Tối 20/11, tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 650 năm Ngày mất Danh nhân Chu Văn An (1370-2020), nhà giáo kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động vinh danh Danh nhân Chu Văn An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết cùng Việt Nam tổ chức.
Tới dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung; Phó Bí thư Thành ủy – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khoá XVI Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND thành phố Hà Nội; lãnh đạo Thành ủy, UBND tỉnh Hải Dương; đại diện nhân sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên, các tầng lớp nhân dân Thủ đô; đại diện dòng họ Chu ở Thanh Trì và đại biểu một số trường học mang tên Chu Văn An.
Dự sự kiện có ông Michael Croft, Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam; các vị đại sứ, đại biện và đại diện các tổ chức quốc tế tại thành phố Hà Nội…
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã nghe đọc chúc văn và thực hiện nghi thức dâng hương tại Nhà Thái học (Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám) tưởng nhớ công ơn các vị tiền nhân, tấm gương Danh nhân, thầy giáo Chu Văn An.
Danh nhân Chu Văn An là người làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, nay là thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Ông nổi tiếng với kiến thức sâu rộng, lòng dạ ngay thẳng và đạo đức thanh cao, được người người nể trọng. Là một trong những nhà giáo đầu tiên trong lịch sử nước nhà mở trường dạy học, thầy giáo Chu Văn An đã dành cả cuộc đời thực hiện triệt để tư tưởng giáo dục cho tất cả mọi người với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu, nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội. Từ lớp học của ông, nhiều học trò thành tài, trở thành trụ cột của đất nước. Ông được triều đình mời giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, trông coi việc học của cả nước và trực tiếp kèm cặp cho Thái tử. Ông nổi tiếng với hành động dâng “Thất trảm sớ”, xin vua Trần Dụ Tông trừng trị bảy gian thần làm lũng đoạn triều chính. Can gián bất thành, ông treo ấn từ quan, về vùng núi Chí Linh (tỉnh Hải Dương) tiếp tục sự nghiệp trồng người. Năm 1370, thầy giáo Chu Văn An qua đời và được phối thờ ở Văn Miếu. Đây là sự tôn vinh bậc nhất mà một triều đại quân chủ dành cho một học giả – thầy giáo.
Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, trong hành trình xây đắp nền văn hóa dân tộc, các danh nhân, nhân vật văn hóa luôn để lại những dấu ấn lịch sử quan trọng, là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc, “mang những giá trị tiêu biểu của một nền văn hóa” tiên tiến, đậm đà bản sắc. Danh nhân Chu Văn An là người có đóng góp quan trọng đối với văn hóa, giáo dục Đại Việt ở thế kỷ XIV và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều thế hệ người Việt Nam sau này. Ông là tấm gương mẫu mực về đạo đức, trí tuệ và tinh thần, trách nhiệm với dân tộc và đất nước.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, thầy giáo Chu Văn An đã trở thành hình tượng gắn liền với truyền thống hiếu học và sự nỗ lực vươn lên trên con đường học vấn của người Việt Nam. Đức hạnh và uy tín của ông ảnh hưởng sâu rộng, các thế hệ sau tôn ông là người thầy muôn đời.
Cùng với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Đại thi hào Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thầy giáo Chu Văn An là người Việt Nam thứ tư được UNESCO vinh danh. Di sản đặc biệt mà ông để lại cho đời sau là nhân cách Chu Văn An, khí phách của kẻ sĩ Thăng Long.
Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, lễ kỷ niệm là dịp để nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước, nhất là thế hệ trẻ, tri ân và tôn vinh người thầy giáo tiêu biểu của Việt Nam. Là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định những giá trị tinh thần to lớn Danh nhân Chu Văn An đã để lại cho thế hệ hôm nay: Di sản văn hóa quý báu, động lực quan trọng cho sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, mục tiêu phát triển bền vững Thủ đô và đất nước. Gương sáng của thầy giáo Chu Văn An sẽ luôn chiếu rọi rạng ngời trong tâm thức người Việt Nam, đồng hành cùng dân tộc, cùng Thăng Long – Hà Nội trong tiến trình hội nhập quốc tế và xu thế phát triển của thời đại.
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam chia sẻ: Chúng ta hãy cùng nhau tìm đến với nguồn cảm hứng từ chính di sản về công lý, về sự bình đẳng và về cộng đồng của Danh nhân Chu Văn An, đã và đang được tiếp nối ngay tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố Sáng tạo. Noi gương Danh nhân, thầy giáo Chu Văn An, chúng ta hãy coi giáo dục là một sự nghiệp suốt đời quan trọng và cần thiết cho sự phát triển bền vững của bản thân, của gia đình, của cộng đồng và của toàn dân tộc.
Tại lễ kỷ niệm, đại diện hậu duệ của Danh nhân và học trò của Trường Trung học phổ thông Chu Văn An đã phát biểu, bày tỏ lòng tôn kính với người thầy giáo lỗi lạc của muôn đời, hướng tâm cảm kích với những giá trị cao đẹp về cốt cách và tâm hồn mà thầy giáo Chu Văn An đã để lại cho hậu thế.
Cũng tại buổi lễ đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội thể hiện gồm những ca khúc ngợi ca, tôn vinh về người giáo viên nhân dân, hát văn và ngâm thơ của nhà giáo, danh nhân Chu Văn An cùng 2 tiểu phẩm kịch “Thất trảm sớ” và “Học trò thuỷ thần”.
Bảo Hân
Theo MaskOnline