Di sản – Bảo tồn

Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể: Bắt đầu từ Nhân dân

Nhân dân là chủ thể của các sáng tạo văn hó, là người lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa cho các thế hệ mai sau. Chính vì vậy Nhân dân cũng chính là những người bảo tồn tốt nhất các giá trị văn hóa của dân tộc.

Nhân dân là chủ thể của các sáng tạo văn hó, là người lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa cho các thế hệ mai sau. Chính vì vậy Nhân dân cũng chính là những người bảo tồn tốt nhất các giá trị văn hóa của dân tộc.

Quản lý các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô

Hà Nội hiện đang lưu giữ 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, với nhiều loại hình phong phú, đa dạng. Trong đó có những di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là Di sản văn hóa thế giới như Ca trù, tín ngưỡng thờ mẫu; có 26 di sản văn hóa được ghi vào danh mục Di sản văn hóa quốc gia như: Kéo co Ngồi, múa rắn lột, lễ hội thập tam trại, lễ hội Gò Đống Đa, lễ hội chùa Hương, lễ hội Bình Đà, lễ hội Năm làng Mọc, lễ hội Gióng, lễ hội Cổ Loa…Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào, song cũng là thách thức không nhỏ cho thủ đô Hà Nội trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong đời sống hôm nay. Chính vì vậy, việc Bảo tồn di sản bắt đầu từ mỗi người dân và cộng đồng dân cư là vô cùng quan trọng.

Theo Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh, hằng năm, ngành Văn hóa đều tổ chức các hoạt động hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, như: Đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí truyền dạy; kiểm kê. Dự án “Giáo dục di sản văn hóa phi vật thể cho học sinh phổ thông tại Hà Nội” với sự tham gia của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, Cục Di sản văn hóa, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thành công trong việc đưa 4 loại hình di sản văn hóa phi vật thể (đèn kéo quân, rối nước, tục ăn trầu cau và gốm Bát Tràng) lồng ghép vào các môn vật lý và hóa học lớp 8, lớp 9… Ngoài ra, trong kế hoạch của Sở VHTT Hà Nội, có 1 số di sản văn hóa phi vật thể cần được ưu tiên bảo vệ. Đây là một trong những chính sách bài bản, mang tính tổng thể để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô của ngành VHTT Hà Nội.

Múa rối nước Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh)  đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong, ngoài nước (ảnh chụp trước khi có dịch COVID-19).

Về phía cơ sở, nhiều địa phương đã làm tốt công tác quản lý di sản văn hoa phi vật thể từ Nhân dân. Huyện Đông Anh là một ví dụ. Nhiều năm qua, huyện Đông Anh đã có nhiều chương trình, kế hoạch, Đề án nhằm Bảo tồn và phát huy giá trị của các bộ môn nghệ thuật truyền thống của huyện như: Tuồng, chèo, ca trù, múa rối. Hàng năm, huyện, các CLB phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thành phố thường tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy về các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Đông Anh cũng rất chú trọng đầu tư đầy đủ trang thiết bị, trang phục, cơ sở vật chất…cho các bộ môn nghệ thuật này.

Qua cách quản lý di sản văn hóa của ngành VHTT và các địa phương cho thấy, việc nhận thức tốt về giá trị di sản, sẽ tạo ra kết quả bảo tồn di sản văn hóa tốt và việc bảo tồn này cần có sự kết hợp giữa Nhân dân, cộng đồng với các cấp và chính quyền.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Đến Đào Thục vào những ngày cuối tuần hay ngày Lễ, Tết, du khách thường được nghe tiếng trống, nhịp phách rộn ràng từ thủy đình vang đến. Thủy đình nằm trong quần thể đình – đền – chùa ở Đào Thục. Đây là trung tâm sinh hoạt văn hóa của người dân từ bao đời nay. Trung tâm ấy nay trở thành điểm du lịch văn hóa của du khách trong, ngoài nước. Từ khi có dịch bệnh COVID-19 tiếng rống, tiếng nhạc có thưa thớt hơn, do yêu cầu không tập trung đông người, nhưng những người dân Đào Thục – những nghệ nhân nông dân của Phường rối Đào Thục gồm 50 thành viên vẫn tự luyện tập, không từ bỏ niềm đam mê truyền đời của mình. Khi việc tiêm phòng vắc xin COVID-19 đã bao phủ ở địa phương, các nghệ nhân lại được dịp say sưa luyện tập những tích trò truyền thống và luyện tập một số tích trò mới về An Dương Vương, chuẩn bị cho dịp Tết và Hội làng, cũng là dịp quảng bá về mảnh đất văn vật Thụy Lâm và huyện Đông Anh. Họ đến với rối chỉ đơn giản 1 điều: Yêu và giữ gìn, phát huy di sản văn hóa mà cha ông đã để lại. Trăn trở không để rối nước mai một, với kinh nghiệm của mình, những thế hệ cao niên của CLB luôn sẵn sàng chia sẻ, truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Tương tự vậy, người dân thôn Lỗ Khê – cái nôi của ca trù miền Bắc luôn được người dân yêu quý, giữ gìn như báu vật. Là đất tổ ca trù, không chỉ từ xưa, mà nay Lỗ Khê luôn tạo ra được đông đảo những kép đàn, ca nương nổi trội. Theo Chủ nhiệm CLB ca trù Nguyễn Văn Đạm, CLB hiện có 37 người, ở 4 thế hệ nhưng cả 37 người đều chung một niềm đam mê với ca trù. Từ năm 2.000 đến nay, mỗi năm CLB đã truyền dạy múa, hát cho 20 -30 cháu nhỏ, trong số này một số em đã trở thành ca nương, kép đàn nổi tiếng như Thục Trinh – ca nương, Hoàng Đức Huy – đàn đáy….Từ nhiều năm qua, Ban chủ nhiệm đã tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về truyền thống, giá trị quý báu của di sản ca trù của quê hương để mọi người có ý thức ủng hộ, bảo vệ, giữ gìn. CLB đã duy trì việc truyền dạy nề nếp hàng tháng, sẵn sàng tham gia biểu diễn theo yêu cầu của cấp trên và tham gia Liên hoan ca trù khi thành phố cũng như Bộ Văn hóa – Thông tin tổ chức. Và CLB đã không phụ lòng mong đợi của Nhân dân bằng những giải thưởng cao, những Bằng khen tại các Hội thi, các cuộc Liên hoan Thành phố và Toàn quốc…

Việc bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa phi vật thể luôn được Hà Nội quan tâm

Với mong muốn gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa, Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn , Câu lạc bộ Hò cửa đình múa hát bài bông Phú Nhiêu, CLB trống quân Phúc Lâm, tiếng lóng ở thôn Đa Chất (huyện Phú Xuyên), luôn được quan tâm, giữ gìn và truyền dạy cho các thế hệ trẻ.

Chanh Thôn là một trong những cái nôi ca trù của vùng Sơn Nam Thượng, còn Hò cửa đình múa hát bài bông Phú Nhiêu đã có lịch sử mấy trăm năm nay và hiếm có nơi nào trên đất nước ta còn lưu giữ được loại hình di sản văn hóa phi vật thể này. Niềm đam mê ca trù và hò cửa đình múa hát bài bông đã “ăn” vào máu thịt của mỗi người dân nơi đây. Yêu ca trù, yêu hò cửa đình nên trải qua những thăng trầm của lịch sử, dân Chanh Thôn và Phú Nhiêu vẫn giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể truyền thống của địa phương và trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Cả 2 loại hình nghệ thuật diễn xướng ở 2 địa phương đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là địa chỉ đỏ văn hóa dân gian. Hiện các CLB này đều có từ 3-4 thế hệ cùng sinh hoạt, trong đó có nhiều bạn trẻ đã được các thế hệ đi trước như NNND Nguyễn Thị Khướu và Nguyễn Thị Vượn nhiệt tình truyền dạy.

Là chủ nhiệm CLB, lo lắng cho tương lai của ca trù, bà Nguyễn Thị Ngoan đã tìm gặp các nghệ nhân, ghi chép lại những câu ca, thể cách để tiện cho việc lưu truyền. Còn ở xã Quang Trung, theo Chủ tịch xã Phạm Văn Khiêm, từ nhiều năm nay chính quyền địa phương đã tạo nhiều điều kiện vật chất, tinh thần để CLB hò cửa đình múa hát bài bông hoạt động, bảo tồn và trao truyền. CLB đã quy tập được nhiều nghệ nhân tâm huyết như Nguyễn Thị Ga, Vũ Thị Khiên, Lương Tất Tố…CLB có hơn 50 thành viên, trong đó có gần một nửa là các bạn trẻ. Không chỉ các thành viên trong CLB mà mỗi người dân, mỗi bạn trẻ Phú Nhiêu đều phấn khởi, tự hào vì được sinh ra ở làng quê giàu văn hóa này….

Có thể nói, việc người dân nắm giữ di sản là rất thiết thực và hiệu quả. Bởi qua thực tế cho thấy cách thức bảo tồn di sản tốt nhất, bền vững nhất là bắt nguồn từ Nhân dân.

Thanh Quy

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *