Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý đô thị và di sản, những chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, đặc biệt là những người dành nhiều nghiên cứu về việc tái thiết đô thị. Đây là cơ hội để các chuyên gia và công chúng cùng nhìn nhận lại những giá trị của di sản kiến trúc thời bao cấp và tìm ra hướng đi phù hợp cho việc bảo tồn và tái phát triển trong tương lai.
Chiều 15/11, tại Rạp Khăn quàng đỏ, Cung thiếu nhi Hà Nội (36-38 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm), đã diễn ra Hội thảo và Tọa đàm “Di sản kiến trúc thời bao cấp – Duy trì và phát triển”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý đô thị và di sản, những chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, đặc biệt là những người dành nhiều nghiên cứu về việc tái thiết đô thị. Nhóm diễn giả và điều phối chương trình gồm có: Kiến trúc sư Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, người đã từng thực hiện nhiều dự án bảo tồn di tích như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Đình Chu Quyến, Nhà hát Lớn Hà Nội, Thánh địa Mỹ Sơn; Kiến trúc sư, Họa sỹ Vũ Hiệp – chuyên nghiên cứu về lý luận kiến trúc và mỹ thuật; Tiến sỹ, Kiến trúc sư Nguyễn Đức Vinh – giảng viên trường Đại học Xây dựng Hà Nội với chuyên môn về tái phát triển các công trình công cộng thời bao cấp ở Hà Nội. Đặc biệt là sự có mặt của KTS Lê Văn Lân, người thiết kế Cung thiếu nhi Hà Nội.
Kiến trúc sư, Họa sỹ Vũ Hiệp
Trong phần đầu của chương trình, các diễn giả và khán giả sẽ thảo luận về những giá trị mà các công trình này mang lại trong bối cảnh hiện đại, từ giá trị văn hóa, lịch sử đến những tiềm năng sử dụng mới trong đời sống đương đại. Tiếp đó, các diễn giả đề xuất những phương pháp bảo tồn phù hợp, hướng tới việc duy trì và phát triển các công trình này trong thời kỳ mới mà vẫn giữ được vẹn nguyên tinh thần từ thời bao cấp.
Theo KTS.HS Vũ Hiệp, trong giai đoạn 1954-1986, hay còn gọi là thời bao cấp, Hà Nội đã có nhiều công trình nổi tiếng, để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử kiến trúc của Thủ đô như khu tập thể Kim Liên, Trung Tự, Thành Công… cùng các nhà máy dệt, cơ khí, thuốc lá, xà phòng, cao su, bê tông, diêm, gỗ… và các công trình công cộng quan trọng như Đại học Bách khoa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Sân vận động Hàng Đẫy, Cung văn hóa Thiếu nhi Hà Nội và Bưu điện Hà Nội. Những công trình này không chỉ phục vụ cho nhu cầu văn hóa, giáo dục, truyền thông và thể thao mà còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước theo định hướng Xã hội chủ nghĩa. Kiến trúc thời bao cấp mang nhiều ý nghĩa lịch sử, khoa học và xã hội, phản ánh một thời đại với các nguyên tắc hiện đại và tiến bộ. Các công trình được thiết kế và xây dựng theo chiến lược của một quốc gia đang trên con đường phát triển, góp phần vào quá trình vận hành hành chính và nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng. Với những đóng góp không nhỏ ấy, kiến trúc thời bao cấp là vốn quý di sản, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để không bỏ phí trong bối cảnh đương đại.
Theo khảo sát của KTS.HS Vũ Hiệp, số lượng các công trình kiến trúc thời bao cấp được tu bổ, cơ bản giữ được hình ảnh ban đầu đang chiếm khoảng 60 – 70%. Bên cạnh đó, cũng có công trình bị biến đổi, cải tạo, một số công trình đã hạ giải, thay thế bằng các hình thức, công năng khác. KTS.HS Vũ Hiệp đã đưa ra những kinh nghiệm của một số nước trong ứng xử với di sản kiến trúc như ở Trung Quốc, Nga, Anh…
Kiến trúc sư Lê Thành Vinh
Trao đổi tại chương trình, KTS. Lê Thành Vinh nhận định những giá trị cơ bản của di sản kiến trúc thời bao cấp đó là: Mang dấu ấn lịch sử, ký ức xã hội; Là không gian sử dụng hữu ích; Nhân tố quan trọng trong không gian đô thị. Ông cũng chỉ ra thực trạng của các di sản này: Nhiều chức năng không còn phù hợp với xã hội hiện đại, nhiều công trình xuống cấp trầm trọng; đang có những mong muốn, quan niệm khác nhau; trong kho tàng di sản văn hóa kiến trúc, nhóm này có mức ưu tiên thấp trong các đối tượng cần bảo tồn…Xuất phát từ giá trị và thực trạng của các di sản kiến trúc thời bao cấp ở Hà Nội, ông đưa ra định hướng và giải pháp để duy trì, phát triển các di sản này: Lựa chọn những yếu tố tiêu biểu, theo cách diễn giải phù hợp trong giá trị dấu ấn lịch sử, ký ức xã hội, để bảo tồn. Cần duy trì chức năng; chuyển đổi, thích ứng chức năng của các di sản kiến trúc thời bao cấp; Phát huy nhân tố quan trọng trong không gian đô thị phù hợp với cấu trúc hệ sinh thái đô thị đương đại và tương lai. Đảm bảo sự phù hợp, khả thi và hiệu quả kinh tế – xã hội.
Tiến sỹ, Kiến trúc sư Nguyễn Đức Vinh
Theo TS.KTS. Nguyễn Đức Vinh – giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, khi nói đến bảo tồn, phát huy giá trị, ta thường quên hay bỏ qua vấn đề kinh tế. Thực tế, những công trình xây dựng thời bao cấp nằm ở vùng ven, nhưng khi Hà Nội phát triển mở rộng, các công trình này lại có vị trí trung tâm. Sự phát triển của kinh tế – xã hội đã đặt ra nhiều vấn đề khi giá trị bất động sản tăng lên, sức ép rất lớn khi phải cải tạo. Đây là những yếu tố cần được quan tâm trong quá trình gìn giữ, phát huy di sản kiến trúc này…Theo ông, có các mức độ khác nhau để ứng xử với di sản kiến trúc thời bao cấp: bảo tồn, cải tạo, phát huy giá trị, tái sử dụng thích ứng và tái phát triển theo hướng bền vững. Tái phát triển theo hướng bền vững là hoạt động kết hợp giữa bảo tồn và các giải pháp cải tạo với tỷ trọng thích hợp, mục đích vừa giữ gìn các giá trị hiện hữu, được đánh giá và xác định cụ thể của công trình, vừa cung cấp các khả năng linh hoạt biến đổi để công trình tiếp tục được khai thác hiệu quả ở hiện tại và trong tương lai.
Phần tọa đàm, ba diễn giả đã trả lời nhiều câu hỏi của các KTS, sinh viên, những người quan tâm đến di sản kiến trúc thời bao cấp
Tại buổi Hội thảo và Tọa đàm, khán giả có mặt đã được nghe KTS Lê Văn Lân chia sẻ thông tin về việc thiết kế Cung thiếu nhi Hà Nội. KTS Nguyễn Huy Ánh chia sẻ câu chuyện xúc động về ký ức đẹp đẽ đã có với Cung Thiếu nhi Hà Nội.
Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ
Hội thảo và Tọa đàm “Di sản kiến trúc thời bao cấp – Duy trì và phát triển” đã thành công tốt đẹp. Đây là cơ hội để các chuyên gia và công chúng cùng nhìn nhận lại những giá trị của di sản kiến trúc thời bao cấp và tìm ra hướng đi phù hợp cho việc bảo tồn và tái phát triển trong tương lai.
Nguyễn Tâm