Di sản

Hết lòng gìn giữ di sản quê hương

Năm 2016, CLB hát trống quân làng Phúc Lâm được UBND xã Phúc Tiến ra quyết định thành lập đã tiếp thêm sức cho hát trống quân Phúc Lâm được bảo tồn và phát huy. Bà Kiều Thị Mách được bầu làm Chủ nhiệm CLB từ đó đến nay.

Ở xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, gia đình ông bà Kiều Thị Mách rất nổi tiếng, bởi đây là gia đình có truyền thống ca hát, yêu quý và trân trọng giữ gìn vốn văn hóa dân gian truyền thống của quê hương. Đặc biệt, gia đình này có 3 nghệ nhân ưu tú hát trống quân. Đó là cụ Kiều Thị Chải, con gái là bà Kiều Thị Mách và con rể Đào Anh Chén. Cụ Kiều Thị Chải năm nay đã ngoài 90 tuổi, còn minh mẫn, nhanh nhẹn, hát vẫn hay. Vợ chồng nghệ nhân ưu tú Kiều Thị Mách năm nay cũng ở tuổi 70.

Mẹ con Nghệ nhân ưu tú Kiều Thị Chải, Kiều Thị Mách

Vợ chồng nghệ nhân ưu tú Kiều Thị Mách – Nghệ nhân ưu tú Đào Anh Chén

Phúc Lâm là một làng cổ, cách không xa sông Hồng, sông Lương, sông Nhuệ. Địa thế này đã tạo cho Phúc Lâm phát triển hát trống quân từ hàng trăm năm trước. Dưới ánh trăng thanh, nam nữ trong làng thường cùng nhau tổ chức hát trống quân nhằm xua đi nỗi nhọc nhằn sau những giờ lao động vất vả. Khi ấy, mỗi xóm trong làng đều có đội hát trống quân. Nhiều nam thanh nữ tú gặp nhau trong những đêm hát trống quân mà bén duyên nhau, như vợ chồng nghệ nhân Kiều Thị Mách – Đào Anh Chén.

Có một thời gian hát trống quân ở làng Phúc Lâm bị gián đoạn, nhiều người đã quên những làn điệu trống quân truyền thống quê hương.

Bà Kiều Thị Mách khi ấy còn đang hăng hái tham gia các hoạt động xã hội như làm Bí thư đoàn thanh niên, cán bộ văn phòng của UBND xã, cán bộ của Ủy ban MTTQ thôn, xã… Thấy hát trống quân có nguy cơ thất truyền, bà Mách cùng mẹ và một số người rất đau lòng nên đã cùng nhau tìm cách khôi phục lại vốn quý của địa phương. Bà Mách đi đến những gia đình có người từng tham gia hát trống quân khi xưa để hỏi han, ghi chép lời, cách biểu diễn trống quân.

Hát trống quân ở Phúc Lâm khác các địa phương khác là trong lời hát luôn có chữ “thời”, lời hát luôn nhịp nhàng, ăn khớp với nhịp trống. Hát trống quân giao duyên và hát trống quân cửa đình đều có ở làng Phúc Lâm. Điểm khác biệt nữa của hát trống quân Phúc Lâm là ở chiếc trống. Trống quân được làm bằng cách đào một hố tròn dưới đất làm hộp cộng hưởng, bên dưới khoét thành hàm ếch để tạo thêm độ âm vang, bên trên đậy tấm ván gỗ sung mỏng làm mặt trống. Trống quân Phúc Lâm còn được bỏ vào hố dăm bảy chiếc vỏ ốc để tạo thêm âm thanh khác nhau. Trên mặt trống căng một sợi dây mây già, luồn qua một chiếc lẫy nằm giữa tâm trống rồi buộc hai đầu vào cọc tre đóng xuống đất. Người hát dùng dùi gỗ gõ lên dây tạo nên âm sắc bổng trầm, khoan nhặt làm nhịp hát. Đáng quý hơn, chiếc trống quân hôm nay ở Phúc Lâm là do nghệ nhân ưu tú Kiều Thị Mách sáng tạo ra.

Năm 2016, CLB hát trống quân làng Phúc Lâm được UBND xã Phúc Tiến ra quyết định thành lập đã tiếp thêm sức cho hát trống quân Phúc Lâm được bảo tồn và phát huy. Bà Kiều Thị Mách được bầu làm chủ nhiệm CLB từ đó đến nay. Nhiều năm qua, CLB hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện, tự giác, tự túc và niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống quê hương của các thành viên. Không thù lao, không lương, thưởng, chỉ với niềm đam mê, những người “nghệ sĩ nông dân” làng Phúc Lâm vẫn cháy hết mình trong mỗi lần biểu diễn hát Trống quân, truyền lửa và truyền đam mê đến mọi người. CLB hiện có 29 hội viên, gồm 3 thế hệ cao niên, trung niên và thanh thiếu niên. Người cao tuổi nhất 92 tuổi, người trẻ nhất mới 12 tuổi. CLB có 6 người được phong tặng nghệ nhân ưu tú, trong đó có 3 người trong gia đình nghệ nhân ưu tú Kiều Thị Mách.

Với vai trò là chủ nhiệm CLB hát trống quân Phúc Lâm, bà Kiều Thị Mách đã làm tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản của quê hương. Bà cùng với CLB đã đi biểu diễn ở nhiều nơi, trong các ngày lễ, dịp kỉ niệm hay ngày hội làng; nhất là việc CLB đi tham dự các cuộc thi do Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội tổ chức và giành nhiều giải cao, như: Giải đặc biệt năm 2017, giải Nhất và Nhì năm 2019. Bên cạnh đó, nghệ nhân ưu tú Kiều Thị Mách đã đem niềm đam mê của mình truyền lửa cho các em nhỏ ở địa phương thông qua các lớp học. Bà đã truyền nghề thành công cho hàng chục em và hiện bà cùng CLB hát trống quân Phúc Lâm đang truyền dạy cho 30 cháu, tuổi từ 8-13 và nhiều em còn rất nhỏ cũng đến xem hát.

Nghệ nhân ưu tú Kiều Thị Mách còn truyền niềm đam mê hát trống quân đến con, cháu trong nhà. 4 người con của bà, người nào cũng hát trống quân rất hay, nhất là 2 cô con gái và cháu nội Đào Ngọc Minh Châu. Như một quy ước riêng, gia đình bà nếu tụ họp đông đủ sẽ cùng nhau tổ chức hát trống quân, cùng nhau truyền niềm đam mê ấy cho nhau. Đặc biệt, nghệ nhân ưu tú Kiều Thị Mách còn có khả năng sáng tác những bài trống quân mới, trên cơ sở các làn điệu trống quân cổ, như bài hát trống quân Lấy chồng thợ mộc.

 

Một buổi sinh hoạt của CLB hát trống quân làng Phúc Lâm

Đến Phúc Lâm, chứng kiến niềm đam mê của bà Kiều Thị Mách và các thành viên CLB trong buổi sinh hoạt chung buổi tối, tại nhà của Chủ nhiệm CLB hát trống quân mới thấy đáng quý, đáng trân trọng biết bao những tấm lòng tâm huyết, tận tụy giữ gìn vốn quý quê hương của họ. Tấm lòng tâm huyết, tận tụy giữ gìn vốn quý quê hương của nghệ nhân ưu tú Kiều Thị Mách và các thành viên CLB đã được các cấp chính quyền từ thôn, xã, huyện, Hội văn nghệ dân gian và ngành VHTT ủng hộ, tạo điều kiện để bà và CLB lan tỏa đến mọi người tình yêu di sản văn hóa.

Với những nỗ lực và đóng góp không ngừng cho vốn quý quê hương, năm 2022 bà Kiều Thị Mách đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Năm 2023 này, bà vinh dự được UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu Người tốt việc tốt. CLB hát trống quân làng Phúc Lâm cũng nhận được nhiều phần thưởng vì những đóng góp trong hoạt động giữ gìn và phát huy giá trị di sản truyền thống của địa phương.

Thanh Quy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *