, bước đầu tạo được sự hài lòng, tin tưởng của người dân.

Bài viết nằm trong loạt bài đạt Giải A Giải Báo chí về Phát triển văn hóa,

xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh Thành phố Hà Nội lần thứ I

Theo Hà Nội Mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *