Với cách làm sáng tạo, dòng họ Trần đã duy trì phong trào khuyến học sâu rộng, động viên, lan tỏa tinh thần hiếu học để con cháu nỗ lực vươn lên đạt nhiều thành tích cao trong học tập, rèn luyện; đóng góp cho xã hội nguồn nhân lực là những công nhân kỹ thuật cao, nhà giáo, kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân…
Tích cực thực hiện các Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, trên địa bàn huyện Ứng Hòa đã xuất hiện nhiều điểm sáng. Trong đó, dòng họ Trần là một ví dụ tiêu biểu. Với cách làm sáng tạo, dòng họ Trần đã duy trì phong trào khuyến học sâu rộng, động viên, lan tỏa tinh thần hiếu học để con cháu nỗ lực vươn lên đạt nhiều thành tích cao trong học tập, rèn luyện; đóng góp cho xã hội nguồn nhân lực là những công nhân kỹ thuật cao, nhà giáo, kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân…
Dòng họ Trần là dòng họ lớn nhất trong tổng số 9 họ của thôn Chẩn Kỳ, xã Trung Tú, với 2 chi và 110 hộ. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đã có nhiều thanh niên dòng họ Trần tình nguyện lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Qua hai cuộc kháng chiến, dòng họ Trần thôn Chẩn Kỳ có 7 liệt sỹ, 3 thương binh và 1 bà Mẹ Việt Nam anh hùng.
Dòng họ Trần coi trọng giữ gìn, phát huy văn hóa đọc
Ảnh: Phùng Lương
Truyền thống hiếu học, có nhiều người giỏi, tài năng là điều mà các thế hệ trong dòng họ Trần luôn tự hào, nhắc nhở nhau phải cố gắng giữ gìn, phát huy. Trong đó, có các tấm gương tiêu biểu như cụ Trần Thuật – 2 khoa đỗ tú tài thời nhà Nguyễn, mở trường dạy học, có nhiều học trò ở trong vùng theo học; Cụ Trần Văn Du và cụ Trần Văn Nguyên đều là thầy đồ dạy học chữ Nho… Nhiều người thành đạt trở thành cán bộ cấp cao trong Quân đội, Công an, trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước.
Xác định công tác khuyến học khuyến tài có vai trò quan trọng trong đời sống, năm 2001, dòng họ Trần đã thành lập Ban Khuyến học để duy trì, kế thừa, phát huy truyền thống hiếu học của ông cha, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho mọi thành viên. Dòng họ có quỹ khuyến học thường xuyên nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các gia đình, các cá nhân đang sinh sống ở địa phương cũng như ở các vùng miền khác. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến năm 2008, dòng họ Trần đã biên soạn và thông qua Quy ước của dòng họ gồm 9 chương với 30 điều, giúp các hoạt động khuyến học, khuyến tài được triển khai quy củ, bài bản, hiệu quả các hoạt động được nâng cao rõ rệt.
Để động viên, khích lệ các học sinh có thành tích cao trong học tập, dòng họ Trần đã có quy định cụ thể về các mức khen thưởng. Trước ngày Giỗ Tổ, Ban Khuyến học tổ chức tuyên dương và phát thưởng cho học sinh có thành tích trong tu dưỡng, học tập rèn luyện. Trong 20 năm qua, dòng họ Trần đã khen thưởng cho 800 học sinh. Trong 5 năm (2016 – 2021) đã có 40 cháu đỗ Đại học; 12 cháu đã có bằng Thạc sỹ; số học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp thành phố cũng tăng hàng năm. Sự quan tâm, động viên kịp thời của dòng họ đã góp phần lan tỏa tinh thần hiếu học cũng như tạo động lực thi đua học tập, rèn luyện trong mỗi cá nhân, gia đình. Để phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển sâu rộng, từ năm 2009, dòng họ Trần đã triển khai thực hiện xây dựng gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học. Năm 2012, Quy ước dòng họ được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế, trong đó có nâng mức khen thưởng học sinh có thành tích cao trong học tập, rèn luyện.
Năm 2021, dòng họ Trần tổ chức tọa đàm khuyến học, khuyến tài xây dựng dòng họ khuyến học, dòng họ học tập
Ảnh: Đình Thủy
Coi trọng sức mạnh của tri thức, dòng họ Trần đã thường xuyên động viên, duy trì văn hóa đọc trong dòng họ. Từ năm 2014, dòng họ đã triển khai kế hoạch xây dựng tủ sách khuyến học – khuyến tài trong các gia đình. Theo đó, mỗi gia đình trong dòng họ tự thành lập, bố trí, sưu tầm các loại sách cho gia đình mình theo điều kiện, sở thích của cá nhân. Để khuyến khích các thành viên đọc sách, nâng cao tri thức phục vụ cuộc sống, năm 2015, dòng họ phát động cuộc thi “Đọc và làm theo sách” với các câu hỏi tập trung vào việc xây dựng tủ sách gia đình, các phương pháp học và đọc sách hiệu quả… Cuộc thi đã nhận được sự tham gia tích cực của 100% con cháu trong dòng họ. Từ kết quả các bài thi, dòng họ đã trao 02 giải B, 05 giải C và 03 giải Khuyến khích. Không chỉ dừng lại ở các giải thưởng, cuộc thi còn tạo ra hiệu ứng tích cực, thúc đẩy phong trào học tập, đọc sách trong mỗi gia đình. Đây cũng chính là tiền đề thuận lợi để năm 2018, dòng họ phối hợp với Hiệu sách Nhân dân huyện Ứng hòa tổ chức Hội sách mùa Xuân thu hút sự tham gia của gần 200 lượt học sinh, người dân trong thôn, trong xã cùng cán bộ, giáo viên, học sinh trường THPT Ứng Hòa B tham dự. Tại hội sách, ngoài việc giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá các loại sách mới, hướng dẫn kỹ năng đọc, tìm hiểu sách và chọn mua sách có giảm giá của Hiệu sách, các em học sinh và bạn đọc còn được giới thiệu, đọc và tìm hiểu các loại sách được trích xuất từ tủ sách của các gia đình trong dòng họ. Trong đó có nhiều loại sách quý, hiếm về lịch sử, văn học, dân tộc học, xã hội học, y học, kỹ năng sống…Với nhiều hoạt động sôi nổi, bổ ích, Hội sách đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong trong cộng đồng.
Dòng họ Trần đã được các cấp biểu dương khen thưởng, được tham dự Hội nghị các dòng họ khuyến học tiêu biểu toàn thành phố. Dòng họ đã được Hội Khuyến học thành phố Hà Nội, Hội Khuyến học huyện Ứng Hòa tặng Giấy khen là dòng họ Khuyến học tiêu biểu xuất sắc.
Hà Thanh