Văn hóa

Nét đẹp gốm Kim Lan

Dọc theo bờ sông Hồng, xuôi về tả ngạn, qua kênh Bắc Hưng Hải là tới làng Kim Lan, huyện Gia Lâm. Nơi đây là một trong những cái nôi của gốm sứ Thăng Long xưa với một chiều dài lịch sử thăng trầm. Với tình yêu và nhiệt huyết, người dân Kim Lan đã khôi phục, gìn giữ và phát huy nghề làm gốm truyền thống quê hương – một nét đẹp của văn hóa, lịch sử Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Làng Kim Lan thuộc xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, cách trung tâm Thủ đô gần 30km, phía Bắc giáp làng cổ Bát Tràng, phía Tây giáp quận Hoàng Mai. Theo lưu truyền dân gian, làng Kim Lan có tên Nôm là làng Sươn. Thời Hùng Vương thứ 18, công chúa Tiên Dung từ Kinh đô Việt Trì theo sông Hồng qua làng Kim Lan, thấy cảnh sắc sơn thuỷ hữu tình, dừng lại nghỉ ngơi trước khi về làng Chử Xá gặp Chử Đồng Tử. Năm 40 sau Công nguyên, một cánh quân của Hai Bà Trưng từ Luy Lâu đến tập kết tại làng Kim Lan rồi tiếp tục vượt sông Hồng truy quét giặc.

Qua khai quật các hiện vật quý tại di chỉ bãi Hàm Rồng vào các năm 2001 và 2003, Viện Sử học, Viện Khảo cổ học, Viện Bảo tàng Lịch sử đã kết luận nghề sản xuất gốm ở Kim Lan có từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVIII. Từ thế kỷ VIII, gốm Kim Lan đã được xếp vào hàng những sản vật quý cùng với lụa, gấm, châu, ngọc. Không chỉ có những sản phẩm có giá trị, Kim Lan còn có gốm mộc, gốm thô mộc mạc, giản dị. Bước qua thời kỳ hưng thịnh, đến thế kỷ XVIII, nghề gốm ở Kim Lan dần bị mai một. Trăn trở với nghề gốm cổ, từ những năm 1977-1978, người làng Kim Lan bắt đầu “lên lửa” những lò gốm cũ. Làng gốm dần được hồi sinh. Đến nay, hàng trăm hộ gia đình ở Kim Lan có lò gốm, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.

Nếu như Bát Tràng nổi tiếng với sản phẩm gốm mỹ nghệ thì Kim Lan được coi là quê hương của đồ gốm gia dụng. Điều làm nên sự khác biệt của gốm Kim Lan đó là sản phẩm không cầu kì về chi tiết mà đơn giản, hài hòa, tạo sự tiện dụng. Các sản phẩm của làng gốm phong phú và đa dạng, từ kích thước nhỏ như ống đựng tăm, chân nến cho tới cỡ lớn như vại muối dưa, đôn, chậu cây cảnh… Ngoài bát đĩa, ấm chén và những đồ thông dụng trong đời sống hàng ngày, nghệ nhân gốm Kim Lan còn sản xuất những sản phẩm giá trị như độc bình, lư, đỉnh, đèn thờ… với hai loại men truyền thống là men ngọc, men rạn. Ngoài ra còn chú trọng phát triển các sản phẩm gốm phục vụ xây dựng như gạch, ngói trang trí, con tiện lan can… Làng gốm Kim Lan ngày nay cho ra đời nhiều chủng loại sản phẩm chất lượng cao, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà đã vươn ra thị trường lớn trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Gốm Kim Lan xưa nổi danh bởi được làm thủ công từng công đoạn rất tỉ mỉ. Sản phẩm nặn xong, đem nhúng vào nước hỗn hợp được làm từ nguyên liệu tự nhiên như tro trấu, vôi bột, bột đá nghiền hay đất trắng rồi đem nung sẽ cho ra thành phẩm có nước men ngọc, trắng trong, mềm mịn. Nếu muốn có men rạn thì giảm bớt lượng tro trấu. Giờ đây, có công nghệ hiện đại và các loại hóa chất hỗ trợ, người làm gốm không phải vất vả làm men thủ công như xưa, nhưng vẫn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất truyền thống. Trước đây, đa số các cơ sở sản xuất gốm ở làng Kim Lan sử dụng lò than để nung nhưng vài năm gần đây đã chuyển sang sử dụng lò gas, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhờ chuyển đổi công nghệ, đã giảm hơn 80% lượng khí thải CO2 và tiết kiệm khoảng 70% năng lượng tiêu thụ.

Sản phẩm gốm sứ ngày nay (hàng trên) và những hiện vật gốm cổ quý giá (hàng dưới) – niềm tự hào của người dân Kim Lan.

Đến với làng gốm lâu đời này, du khách còn có cơ hội thăm thú một địa chỉ hấp dẫn, đó là Bảo tàng gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan. Bảo tàng nằm liền kề với khuôn viên UBND xã với diện tích khoảng 200m vuông, có phần mái được thiết kế cách điệu theo kiểu lò bầu và lò đứng, là các kiểu lò nung gốm truyền thống của người dân Kim Lan. Bảo tàng được khởi dựng từ tình yêu, tâm huyết của nhiều thế hệ người dân Kim Lan cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước gắn bó với công tác khảo cổ tại đây. Công trình sưu tầm các cổ vật và xây bảo tàng gốm cổ do các bậc cao niên trong nhóm “Tìm về nguồn cội” của làng Kim Lan và Tiến sĩ người Nhật Bản Nishimura Masanari thực hiện đã được trao giải Việc làm – Vì Tình yêu Hà Nội tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 6 năm 2013. Tại Bảo tàng trưng bày hơn 300 hiện vật gốm sứ phong phú, có giá trị như: tấm ngói mũi hài; gạch trang trí hoa văn hình chim phượng; mảnh chậu, bát sứ cổ; âu men ngọc; gạch viên khắc chữ Hán…

Dành thời gian đi dọc theo con đường làng yên ả, ghé thăm các cơ sở sản xuất gốm truyền thống, tìm hiểu về quy trình làm gốm hay tìm mua những sản phẩm độc đáo sẽ thực sự là một trải nghiệm thú vị dành cho du khách khi đến với mảnh đất Kim Lan.

Ngân Hà

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *