Văn hóa cơ sở

Không phủ mờ dấu vết thời gian

Trải qua thời gian, biến cố của lịch sử, nhiều công trình, hiện vật đồ gỗ sơn thếp quý giá đứng trước nguy cơ hư hỏng. Yêu cầu bảo tồn ở mức tối đa nhưng không thể giữ nguyên, càng tránh làm mới đến độ phủ mờ dấu vết xưa cũ, quả không đơn giản. […]

Trải qua thời gian, biến cố của lịch sử, nhiều công trình, hiện vật đồ gỗ sơn thếp quý giá đứng trước nguy cơ hư hỏng. Yêu cầu bảo tồn ở mức tối đa nhưng không thể giữ nguyên, càng tránh làm mới đến độ phủ mờ dấu vết xưa cũ, quả không đơn giản.

3 nguyên tắc bảo tàng học

Trưng bày Nét vàng son – Sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đem đến một lát cắt về tinh hoa văn hóa Việt thế kỷ XII – đầu thế kỷ XX. Sắc sơn, ánh vàng trên pho tượng Phật, hương án, khám thờ… thể hiện tay nghề điêu luyện và kỹ thuật sơn thếp đỉnh cao của các nghệ nhân. Nhưng qua thăng trầm lịch sử, những hiện vật này dần xuống cấp. Hiện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có khoảng 1.000 hiện vật đồ gỗ sơn thếp, bảo quản trong kho lưu trữ, có sự kiểm soát nghiêm ngặt về môi trường nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… Tuy nhiên, do thời gian dài trước đó không được bảo quản, nên phần lớn đều trong tình trạng nhiều chỗ hư hỏng, sơn tróc, mục ruỗng.

Góc trưng bày đồ gỗ sơn son thếp vàng tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Ảnh: Lê Thư

Ngoài phòng ngừa xuống cấp, các hiện vật cần xử lý để bảo đảm điều kiện trưng bày. Đây là công đoạn phức tạp và còn nhiều tranh luận. Theo đúng thao tác truyền thống, việc sơn thếp lại hiện vật sẽ tốn nhiều vàng và sơn ta, lại cần thời gian để đạt được màu trầm cổ kính như vốn có. Ngược lại, dùng sơn công nghiệp với thao tác “giả cổ” đơn giản hơn và rút ngắn thời gian. Hầu hết nghệ nhân, thợ trùng tu, nhiều công ty bảo quản, họa sĩ sơn mài… đang làm cách này. Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Bảo quản, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Thị Hương Thơm, điều này là vi phạm nguyên tắc gìn giữ giá trị hiện vật của bảo tàng học.

Bà Nguyễn Thị Hương Thơm nêu ra 3 nguyên tắc xử lý, tu bổ hiện vật: Thứ nhất, là tính thuận nghịch, nghĩa là có thể hồi chuyển, trả hiện vật về lúc ban đầu; thứ hai,là tính tương hợp, sao cho có sự hài hòa về chất liệu lẫn hình thức với hiện vật cũ; thứ ba, điểm làm mới phải có dấu hiệu nhận biết so với nguyên gốc, đây là tính khác biệt. Bảo đảm các nguyên tắc này mới giữ được giá trị tối đa của hiện vật. “Không giống các nhà sưu tập tư nhân, người buôn bán muốn hiện vật phải thật như vốn cổ, quan niệm của bảo tàng là không cần làm cho nó nguyên như ban đầu, mà giá trị nằm ở lịch sử, nghệ thuật. Chúng tôi trân trọng tất cả những dấu vết thời gian trên đó”, bà Nguyễn Thị Hương Thơm nói.

Cái khó của bảo tồn

 “Trong điều kiện hiện nay, Bảo tàng sẵn sàng kết hợp với các nơi để bảo quản, xử lý hiện vật, trong đó có hiện vật sơn thếp, nhưng nhiều khi bàn tay của chúng tôi không với được xa. Bảo tàng không thể cho họ kinh phí, được mời tư vấn thì chỉ góp ý chứ không có quyền nói họ làm được hay chưa được”.

Trưởng phòng Bảo quản, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Thị Hương Thơm

Theo nghệ nhân ưu tú Lê Bá Chung, Chủ tịch Hội Dát vàng bạc đá quý Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội, sơn son thếp vàng bằng nguyên liệu sơn ta đòi hỏi kỹ thuật cao và thời gian làm ra sản phẩm dài hơn 3 lần so với sơn công nghiệp. Tuy độ bền cao, lên đến hàng trăm năm, nhưng hiện giờ, nhiều thợ sơn thếp không còn muốn theo phương cách truyền thống. Tại không ít làng nghề hiện nay, rất nhiều bước truyền thống bị bỏ qua. Nghệ nhân một là chạy theo nhu cầu thị trường, hai là chính họ cũng thích dùng vật liệu mới. Từ năm 2008 đến nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã thực hiện nhiều dự án bảo quản, tu sửa hiện vật đồ gỗ sơn thếp lưu trữ trong bảo tàng. Các dự án này đều có sự kết hợp với nghệ nhân và chuyên gia nước ngoài, tuân thủ tuyệt đối quy trình truyền thống, bảo đảm hiện vật giữ được lâu dài mà không thay đổi giá trị gốc.

Tuy nhiên, so với số hiện vật đang được bảo tàng lưu trữ, bảo quản, thì phần lớn hiện vật gỗ sơn thếp vẫn sống trong dân gian, ở các đình, đền, chùa… với số phận bấp bênh. Những năm gần đây, cùng sự phục hưng của tôn giáo, tín ngưỡng, các công trình kiến trúc, di tích, hiện vật… được quan tâm, nhưng cũng mang lại thách thức. Trước mong muốn sơn son thếp vàng lại đồ thờ tự cổ bằng lớp sơn mới, vẻ hào nhoáng được ưa chuộng càng làm mất đi giá trị vốn cổ. Đơn cử, tháng 3.2017, các chuyên gia văn hóa đã phát hiện sai sót trong việc trùng tu đền Gióng (Gia Lâm, Hà Nội), với phần lớn kèo, chân cột, chấn song, trong đó có 2 bức chạm từ thế kỷ XVII (tại đền Thượng) sơn son thếp vàng với màu sắc sặc sỡ, làm biến dạng nghiêm trọng so với nguyên gốc.

Qua thực tế tại một số di tích, bà Nguyễn Thị Hương Thơm cho rằng, khác với thuộc sở hữu của bảo tàng, hiện vật trong dân gian do các sư thầy, người dân… quyết định. Một khi có xu hướng làm mới hiện vật, những chuyên gia, nghệ nhân “có lòng” gìn giữ giá trị cổ cũng rất khó can thiệp. “Một số cuộc trùng tu, bảo tàng được mời tư vấn nhưng chủ yếu để xử lý mối mốc, còn họ mời nhóm thợ khác sơn thếp, biết như thế là đang làm hỏng vật cổ, nhưng cũng chỉ cảm thấy nuối tiếc thế thôi chứ không làm gì được. Ở các di tích, đôi khi tiền trùng tu không phải Nhà nước cấp mà do xã hội hóa, càng dễ xảy ra tình trạng làm mất cái hồn của hiện vật. Đó cũng là cái khó cho những người làm công tác bảo tồn hiện nay”.

Theo Báo Đại biểu nhân dân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *