Cần Kiệm hôm nay đang tiếp tục giữ vững các tiêu chí nông thôn mới, gắn xây dựng nông thôn mới với thực hiện nếp sống văn minh, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, không gian văn hóa làng quê…
Xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất) là vùng bán sơn địa gồm đồi gò, ruộng trũng, sông sâu, đất phát triển trên nền đá ong, tạo cho Cần Kiệm diện mạo cảnh quan thiên nhiên đẹp.
Đến Cần Kiệm, cảm nhận đầu tiên là nét thanh bình, yên ả nơi làng quê. Xã có 6 thôn. Tại trung tâm thôn Yên Lạc 1 nổi bật hình ảnh cây đa 9 gốc tuổi đời hơn 500 năm được trồng phía trước đình Yên Lạc. Dân gian vẫn truyền miệng nhau rằng khi làm đình Yên Lạc (năm Hồng Đức 1469), người dân Yên Lạc có trồng một cây đa trước đình và ngay cạnh bến sông Tích Giang. Trải qua năm tháng, rễ cây rủ xuống đất tạo nhiều gốc mới và thành cây đa 9 gốc. Cây đa gắn bó, in dấu kỷ niệm của biết bao thế hệ người dân nơi đây. Cây đa được xem là vật linh thiêng để bảo vệ cho dân làng khỏi thiên tai, thời tiết, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cây đa cao chừng ba chục mét gồm 9 gốc to, nhỏ uốn lượn chằng chịt, cành lá xum xuê tỏa bóng xuống một không gian rộng lớn. Cây đa là nơi nghỉ ngơi thư giãn lý tưởng cho dân làng sau những ngày lao động vất vả. Cây đa được xã Cần Kiệm hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận là Cây di sản.
Cây đa 9 gốc là nơi nghỉ ngơi lý tưởng cho dân làng sau những ngày lao động vất vả.
Ảnh:danviet.com.vn
Đình Yên Lạc nằm trên một gò đất cao nhìn ra sông Tích. Trước cửa đình có đôi voi phục chầu vào, làm bằng đá ong – vật liệu sẵn có ở Cần Kiệm. Đây là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc quý hiếm ở địa phương. Đình Yên Lạc có kiến trúc kiểu chữ Nhị, gồm nhà đại bái và hậu cung. Đình thờ 3 vị Thành hoàng là Trung Công, Hoằng Công và Dũng Công – các vị tướng của Tản Viên Sơn Thánh, giúp vua Hùng đời thứ 18 chống giặc bảo vệ bờ cõi đất Văn Lang. Đình còn phụng thờ Nguyễn Kính, một danh thần nổi tiếng nhà Mạc, quê ở xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất. Trong đình Yên Lạc còn lưu giữ nhiều sắc phong có giá trị từ thời vua Tự Đức; nhiều đồ thờ tạo tác ở thời Nguyễn, như 4 bộ kiệu rước, 2 hương án kép và đơn…Với vị trí sát con sông Tích, đình Yên Lạc là một điểm nhấn kiến trúc cảnh quan đặc sắc. Cùng với cây đa, đình làng, thôn Yên Lạc 1 còn có giếng nước cổ quanh năm trong, mát. Trước kia, dân làng thường lấy nước ở giếng về phục vụ sinh hoạt. Người dân Yên Lạc 1 đã bảo vệ không gian văn hóa làng quê với cây đa, bến nước, sân đình, giếng cổ như những tinh hoa văn hóa của ngôi làng cổ kính.
Người Cần Kiệm cũng rất đỗi tự hào khi nơi đây được Bác Hồ về ở và làm việc từ ngày 13/01 – 02/02/1947, tại ngôi nhà lá của cụ Nguyễn Đình Khuê ở xóm Lài Cài, thôn Phú Đa 2. Trong 19 ngày ở Cần Kiệm, Bác cùng các đồng chí cán bộ chủ chốt của Đảng và Chính phủ họp bàn, quyết định những công việc quan trọng của đất nước. Tại đây, Bác viết Thư chúc Tết đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ (ngày 24/01/1947), Thư gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô (ngày 27/01/1947), Thư gửi các chiến sĩ Vệ quốc đoàn, tự vệ và dân quân toàn quốc… Năm 1974, Đảng bộ và Nhân dân xã Cần Kiệm đã phục chế lại ngôi nhà cũ của cụ Khuê thành Nhà lưu niệm Bác Hồ. Nhà lưu niệm nằm trong một ngõ nhỏ, khuôn viên Nhà lưu niệm rộng chừng 300m2 với nhà lá đơn sơ, cổng đá ong, sân đất nện. Trong Nhà lưu niệm, gian giữa là nơi đặt tượng Bác, đỉnh trầm, bát hương để người dân trong vùng và khách tham quan thắp hương tưởng niệm Người. Các gian còn lại được dùng để trưng bày các tài liệu, kỷ vật gắn với thời gian Bác ở và làm việc tại đây… Nhà lưu niệm luôn được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương nâng niu, gìn giữ.
Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Cần Kiệm – Nơi giáo dục truyền thống
cách mạng cho thế hệ trẻ.
Cần Kiệm không chỉ được Bác Hồ chọn làm nơi dừng chân mà còn là mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Ngày 11/3/1953, tại dốc núi Nứa, xã Cần Kiệm đã diễn ra trận đánh giáp lá cà vô cùng ác liệt giữa quân ta và thực dân Pháp. Mặc dù lực lượng quá chênh lệch, quân ta chỉ có 11 người, song các chiến sĩ vẫn quyết tâm bám trụ, giành giật từng lùm cây, mỏm núi, chiến đấu tiêu diệt địch đến viên đạn cuối cùng. Để ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, năm 1983, Huyện uỷ Thạch Thất đã ra nghị quyết xây dựng tượng đài “Cảm tử quân” tại núi Nứa. Núi Nứa nằm ở thôn Phú Đa 1. Từ chân núi đi theo bậc đá ong dẫn lên gần đỉnh núi là tượng đài “Cảm tử quân”. Tượng đài có chiều cao 5,5m, chiều rộng hơn 2m, bằng chất liệu bê tông cốt thép, đài tháp hình chữ nhật, trên cùng đắp nổi hình cờ đỏ sao vàng và dòng chữ “Tổ quốc ghi công”. Bệ tượng cao 2m, phía trên là tượng của ba chiến sĩ cao 1,7m đang trong tư thế quyết chiến quyết thắng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Hai bên bệ tượng là hai bức tranh phù điêu được xây đắp bằng chất liệu vôi cát, mô tả các chiến sĩ bộ đội, du kích của ta đang chiến đấu chống giặc.
Tượng đài núi Nứa được xây dựng trên đồi thông cao, địa thế đẹp, cây cối quanh năm xanh tốt, giao thông thuận lợi, lại nằm gần di tích chùa Tây Phương, Nhà lưu niệm Bác Hồ…là điểm nhấn trong quần thể du lịch văn hoá – lịch sử cách mạng của huyện Thạch Thất, thu hút đông đảo khách tham quan. Hàng năm, vào các ngày lễ, kỷ niệm, Tết nguyên đán, các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân trong xã Cần Kiệm nói riêng, huyện Thạch Thất nói chung đều đến Tượng đài núi Nứa, Nhà lưu niệm Bác Hồ để tưởng nhớ công ơn của Bác và các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho quê hương. Địa danh núi Nứa, Nhà lưu niệm Bác Hồ trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống cách mạng sâu sắc cho thế hệ trẻ…
Cần Kiệm hôm nay đang tiếp tục giữ vững các tiêu chí nông thôn mới, gắn xây dựng nông thôn mới với thực hiện nếp sống văn minh, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, không gian văn hóa làng quê.
Mai Phương