Âm nhạc

NSND Thế Dân: Trọn cuộc đời cho tiếng đàn dân tộc

Lớn lên trong gia đình có truyền thống âm nhạc với những tích Tuồng cổ từ cha và giọng hát Chèo ngân nga của mẹ, tình yêu với nghệ thuật âm nhạc dân tộc cứ thế thấm sâu trong tâm hồn NSND Thế Dân từ thuở còn thơ. Để rồi gần nửa thế kỷ qua, ông dành trọn đời mình cho cây đàn Nhị với mong muốn tôn vinh, đưa tiếng đàn dân tộc cũng như âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới…

Với hành trang là tình yêu và đam mê cháy bỏng với âm nhạc dân tộc, mười bốn tuổi, cậu thiếu niên Thế Dân rời miền quê xứ Thanh đến Hà Nội. Ông trúng tuyển và theo học bộ môn đàn Nhị tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam). NSND Thế Dân gắn bó với cây đàn dân tộc từ đó. Những năm tháng trên ghế nhà trường, ông còn tự mình tìm hiểu, học hỏi từ những người bạn một số loại nhạc cụ truyền thống khác. NSND Thế Dân thành thạo đàn Bầu, đàn Tranh, đàn Tam, đàn Tứ, Tỳ bà, Sáo trúc… Ông từng giành Huy chương Vàng tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980 với màn trình diễn độc tấu đàn Nhị khi còn là sinh viên. Năm 1982, ông tốt nghiệp đại học khóa chính thức đầu tiên của Khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và được giữ lại làm giảng viên tại trường. Từ ấy, NSND Thế Dân tiếp tục cuộc hành trình của mình với tiếng đàn dân tộc trên cương vị một người thầy với trách nhiệm truyền lửa tình yêu âm nhạc truyền thống đến với những thế hệ sau. Hiện nay, ông là Trưởng bộ môn đàn Nhị và bộ môn Hòa tấu dàn nhạc dân tộc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Người nghệ sĩ hết mình với đam mê nghệ thuật

Đứng trên giảng đường, NSND Thế Dân nhận thấy rằng thực tế có quá ít tác phẩm dành cho đàn Nhị nói riêng và cho dàn nhạc dân tộc Việt Nam nói chung. Ông luôn trăn trở với việc làm sao để có được những bản nhạc soạn dành riêng cho nhạc cụ truyền thống. Vậy nên ông đã học sáng tác, học cách hòa âm phối khí. NSND Thế Dân đã viết một số tác phẩm cho đàn nhị, chuyển soạn, phối khí nhiều tác phẩm âm nhạc cho độc tấu các nhạc cụ truyền thống và hoà tấu dàn nhạc dân tộc, tiêu biểu như: “Bè xuôi về bến”, “Âm vang núi rừng”, “Nét dạo ngày Xuân”… Hầu hết sáng tác của ông đều đạt giải thưởng, được dùng giảng dạy tại các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp và quảng bá, phát sóng trên truyền hình trong và ngoài nước.

NSND Thế Dân mong muốn tôn vinh, đưa âm nhạc dân tộc hòa cùng dòng chảy của âm nhạc thế giới cũng như mang nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với khán giả. NSND Thế Dân cùng những người đồng nghiệp đã có nhiều đêm trắng nghiên cứu, thử nghiệm để thanh âm của những nhạc cụ dân tộc Việt Nam có thể ngân lên, hòa điệu cùng các nhạc cụ như violin, cello, contrabass… trong dàn nhạc hiện đại của thế giới. Tiếng đàn ông đã ghi dấu ấn đậm nét với những màn trình diễn: Độc tấu Nhị “Thăng Long ngàn năm hội ngộ” cùng dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam tại Festival Âm nhạc Mới “Á – Âu” lần thứ II; Hòa tấu Nhị “Ước vọng” với dàn nhạc giao hưởng quốc tế cùng nhạc trưởng Lê Phi Phi… Những nhạc phẩm kinh điển, giai điệu nổi tiếng thế giới đã được NSND Thế Dân thể hiện bằng cây đàn Nhị Việt Nam như “Sambario” (nhạc Ý), “Tình ca du mục” (nhạc Nga), “Top of the world” (nhạc Mỹ), “Hana” (nhạc Nhật)… Qua đó, tiếng đàn Nhị trở nên thân quen và gần gũi hơn với đông đảo khán giả, đặc biệt là những khán giả trẻ. Những buổi trình diễn của thầy và trò khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tại không gian phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm trong những dịp cuối tuần thu hút, níu chân đông đảo khán giả, du khách trong và ngoài nước.

NSND Thế Dân hòa tấu Nhị cùng dàn nhạc giao hưởng hiện đại

Bằng tài năng thiên bẩm, NSND Thế Dân đã sáng chế nên một cây đàn đặc biệt làm từ tre đằng ngà, đặt tên là đàn “Cây tre”. Đàn có hình dáng và cấu tạo giống với đàn K’ni – một nhạc cụ của các dân tộc vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Cây đàn được ông chau truốt, tỉ mẩn từng chi tiết, từ bầu đàn, dây đàn, vĩ kéo, mảnh mo tre… Chiếc đàn gồm có hai phần, có thể tháo rời riêng biệt và lắp nối liền với nhau bởi một khớp nối, nhìn thật giống như hình dạng từng đốt của một cây tre ngà. Ông tếu táo: “Đàn cây tre của tôi có thể khắc xuất khắc nhập!”. Cùng với cây đàn Nhị, đàn “Cây tre” mang tâm hồn Việt Nam, ông đã đưa âm nhạc truyền thống của dân tộc đến nhiều quốc gia: Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Canada, Thụy Sỹ, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Ấn Độ, Thái Lan, Hồng Kông…

NSND Thế Dân với chiếc đàn “Cây tre”do ông sáng chế

Trong chặng đường gần năm mươi năm đi cùng âm nhạc dân tộc, NSND Thế Dân đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú” năm 1997, tiếp đó là danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” năm 2016 cùng nhiều bằng khen các cấp và các giải thưởng cao quý trong lĩnh vực nghệ thuật.

Đã có những khán giả nước ngoài hỏi ông, những nhạc cụ như đàn Nhị, đàn Tranh hay Sáo trúc thì ở Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng đều có cả, đâu phải là cái riêng của Việt Nam. Khi ấy, với những giai điệu quê hương, NSND Thế Dân đã nói với những người bạn quốc tế rằng những nhạc cụ chỉ là một phương tiện để truyền tải cảm xúc. Nhưng người Việt Nam chơi đàn với tâm hồn Việt, tiếng đàn ngân lên những âm điệu, lời ca của tinh hoa tiếng Việt, ấy chính là nét Việt, đậm bản sắc, riêng có và không thể hòa lẫn với những nền văn hóa khác trên thế giới… Hành trình gần nửa thể kỷ đã đi qua ấy, NSND Thế Dân dành trọn tâm huyết để gìn giữ và lan tỏa những nét đẹp của văn hóa Việt Nam trong những tiếng đàn dân tộc.

Minh Trang

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *