Gia đình

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024, sáng 18/6, Sở Văn hoá và Thể thao phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức Hội nghị tuyên truyền công tác phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ báo cáo viên Thành phố và khối văn hóa – xã hội thuộc các quận, huyện, thị xã.

Đến dự có Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng; Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh; PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Tổng Biên tập Tạp chí nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Toàn cảnh Hội nghị

Gia đình là nơi để yêu thương, là điểm tựa vững chắc và là chốn về ấm áp, bình yên của mỗi người. Không ai có thể phủ nhận được giá trị thiêng liêng của hạnh phúc và tình yêu thương gia đình. Gia đình không chỉ là nơi trú ngụ, mà là chiếc nôi nuôi dưỡng tình yêu thương, vun đắp, giáo dục và hình thành nhân cách của con người.

Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra một cách suôn sẻ, tốt đẹp, không phải gia đình nào cũng có được tổ ấm hạnh phúc, tràn đầy tình yêu thương; nhiều gia đình cũng không tránh khỏi đau xót khi bị ám ảnh bởi bạo lực gia đình; nhiều đứa trẻ đã bị sang chấn tâm lí, có những hành động tiêu cực do ảnh hưởng của chính bạo lực gia đình mình gây ra. Dù ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạo lực gia đình không chỉ để lại hậu quả về thể chất, tinh thần mà còn về mặt kinh tế – xã hội, là vấn đề nhức nhối khiến dư luận, xã hội đặc biệt quan tâm. Bạo lực gia đình làm xói mòn các giá trị, chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phá vỡ sự bền vững của gia đình.

Ngày 14/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV một lần nữa lên án và đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Luật gồm 6 chương, 56 điều, quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Nhằm tăng cường sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự tham gia phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi bạo lực gia đình, tại Hội nghị, PGS.TS Trần Thị Minh Thi đã đưa ra những thách thức của gia đình Việt Nam hiện nay như: Tuổi kết hôn có xu hướng muộn hơn trong những thập niên qua; thách thức về biến đổi quy mô, cấu trúc, quan điểm, chức năng của gia đình; Bất bình đẳng về phúc lợi gia đình diễn ra giữa các nhóm thu nhập, giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn cũng ngày càng tăng trong khi độ bao phủ và nguồn lực của hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội còn hạn chế; Chức năng kinh tế hộ gia đình đang chuyển đổi, theo hướng gia đình trở thành đơn vị tiêu dùng nhiều hơn; Tình hình ly hôn khá phức tạp…

PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Tổng Biên tập Tạp chí nghiên cứu Gia đình và Giới.

Tại Hội nghị, PGS.TS Trần Thị Minh Thi cho biết, bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối và khó vượt qua mà phụ nữ phải đối mặt trên quy mô toàn cầu. Và trên thực tế nhiều người bị bạo lực có tâm lý cam chịu, sợ bị kỳ thị nên không đi báo cáo. Đa số cho rằng đó là “chuyện bình thường, xấu chàng hổ ai”. Phần lớn người bị bạo lực chỉ đi báo cáo và tìm sự hỗ trợ của nhà chức trách khi vụ việc nghiêm trọng, bạo lực xảy ra trong thời gian dài hoặc có thể dẫn đến chấm dứt hôn nhân. Thực trạng này gây khó khăn cho việc thống kê số liệu cũng như triển khai các giải pháp can thiệp và ứng phó với bạo lực. PGS.TS Trần Thị Minh Thi đã thông tin những kiến thức, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, giới, bình đẳng giới và quy định của pháp luật có liên quan; quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình, thành viên khác trong gia đình.

Đặc biệt là các kỹ năng ứng xử trong gia đình, tổ chức đời sống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, xử lý khi xảy ra hành vi bạo lực gia đình, chăm sóc người bị bạo lực gia đình…

Bình Dương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *