Chiều 22/12, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Ban Chỉ đạo công tác gia đình và triển khai công tác lễ hội năm 2024. Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà chủ trì Hội nghị.
Báo cáo kết quả triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2023, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết: Năm 2023, các chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện phong trào đã hoàn thành xuất sắc, nhiều chỉ tiêu vượt so với kế hoạch đề ra. Nổi bật là các phong trào: Xây dựng nếp sống văn minh; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội; xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước; đầu tư và nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Cụ thể, năm 2023, số gia đình đăng ký danh hiệu Gia đình văn hóa đạt 95,8%. Số hộ Gia đình văn hóa toàn thành phố đạt 88%, vượt chỉ tiêu thành phố đề ra; 70% số thôn, làng đăng ký bình xét danh hiệu “Làng văn hóa”; 80% tổ dân phố đăng ký bình xét danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”. 100% các quận, thị xã triển khai đăng ký phấn đấu xây dựng từ 2-5 đơn vị đạt chuẩn đô thị văn minh trên địa bàn. Năm 2023, tỷ lệ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá ước đạt 71,8%.
Hiện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024. Theo đó, các nội dung phong trào được triển khai thực hiện bằng nhiều mô hình cụ thể, thiết thực, gắn với triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương. Kịp thời tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiêu biểu trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đồng thời, các nội dung cũng được triển khai thực hiện theo hướng đi vào chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Chương trình số 06-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh” giai đoạn 2021-2025.
Tại hội nghị, các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Mê Linh, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Ba Vì và thị xã Sơn Tây… báo cáo đều đạt, nhiều địa phương vượt một số chỉ tiêu của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Một số địa phương kiến nghị tăng cường hỗ trợ đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích xuống cấp; hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn…
Cũng tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, sở đã tham mưu UBND Thành phố triển khai công tác quản lý lễ hội đối với các quận, huyện, thị xã có các lễ hội quy mô lớn, có thời gian kéo dài như: Mỹ Đức, Sóc Sơn, Đông Anh, Sơn Tây, Mê Linh, Ba Vì, Đống Đa… phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã; hướng dẫn về công tác chuẩn bị cho việc tổ chức lễ hội (xây dựng kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội, phương án phòng chống dịch, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ; thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức lễ hội…)… UBND thành phố Hà Nội đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại một số lễ hội lớn, tiêu biểu của thành phố như: Lễ hội gò Đống Đa, Lễ hội đền Sóc, Lễ hội đền Cổ Loa, Lễ hội đền Hai Bà Trưng, Lễ hội chùa Hương, Lễ hội Đình Chèm, Lễ hội Chùa Láng, Lễ hội Đền Phù Đổng, Lễ hội Đền Đồng Cổ, Phủ Tây Hồ…
Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Trần Thị Vân Anh cũng cho biết, một số địa phương chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho việc tổ chức lễ hội; ý thức tự giác thực hiện văn minh trong giao tiếp, ứng xử của người dân khi tham gia lễ hội còn hạn chế; một số lễ hội vẫn còn tồn tại các dịch vụ hàng, quán bày bán trong di tích gây mất mỹ quan, làm cản trở, ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ…
Bà Trần Thị Vân Anh cũng cho biết, một trong những nội dung mới của việc triển khai công tác lễ hội năm 2024 đó là việc triển khai Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống do Bộ VHTTDL ban hành. Đặt mục tiêu năm 2024, 70% các lễ hội bảo đảm các tiêu chí.
Kết luận tại Hội nghị, với nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình, trẻ em, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà đề nghị các địa phương rà soát, tập trung nguồn lực và các giải pháp để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu theo kế đã đề ra. Với 40 thôn chưa có nhà văn hóa, các địa phương cần chú ý công tác quy hoạch, điều chỉnh, bố trí quỹ đất để có đủ các điều kiện triển khai đầu tư xây dựng các nhà văn hóa, tập trung hoàn thành chỉ tiêu 100% thôn có nhà văn hóa (hiện nay đã đạt 98,7%). Với các nội dung, chỉ tiêu còn lại cần triển khai, hướng dẫn việc đăng ký, đánh giá nhưng phải đảm bảo thực chất, hiệu quả. Đồng chí Vũ Thu Hà đề nghị mỗi địa phương cấp quận, huyện, thị xã đăng ký với Thành phố 2 mô hình về xây dựng văn hóa. Trên cơ sở nội dung đó, Ban Chỉ đạo của Thành phố sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá… “Thành phố sẽ tập trung xây dựng mô hình văn hóa trong trường học, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024”, bà Vũ Thu Hà nhấn mạnh.
Đối với công tác quản lý lễ hội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cũng nhấn mạnh, hoạt động lễ hội phải phát huy các giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, bảo đảm không lãng phí. Các địa phương cần rà soát lại các cấp lễ hội (quy mô, thời gian tổ chức), nhanh chóng báo cáo Sở Văn hóa và Thể thao để bảo đảm công tác quản lý; triển khai bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống.
Thúy Nga