Vui chơi - Giải trí

9 bộ phim đặc sắc được trình chiếu trong Tuần Phim ASEAN 2020

Tuần phim ASEAN 2020 sẽ diễn ra tại các thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 18/7 đến 26/7/2020. Tại Hà Nội, Tuần phim sẽ diễn ra từ 18/7 đến 22/7/2020. Lễ khai mạc được tổ chức vào 19h30 ngày 18/7/2020 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.

Tuần phim ASEAN 2020 kết nối các nền văn hóa của các quốc gia ASEAN, góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.

Tuần phim ASEAN là sự kiện chào mừng Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Với khẩu hiệu “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, Tuần phim góp phần thực hiện mục tiêu chính trị, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN trong năm 2020; khẳng định Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ tiếp tục mục tiêu duy trì, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Khẳng định hình ảnh một Việt Nam hòa bình, ổn định, thân thiện, đổi mới và giàu tiềm năng; quảng bá đất nước, con người, danh lam thắng cảnh và truyền thống văn hóa tốt đẹp, giàu tính nhân văn của Việt Nam.

9 bộ phim được chiếu trong Tuần phim là những phim được chọn lọc từ các nền điện ảnh của các nước ASEAN, thể hiện bản sắc văn hóa, đặc trưng và nét đẹp thiên nhiên, con người.

Nghìn lần hóa thân của Ranggau (Brunei)  là câu chuyện giữa hai thế hệ trong gia đình Denny. Do những sự cố trong quá khứ, Denny yêu cầu giúp đỡ thông qua người truyền giáo để tránh tất cả các nhà huyền môn và nhận sự bảo vệ từ Allah, vị thần hùng mạnh Allah Subahanallah Wata Mạnhala.

Phim không dành cho khán giả dưới 18 tuổi.


Tình yêu non dại (Campuchia) của đạo diễn Lomorpich Rithy mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. Ở Thủ đô Phnôm Pênh hiện đại, giữa truyền thống và công nghệ, cô gái trẻ 16 tuổi Kesor sống một mình với bà ngoại, háo hức chờ đợi những lá thư từ người mẹ của mình. Cô xác định cuộc sống tuổi thiếu niên với người bạn thân suốt đời là Rith, Sopheak và Bella. Kesor nghĩ rằng mình biết tất cả mọi thứ cho đến khi cô gặp Veha, một nam sinh cuối cấp đẹp trai. Giữa những cảm xúc chưa được khám phá của tình yêu đầu tiên, Kesor phải đối mặt với thử thách cân bằng giữa tình yêu, tình bạn và gia đình. Kesor cảm thấy căng thẳng khi phát hiện ra một số bí mật đen tối mà cô không bao giờ tưởng tượng được, đó là điều thay đổi cuộc đời cô mãi mãi. Tình bạn của Kesor liệu có thể tồn tại hay cô ấy sẽ phải lựa chọn giữa tình yêu và bạn bè?

Phim không dành cho khán giả dưới tuổi 13.

 Aruna và khẩu vị yêu thích (Indonesia)  sản xuất năm 2018 của đạo diễn Edwin kể về Aruna (Dian Sastrowardoyo) –  một nhà dịch tễ học được cử để điều tra một loạt các ổ dịch của một chủng virus mới, có thể là cúm gia cầm ở người. Cô quyết định kết hợp việc này với một chuyến đi khám phá ẩm thực đã được lên kế hoạch, để nếm thử các đặc sản ẩm thực đường phố của mỗi địa phương. Bono (Nicholas Saputra) là một đầu bếp, tìm kiếm nguồn cảm hứng cho thực đơn mới của mình, và người bạn của anh là Nadezhda (Hannah Al Rashid) đang viết một cuốn sách mới. Với sự xuất hiện của cựu đồng nghiệp và người tình bí mật của Aruna là Farish (Oka Antara), người được phân công làm việc cùng cô.

Phim không dành cho khán giả dưới tuổi 13.

 Hết đát (Lào) sản xuất năm 2016. Chàng trai trẻ Khai phát hiện ra mình có một khả năng đặc biệt là có thể biết trước được thời điểm những người yêu nhau, hoặc đã có gia đình sẽ bỏ nhau (“hết đát”). Anh đã đoán đúng cho nhiều người và cho cả mình. Anh yêu Noud, nhưng đến gần ngày cưới Khai nhận ra mình và Noud không hợp nhau nên đã quyết định nói lời chia tay. Cô gái Nang (Khoun) là bạn của Noud đang du học tại nước ngoài, nay về nước để dự đám cưới của Khai và Noud. Khi biết Khai chia tay Noud trước ngày cưới, Nang quyết định trả thù cho bạn mình bằng cách nói dối cô là bạn thời tiểu học với Khai để được đi dã ngoại cùng anh về phương Nam. Trong chuyến đi, cô đã bày nhiều trò để trêu trọc và bêu riếu Khai. Qua chuyến đi chơi và trò chuyện với Khai, Nang (Khoun) cũng hiểu tình yêu không thể là bắt buộc nếu hai người không hợp nhau.

Phim không dành cho khán giả dưới 13 tuổi.

Ejen Ali (Malaysia)  là bộ phim hoạt hình duy nhất được chọn chiếu trong chương trình Tuần phim vì nội dung hấp dẫn, kỹ xảo hiện đại và được khán giả Malaysia rất yêu thích và trở thành một trong những bộ phim đạt doanh thu phòng vé cao nhất năm 2019 tại Malaysia.

Bộ phim kể về Ejen Ali, 12 tuổi, sau khi vô tình được tuyển dụng làm gián điệp, Ali giờ đây đã nắm lấy vai trò của mình trong cơ quan điệp viên MATA. Ali ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng cậu không là chủ nhân duy nhất của Trí thông minh vô cực. Điều này khiến Ali đặt câu hỏi về vị trí và sự có ích của cậu đối với MATA. Ali bị một kẻ lừa đảo tiếp cận và tuyên bố biết về một kết nối cá nhân đáng ngạc nhiên gửi Ali. Mạo hiểm vì lòng trung thành của mình với MATA, Ejen Ali bắt đầu một cuộc rượt đuổi ly kỳ để làm sáng tỏ những liên kết bí ẩn.

Những người phụ nữ của dòng sông khóc than (Phillipines) kể về hai gia đình Mustafa và Ismael cùng sống bên một dòng sông. Họ đã vướng vào một cuộc chiến của sự thù hận không có hồi kết bằng cách bắn giết lẫn nhau. Một bên để đòi lại đất (gia đình Mustafa) còn bên kia thì cố giữ đất (gia đình Ismael). Trong cuộc chiến này, người chịu nhiều đau khổ nhất là những phụ nữ. Họ phải chịu nỗi đau mất chồng, mất con. Đến lúc, họ nhận ra rằng không thể cứ như thế mãi. Họ muốn tìm một giải pháp để hòa giải hai gia đình, để hai nhà có thể sống trong bình yên.

Phim không dành cho khán giả dưới 18 tuổi.


 Những đứa trẻ kinh kịch (Singapore) kể về tình bạn giữa cô bé gốc Á – Âu tới từ Trung Quốc – Bảo Er và cậu bé tự kỉ Open khi cô bé chuyển tới học tại một trường tiểu học ở Singapore. Bảo Er nhanh chóng nhận ra rằng Open rất đặc biệt, và thuyết phục bố Open là Xiao Tran tiếp tục cho Open đi học tại trường, mặc dù đã có những phàn nàn của các phụ huynh học sinh cùng lớp về các hội chứng của cậu xảy ra trong lớp học. Cô cũng nhận ra Open có năng khiếu với bộ môn kinh kịch và gợi ý cho Xiaotian để Open là diễn viên chính trong buổi biểu diễn kinh kịch trao đổi văn hóa với các học sinh một trường ở Trung Quốc. Cô bé nhận thấy rằng nghệ thuật truyền thống đã mang lại cho Open sự tự do và thoải mái. Trong chương trình biểu diễn văn hóa đang tới rất gần liệu Open sẽ thể hiện được khả năng của bản thân và biểu diễn thành công trên sân khấu?

Tình yêu hay tiền tỉ (Thái Lan) xoay quanh Bomb (Nat Kitcharit) và June (Warisara Yu), hai nhà sáng lập của hai công ty khởi nghiệp về ứng dụng điện thoại vô tình gặp nhau trên con đường loay hoay tìm kiếm chỗ đứng trong giới. Họ trở thành bạn và “cảm nắng” nhau sau khi nhận ra có nhiều điểm tương đồng. Cuộc gặp gỡ định mệnh đó đã vô tình truyền cảm hứng cho cả hai người về một ứng dụng điện thoại có thể tìm kiếm và kết nối những người có cùng sở thích cá nhân. Sau khi ra mắt, cả hai ứng dụng đều nhận được sự ủng hộ từ đại đa số người dùng, nhưng vì quá giống nhau từ ý tưởng đến chức năng, Bom và June đã chuyển từ bạn sang địch thủ trên thương trường. Cả hai công ty không từ bỏ bất cứ kế hoạch nào, thậm chí là… cài gián điệp vào trong công ty của đối thủ để giành được số tiền đầu tư lên đến 100 triệu bạt. Càng về sau, kế hoạch này càng đi quá xa và khiến cả đôi bên cùng gặp những thiệt hại dở khóc dở cười.

Phim không dành cho khán giả dưới 13 tuổi.

 Hạnh phúc của mẹ (Việt Nam) là phim tâm lý tình cảm xã hội của đạo diễn Phạm Huỳnh Đông, đã giành được giải Cánh Diều Vàng năm 2019. Phim kể về cuộc sống của Mẹ Tuệ và Tim sống nương tựa vào nhau ở một làng chài nhỏ. Tim bị bệnh tự kỉ và từ duy nhất mà cậu bé có thể gọi được là tên mẹ mình. Rất may mắn xung quanh hai mẹ con còn có những người hàng xóm tốt bụng. Khi phát hiện mình mắc bệnh nan y, mẹ Tuệ đã chuẩn bị chu đáo cho tương lai của con, còn nỗi đau chị giữ lại cho riêng mình. Bộ phim là một câu chuyện cảm động về tình yêu thương và sự hy sinh của người mẹ dành cho con mình.

 Hạnh phúc của mẹ được trình chiếu vào đêm khai mạc Tuần phim ASEAN tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Hà Nội.

Các phim được chọn trình chiếu trong Tuần Phim ASEAN 2020 sẽ được chiếu miễn phí một lần tại Hà Nội, một lần tại Đà Nẵng, và một lần tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Hà Nội, các buổi chiếu phim bắt đầu lúc 18h00 và 20h00 các ngày từ 18-22/7/2020, tại phòng chiếu số 3, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, 87 Láng Hạ.
Tại Đà Nẵng, các buổi chiếu phim bắt đầu lúc 19h30 các ngày từ 19-25/7/2020 tại Rạp Lê Độ, 46 Trần Phú.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các buổi chiếu phim bắt đầu lúc 18h00 đến 20h00 các ngày từ 22-26/7/2020 tại phòng chiếu số 2, Cụm rạp CineStar, 135 Hai Bà Trưng, quận 1.

V.H

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *