Tin tức - Sự kiện

Trọng dân – tư tưởng đặc sắc còn nguyên tính thời sự

“Việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu bảo khó cũng là khó, nhưng bảo dễ cũng không sai. Bởi không phải là những việc gì xa vời, mà chính từ những hành động cụ thể”. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng […]

“Việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu bảo khó cũng là khó, nhưng bảo dễ cũng không sai. Bởi không phải là những việc gì xa vời, mà chính từ những hành động cụ thể”. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng đã nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị quanh việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị theo chuyên đề năm 2019.

Tôn trọng dân bằng những việc làm thiết thực
“Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân” là một nội dung lớn trong chuyên đề học Bác năm 2019. Qua nghiên cứu, theo ông, có thể hiểu về vấn đề này như thế nào trong tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
– Chuyên đề học Bác năm 2019 là “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ở đây có 3 ý, nhưng thực chất là tạo ra mục tiêu thống nhất chung là tư tưởng “vì dân” của Bác Hồ. Chủ đề này rất phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng hiện nay và phù hợp với nguyện vọng, thực tế cuộc sống của Nhân dân.
Sinh thời Bác luôn luôn đánh giá đúng vai trò của Nhân dân trong tiến trình lịch sử, trong sự nghiệp cách mạng. Như năm 1942, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp có hỏi Bác: Sự nghiệp của chúng ta bắt đầu từ đâu? Bác đã trả lời, “bắt đầu từ dân”; “có dân sẽ có tất cả”. Những câu nói giản dị này đã đánh giá sự vĩ đại trong tầm nhìn của Bác về Nhân dân. Năm 1945, cách mạng Tháng Tám thành công, Bác đã nói, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Chính quyền của ta là công bộc của dân, gánh việc chung cho dân, chứ không phải là người thống trị, cai trị dân. Đó là tư tưởng đặc sắc của Hồ Chí Minh. Đồng thời, còn thể hiện ở khía cạnh, mọi việc đều phải được bàn bạc, thảo luận với Nhân dân trước khi quyết định.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10/1947) Bác đã khẳng định nội dung này rất rõ. Vì sao phải làm như vậy? Theo Bác, bởi vì, nhiều khi người dân giải quyết vấn đề nhanh gọn, chóng vánh và hiệu quả mà có khi đoàn thể to tát, hay cán bộ lãnh đạo cấp cao ngồi nghĩ mãi không ra. Vì vậy, hãy thảo luận với dân để “gỡ” vấn đề. Tư tưởng của Bác Hồ còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.
Nhìn vào thực tế hiện nay, có rất nhiều cán bộ gần dân, vì dân, những ngược lại cũng có không ít câu chuyện thể hiện rõ bệnh quan liêu, xa dân. Cá nhân ông nhận định thế nào về vấn đề này?
– Thực tiễn hiện nay cho thấy, đã có những sự chuyển động tích cực trong việc xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến và thể hiện ý thức tôn trọng Nhân dân. Nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân. Nhiều lãnh đạo đứng đầu các tỉnh, thành cũng đã trực tiếp đến nơi xảy ra vấn đề “nóng”, bàn bạc, đối thoại thẳng thắn với người dân, tìm ra giải pháp, tháo gỡ. Đó chính là tôn trọng Nhân dân một cách thiết thực nhất.
Nhưng ngược lại tình trạng quan liêu cũng là một “nguy cơ” vẫn được nhắc đến. Trong quá trình lãnh đạo, Bác Hồ cũng luôn cảnh báo tình trạng này. Quan liêu, xa dân, rồi đến ngại tiếp xúc với dân, đặc biệt khi có chức có quyền. Từ đó, dẫn đến những thờ ơ, vô cảm với cuộc sống của dân. Để triệt tiêu tư tưởng cho rằng bản thân “có quyền”, “được quyền” với dân, tôi nghĩ, mọi cán bộ, đảng viên phải hiểu rõ, nhận thức đúng đắn về vai trò của Nhân dân. Như Bác đã nói, không được ở trên dân, mà phải hòa với dân, lo cho dân.
Hòa quyện trong từng chính sách, biện pháp
Từ thực tiễn đó, theo ông để học tập và làm theo tư tưởng của Bác về ý thức tôn trọng Nhân dân một cách tích cực trong tình hình hiện nay, cần lưu ý những vấn đề gì?
– Để vận dụng tư tưởng ý thức tôn trọng Nhân dân hiện nay, trước hết, cần thực hiện đúng và tốt các quy định của “tin dân, hiểu dân, gần dân”, đồng thời cần nhất quán phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được thụ hưởng”. Phải tìm hiểu xem người dân đang mong muốn điều gì; cuộc sống của người dân ra sao. Muốn hiểu dân thì phải gần dân, không quan liêu, ngồi bàn giấy dự thảo các chỉ thị, nghị quyết. Cần phải xuống cơ sở, hòa mình với người dân, lắng nghe ý kiến của dân, chống xa dân. Gần dân rồi phải bàn bạc, thảo luận với dân. Bác Hồ đã căn dặn điều này trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”: Nghị quyết gì mà người dân cho là không đúng, thì phải để họ đề nghị sửa chữa. Phải căn cứ vào đề nghị của người dân rồi mới tính toán các yếu tố khác để có những quyết sách hợp lòng dân, để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.
Đặc biệt, theo tôi, phải gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và những văn bản mới của Đảng, tạo ra một sức mạnh tổng hợp đồng bộ trong thực tế. Các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; quy định về trách nhiệm tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy… vừa được ban hành, cũng chính là những nội dung góp phần xây dựng, thực thi ý thức tôn trọng Nhân dân. Như “tiếp dân”, ý nghĩa không đơn thuần chỉ nằm ở hai chữ ấy, mà còn chứa đựng nhiều nội dung như trao đổi, lắng nghe, bàn bạc với dân; những vấn đề dân nêu ra, phải tìm ra cách giải quyết… Theo tôi nghĩ, nếu việc tôn trọng Nhân dân hòa quyện được vào từng chính sách, từng biện pháp, chủ trương cụ thể của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, sẽ tạo ra chuyển biến về chất trong đời sống xã hội, giảm đi những tiêu cực.
Còn với cá nhân mỗi người, làm sao để việc học Bác thực sự trở thành ý thức tự thân, thưa ông?
– Tôi nghĩ trước hết phải lưu ý ngay từ việc quán triệt, tuyên truyền, cần thấu đáo và chú ý đến bộ phận cán bộ thường xuyên tiếp xúc với dân. Từ chuyển biến về nhận thức, rồi đến chuyển biến trong hành động. Tự mỗi người phải có ý thức trách nhiệm trước các vấn đề này.
Đừng nghĩ tôn trọng Nhân dân, vì dân là vấn đề gì to lớn và chỉ là việc của cán bộ cấp lãnh đạo, mà cả trong công việc của mỗi công chức, nhân viên bình thường cũng thể hiện rất rõ. Như khi người dân đến cơ quan hành chính làm thủ tục, được cán bộ nơi đó ân cần giải thích, hướng dẫn, đó chính là thể hiện tư tưởng tôn trọng Nhân dân.
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Kinh tế & Đô thị

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *