Văn hóa cơ sở

Gia Lâm đẩy mạnh chuyển đổi số để bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị văn hóa

Thời gian qua, huyện Gia Lâm đã quan tâm đầu tư đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để bảo tồn, quảng bá, phát huy, lan tỏa giá trị văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với xu hướng và xã hội hiện đại ngày nay.

Gia Lâm đẩy mạnh chuyển đổi số trong bảo tồn và phát huy, quảng bá di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Ảnh minh hoạ: Thu Phương.

Thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND ngày 13/7/2012 của HĐND thành phố về “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, huyện Gia Lâm đã nghiêm túc quán triệt, chủ động xây dựng, ban hành nhiều các văn bản lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung của Nghị quyết một cách đồng bộ, sáng tạo với hệ thống giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện của huyện; huy động được sự tham gia, đồng tình của nhân dân và hệ thống chính trị.
Thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kế xây dựng đời sống văn hóa”, trung bình từ năm 2013-2020, huyện Gia Lâm có tỉ lệ Gia đình văn hóa đạt 93,175%; Thôn đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa đạt 85,76%; Tổ dân phố đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa đạt 85,1%; tỉ lệ cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đạt 76%; tỉ lệ người tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ thường xuyên đạt 45%. Hàng năm tỉ lệ các danh hiệu văn hóa của huyện đều đạt và vượt so với chỉ tiêu Thành phố giao.
Giai đoạn 2013-2021, Gia Lâm đã tập trung, chỉ đạo quan tâm đầu tư lĩnh vực văn hóa, như: mở rộng Trung tâm Văn hóa- Thể thao huyện; xây dựng mới 8 Trung tâm văn hóa- thể thao xã; 68 nhà văn hóa kết hợp cải tạo sửa chữa 87 nhà văn hóa xã, thôn, tổ dân phố; tu bổ, tôn tạo 77 di tích lịch sử xuống cấp; đầu tư xây dựng 5 vườn hoa, sân chơi; kè 17 ao, hồ với tổng kinh phí hơn 1.646 tỷ đồng.
Huyện Gia Lâm cũng quan tâm quy hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng công viên, vườn hoa, sân chơi cho trẻ em và nhân dân trên địa bàn tại các khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng huyện Gia Lâm thành quận. Đến nay, 100% xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố có vườn hoa, sân chơi công cộng; lắp đặt thiết bị thể dục, thể thao ngoài trời tại 301 điểm với tổng mức đầu tư trên 23 tỷ đồng; đang khảo sát tiếp tục đầu tư xây dựng các công viên trung tâm huyện rộng 17ha; thực hiện kè ao, hồ làm đường dạo, chống lấn chiếm…
Bên cạnh đó, từ năm 2012-2020, Huyện tổ chức kiểm tra trên 250 lượt, xử phạt hành chính 24 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa vi phạm…
Nhằm thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch lĩnh vực văn hóa, UBND huyện Gia Lâm đã kiến nghị Thành phố một số nội dung như Thành phố sớm phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng để huyện có cơ sở triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng Điểm du lịch Bát Tràng; kiến nghị Thành phố uỷ quyền cho huyện thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 các ô đất có chức năng quy hoạch cây xanh, công cộng Thành phố để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công viên, cây xanh, vườn hoa trên địa bàn; tiếp tục hỗ trợ bổ sung có mục tiêu để địa phương có thêm nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa; Hướng dẫn, thống nhất mô hình quản lý các khu, điểm di tích trọng điểm để thuận lợi trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn phát triển du lịch; quan tâm đầu tư đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để bảo tồn, quảng bá, phát huy, lan tỏa giá trị văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với xu hướng và xã hội hiện đại ngày nay.
Với những kết quả đã đạt được trong quá trình tổ chức triển khai Nghị quyết 11 với nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu Thành phố giao đã góp phần quan trọng vào phát triển văn hóa của huyện Gia Lâm nói riêng và Thành phố nói chung, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở, đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà làm việc với huyện Gia Lâm về việc thực hiện Nghị quyết số 11.

Tại buổi làm việc với huyện Gia Lâm nhằm giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND về “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh, để tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quy hoạch và phát triển văn hóa trên địa bàn thành phố nói chung và huyện nói riêng, trong thời gian tới, Gia Lâm cần xác định rõ việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị tại địa phương. cần quan tâm chỉ đạo rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch văn hóa của địa phương; lồng ghép nội dung quy hoạch phát triển văn hóa trong các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của huyện cho phù hợp; Huyện cần có quy hoạch để các tuyến đường có tên cụ thể gắn với lịch sử, văn hóa… Cùng đó, UBND huyện cần chỉ đạo Phòng Văn hóa thông tin huyện sớm hoàn thành kiểm kê, phân loại, đánh giá hiện trạng di tích trên địa bàn làm cơ sở xây dựng các kế hoạch hoạt động nghiệp vụ như xếp hạng, cắm mốc giới, sưu tầm bổ sung hồ sơ tư liệu di tích, tu bổ tôn tạo di tích và các hoạt động phát huy giá trị, gắn kết bảo tồn di tích, làng nghề văn hóa truyền thống với phát triển du lịch (làng nghề Bát Tràng, làng nghề Kiêu Kỵ, đền Phù Đổng…); trên cơ sở đó ngành văn hóa đề xuất bố trí nguồn lực hiệu quả. Ngoài đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa còn thiếu trên địa bàn, sửa chữa các công trình văn hóa đã có nhưng xuống cấp, huyện cần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực từ ngân sách cho văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa; đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng tham mưu của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa.

N.Minh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *