Quy tắc ứng xử

Nhiều chuyển biến tích cực trong việc triển khai thực hiện 2 quy tắc ứng xử

Việc tập trung triển khai các mô hình “Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng”, mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”, “Di tích lịch sử văn hoá – điểm đến an toàn, hấp dẫn” đã góp phần cơ bản thay đổi hành vi, hình thành một số thói quen tốt, hành vi đẹp trong cơ quan, đơn vị và những điểm đến công cộng.

Ngày 7/8, Đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố đã làm việc với các quận, huyện Long Biên, Gia Lâm, Thanh Oai về việc triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử, đặc biệt chú trọng đến việc triển khai các mô hình “Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng”, mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”, “Di tích lịch sử văn hoá – điểm đến an toàn, hấp dẫn” tại các địa phương.

Xây dựng môi trường làm việc dân chủ, văn hoá, thân thiện, hiện đại

Đoàn kiểm tra tại bộ phận 1 cửa xã Đặng Xá (Gia Lâm)
Bộ phận 1 cửa UBND huyện Thanh Oai

Theo ghi nhận của Đoàn kiểm tra tại bộ phận 1 cửa của UBND xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm), UBND quận Long Biên, huyện Thanh Oai, cán bộ một cửa chuyên nghiệp, thân thiện; không gian làm việc khang trang, được bố trí hợp lý với nhiều cây xanh; bộ quy tắc ứng xử thay vì được in trên bạt hiflex đã được thay thế bằng chất liệu mica bền đẹp… Đặc biệt, tại bộ phận 1 cửa UBND quận Long Biên, khi tổ chức, cá nhân đến liên hệ làm việc đều cảm thấy rất chuyên nghiệp từ khâu lấy số, nhận thẻ báo rung khi đến lượt cho đến cung cách phục vụ của cán bộ 1 cửa mặc dù số lượng người đến liên hệ làm việc tại thời điểm kiểm tra là khá đông. Ngoài ra, các thủ tục theo từng lĩnh vực được mã hóa QR code để người dân có thể nhanh chóng quét và tra cứu mà không phải chờ đợi lâu do đông người.

Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin quận Long Biên Nguyễn Hữu Thắng trao đổi với Đoàn kiểm tra

Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin quận Long Biên Nguyễn Hữu Thắng, nhằm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về văn hoá ứng xử tại nơi làm việc, quận Long Biên đã triển khai mạnh mẽ phong trào thi đua “Cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đến 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm 02 Bộ Quy tắc ứng xử, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Toàn quận thi đua xây dựng môi trường làm việc dân chủ, văn hoá, thân thiện, hiện đại, cơ quan xanh, sạch, đẹp, an toàn; công sở văn minh, khoa học.

Tạo chuyển biến tích cực góp phần phát huy giá trị di tích, phát triển du lịch
Tại điểm di tích Đoàn đến kiểm tra, các di tích đều được mã hóa dữ liệu, tạo lập mã QR để các du khách có thể tìm hiểu thông tin chi tiết về các điểm di tích lịch sử. Ngoài ra, như tại di tích Đền – Chùa bà Tấm (xã Dương Xá, Gia Lâm), Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm Vũ Thị Lan Anh chia sẻ, các hội viên phụ nữ đã chung tay cùng nhau xây dựng và triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn tại các điểm di tích lịch sử. Mô hình đã mang lại những hiệu quả thiết thực, đặc biệt với những điểm di tích thu hút đông đảo du khách về chiêm bái, không chỉ mang lại một môi trường xanh, sạch mà còn giúp việc thu gom rác thải được thuận lợi.

Mô hình phân loại rác thải tại nguồn tại di tích Đền – Chùa bà Tấm (xã Dương Xá, Gia Lâm)

Phó trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Gia Lâm Bùi Thị Lợi cũng cho biết thêm, mô hình di tích lịch sử văn hóa – điểm đến an toàn, hấp dẫn được huyện Gia Lâm duy trì tại 47 di tích, cụm di tích, thực hiện mới tại 38 di tích, riêng trong năm 2024 sẽ thực hiện mới tại 19 điểm di tích. Việc thực hiện Mô hình di tích lịch sử văn hóa – điểm đến an toàn, hấp dẫn cũng được UBND các xã, thị trấn, Ban quản lý di tích, Tiểu ban Quản lý di tích thôn, tổ dân phố quan tâm thực hiện, tạo chuyển biến tích cực góp phần phát huy giá trị di tích, phát triển du lịch Gia Lâm. Trong quản lý di tích và lễ hội, việc tuyên truyền, triển khai thực hiện mô hình tại các thôn, tổ dân phố với các tiêu chí cho cán bộ trông coi di tích, tiêu chí với người đến tham quan, hành lễ tại di tích góp phần làm cho di tích thực sự là điểm đến an toàn, hấp dẫn.

Đoàn kiểm tra tại di tích chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, Thanh Oai)

Hạn chế những biểu hiện tiêu cực trong văn hóa ứng xử tại chợ
Đối với mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”, là mô hình có sự chung tay vào cuộc của nhiều phòng, ban, đoàn thể đã tạo được sự chuyển biến rõ nét. Ghi nhận tại chợ Kim Quan (phường Việt Hưng, Long Biên), các sạp hàng được chia từng khu theo từng ngành hàng cụ thể, các kiot được đánh số, có tên chủ hộ kinh doanh, số điện thoại với cam kết bán hàng đảm bảo an toàn thực phẩm. Các mặt hàng được sắp xếp ngăn nắp trên các giá cao, đảm bảo vệ sinh, mỹ quan khu chợ. Đây là kết quả của việc phối kết hợp chặt chẽ giữa các phòng, ban của quận với Hội Phụ nữ trong viện triển khai mô hình “Chợ văn minh – an toàn – hiệu quả”.

Chợ Kim Quan (phường Việt Hưng, Long Biên)

Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Long Biên Đào Thu Hải cho biết, để triển khai mô hình, chợ Kim Quan đã được cải tạo cảnh quan môi trường, treo các giỏ hoa, chậu hoa cây cảnh; thiết kế và niêm yết Bảng Quy tắc ứng xử; lắp đặt mô hình tái sử dụng túi nilon; lắp đặt mô hình Điểm thu gom rác tái chế. Hội cũng đã thành lập các nhóm tuyên truyền lưu động về Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại chợ; tổ chức tập huấn Quy tắc ứng xử nơi công cộng, tuyên truyền đến các tiểu thương giao tiếp ứng xử văn minh, không chèo kéo tranh giành khách, bán hàng theo giá được niêm yết, hàng hóa đảm bảo ATTP, có nguồn gốc xuất xứ kết hợp tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy tại chợ cho các nữ tiểu thương tham dự. Mô hình “Chợ văn minh an toàn – hiệu quả” đang được thực hiện hiệu quả, giúp các chợ truyền thống trở nên xanh, sạch, đẹp, đồng thời hạn chế những biểu hiện tiêu cực trong văn hóa ứng xử tại chợ, làm tiền đề nhân rộng trên địa bàn quận trong thời gian tới. Hiện mô hình này đang được thí điểm tại 02 chợ gồm: chợ Thượng Thanh, phường Thượng Thanh và chợ Kim Quan, phường Việt Hưng.

Đánh giá cao những kết quả đạt được từ việc triển khai các mô hình tại các địa phương, Đoàn kiểm tra cho rằng, để có được các kết quả này thì cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể. Trong thời gian tới, Đoàn kiểm tra mong muốn, từ những mô hình làm tốt sẽ được nhân rộng ra nhiều hơn nữa, tạo sự lan tỏa trong cán bộ, người dân trong việc thực hiện các quy tắc ứng xử. Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra cũng lưu ý các địa phương cần tiếp tục tăng cường mạnh mẽ việc tuyên truyền các quy tắc ứng xử, đặc biệt tại các điểm công cộng như di tích, chợ… Có kế hoạch cụ thể cho việc nhân rộng các mô hình, đồng thời cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai thực hiện, để các mô hình khi đi vào thực hiện đạt được hiệu quả cao nhất.

Thúy Nga

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *