Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Toàn quốc Kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2021) và 77 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2021), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức Trưng bày “Lời thề quyết tử” tái hiện bản hùng ca bất tử của quân và dân Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa.
Đêm 19/12/1946, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hà Nội đã nổ súng mở đầu Toàn quốc kháng chiến. Với tinh thần “Cảm tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân-dân Thủ đô đã giam chân địch trong thành phố suốt 60 ngày đêm, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đập tan âm mưu đánh úp của thực dân Pháp, bảo vệ an toàn cho Trung ương Đảng, Chính phủ, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị mọi mặt và vững tin bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
“60 ngày đêm khói lửa”, quân dân Thủ đô viết nên khúc tráng ca hào hùng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, góp phần làm tỏa sáng giá trị văn hóa nghìn năm Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội.
75 năm đã trôi qua nhưng trên mỗi con đường, tuyến phố Hà Nội dường như vẫn còn âm vang giai điệu của bản hùng ca bất tử mùa đông năm 1946. Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả Hà Nội nhất tề đứng lên chống giặc với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Trải qua những năm kháng chiến gian khổ, trường kỳ, biết bao mất mát, hy sinh, con đường tiến về giải phóng Thủ đô đã thênh thang, rộng mở. Ngày 10/10/1954, người Hà Nội hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về trong rợp trời sắc đỏ cờ, hoa. Ký ức hào hùng trong 60 ngày đêm khói lửa được tái hiện qua Trưng bày “Lời thề quyết tử” để mỗi người dân càng thêm tự hào và quyết tâm tô thắm truyền thống vẻ vang của “Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình”.
Trưng bày được thể hiện qua 3 phần: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Hà Nội vùng đứng lên” và “Tiến về Hà Nội”.
“Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” đã khái quát lại những mốc lịch sử trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Chớp thời cơ ngàn năm có một, nhân dân Việt Nam đã vùng lên giành chính quyền trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không lâu sau, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Cùng với “nạn ngoại xâm” là “nạn đói”, “nạn dốt” hoành hành, tình thế đất nước tựa như “Ngàn cân treo sợi tóc”.
Trung ương Đảng và Chính phủ đã thực hiện các biện pháp đấu tranh mềm dẻo: ký với Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước Việt – Pháp ngày 14/9/1946 nhằm giữ vững độc lập dân tộc và tranh thủ thời gian củng cố lực lượng kháng chiến. Nhưng “càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới”. “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Áng hùng văn được truyền đi, báo hiệu giờ cứu quốc đã điểm.
Trong nội dung thứ hai “Hà Nội vùng đứng lên” là bản hùng ca bất tử của quân và dân Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa, chiến đấu kiên cường bảo vệ Thủ đô.
Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, Hà Nội rầm rập chuẩn bị kháng chiến. Khi hiệu lệnh tiến công vang lên, trong phút chốc cả thành phố đã biến thành trận địa với những ụ chiến đấu, giao thông hào. “Lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”, quân và dân Thủ đô đã viết nên bản hùng ca bất tử.
Cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Điện Biên Phủ (7/5/1954). Người dân Hà Nội càng thêm nức lòng, háo hức chuẩn bị cho ngày đoàn quân thắng trận trở về. Sáng ngày 10/10/1954, Trung đoàn Thủ đô vinh dự giương cao ngọn cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” dẫn đầu đoàn quân chiến thắng tiến về trong rừng cờ hoa hân hoan chào đón. Sau bao năm tháng cách xa, nhiều chiến sỹ đã được trở về với quê hương, được gặp lại người thân trong chan chứa niềm vui, nước mắt. Và câu chuyện về cuộc chiến đấu trong lòng Hà Nội thời tạm chiếm và không khí lịch sử hào hùng của Thủ đô Hà Nội khi tưng bừng chào đón đoàn quân chiến thắng trở về đã được tái hiện trong nội dung thứ ba “Tiến về Hà Nội”.
Không gian trưng bày “Lời thề quyết tử” sẽ đưa du khách quay trở lại khung cảnh đường phố Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Đó là trận địa được dựng từ những chướng ngại vật như bàn, ghế, cánh cửa, bao cát để ngăn chặn xe cơ giới của địch. Là những bức tường được đục thông từ nhà này sang nhà khác để hình thành con đường bí mật trong lòng thành phố. Trên những bức tường còn in dấu những khẩu hiệu do chiến sỹ và người dân viết lên: “Sống chết với Thủ đô”, “Chết vinh còn hơn sống nhục”, “Hà Nội – Thăng Long xưa bất diệt”…
Đặt ở vị trí trang trọng trong Trưng bày là hình ảnh người chiến sỹ quyết tử dùng bom ba càng sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch. Người lính trẻ trong tư thế hiên ngang, ánh mắt kiên định, bất chấp hy sinh, sẵn sàng xung phong lên tuyến đầu để bảo vệ cả thành phố phía sau. Ngoài ra, hình ảnh Hà Nội tưng bừng cờ hoa trong ngày đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về cũng được thể hiện với điểm nhấn là chiếc xe chở đầy những bông hoa đủ màu sắc.
Trưng bày sẽ kéo dài đến hết tháng 3/2022 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 Hỏa Lò, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Hòa An