Văn hoá đời sống

Ký ức của những phi công Mỹ ở “Hilton Hà Nội ” năm 1972

 “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không là khoảng lặng trong cuộc đời của những phi công Mỹ đã tham gia cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương khác về sự khốc liệt của chiến tranh.

“Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không là khoảng lặng trong cuộc đời của những phi công Mỹ đã tham gia cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương khác về sự khốc liệt của chiến tranh.

Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn. Cùng với số lượng máy bay Mỹ bị bắn rơi, số lượng phi công bị bắt ngày càng tăng lên. Từ nhiều địa phương ở miền Bắc, họ được đưa về Trại giam Hỏa Lò (Hilton Hà Nội), trong đó phần lớn là những phi công đã tham gia cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương khác như: Carl H. Jeffcoat, Robert G. Certain, Henry Ian, Robert M. Hudson, William W. Conlee, Louis H. Bernasconi, Jack R. Trimble, Alfred Howard Agnew, John Weslay Anderson, Brian H. Ward… Việc có thêm nhiều phi công Mỹ bị bắt, giam khi tham gia chiến dịch Linebacker II càng gây thêm áp lực cho Chính phủ Mỹ trên bàn đàm phán.
“Hilton Hà Nội” và những “vị khách” từ bên kia đại dương
Do sự kiên cố về kiến trúc, từ năm 1964, Trại giam Hỏa Lò (ký hiệu là T141) được chọn là một trong những địa điểm ở Hà Nội để giam phi công Mỹ bị bắt. Thời kỳ này, các phi công Mỹ gọi Hỏa Lò bằng những tên hài hước là “Khách sạn Hilton Hà Nội” hay “Khách sạn Vỡ tim”.
Trại giam Hỏa Lò trong thời kỳ giam phi công Mỹ do Quân đội Việt Nam quản lý. Cơ cấu tổ chức của trại bao gồm: Trại trưởng, Trại phó (biết tiếng Anh) và Chính trị viên; Bộ phận Tham mưu (biết tiếng Anh) là tổ trưởng của các tổ quản giáo, làm nhiệm vụ tuyên truyền chính sách của Nhà nước Việt Nam qua hệ thống loa truyền thanh của trại, thẩm vấn những phi công mới bị bắt, kiểm tra thư của phi công gửi về gia đình…
Mỗi tổ quản giáo có từ 8 – 10 người, gồm có tổ trưởng, tổ phó và nhân viên quản giáo làm nhiệm vụ quản lý trực tiếp phi công. Hằng ngày, tổ chức cho họ thực hiện tốt nội quy của trại, giúp họ có nhận thức đúng về chính sách nhân đạo mà Chính phủ Việt Nam đối với phi công Mỹ. Ngoài ra, còn có Tiểu đội Hậu cần – Cấp dưỡng được chia làm hai bộ phận: một bộ phận phục vụ cho cán bộ, chiến sỹ của trại và một bộ phận phục vụ cho phi công Mỹ; đội cảnh vệ chuyên kiểm tra quân số và mở, đóng cửa trại giam; đội bảo vệ suốt ngày đêm canh gác bên trong và bên ngoài trại giam. Do yêu cầu công việc, các cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ quản lý phi công Mỹ phải giữ bí mật với chính người thân của mình.
Trong điều kiện đất nước có chiến tranh, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, hàng hóa hầu hết đều phải phân phối nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn áp dụng chính sách nhân đạo, tạo những điều kiện tốt nhất cho cuộc sống của những phi công Mỹ. Họ đã được chăm sóc với một chế độ đặc biệt thậm chí còn cao hơn so với cán bộ, chiến sỹ Việt Nam.
Phi công Mỹ được hưởng tiêu chuẩn ăn 1,6 đồng/ngày trong khi tiêu chuẩn ăn áp dụng cho các cán bộ, chiến sỹ là 0,68 đồng/ngày. Buổi sáng, họ thường được ăn bánh mỳ với sữa hoặc đường (những thứ hàng xa xỉ mà thời ấy, những người Việt Nam bình thường chỉ khi ốm đau mới được bồi dưỡng). Bữa trưa và chiều, suất ăn của họ là bánh mỳ kẹp trứng rán và một bát súp thịt hầm với khoai tây hoặc rau các loại. Những người nghiện thuốc lá, mỗi ngày được phát ba điếu Tam Đảo bao bạc (loại thuốc lá quý hiếm do miền Bắc sản xuất hồi đó). Trong trại giam, phi công Mỹ thường xuyên được tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí. Hằng ngày, họ được ra sân chơi bóng chuyền, bóng rổ, đọc sách báo, được nghe tin tức qua đài phát thanh mà trại tiếp âm hoặc chọn những phi công có giọng đọc tốt để đọc cho mọi người cùng nghe.
Việc chăm sóc sức khỏe cho phi công Mỹ được đảm bảo chu đáo, kịp thời. Ngoài việc được cứu chữa vết thương do nhảy dù sau khi máy bay bốc cháy, các bác sỹ ở Quân y viện 108, 103 và 354 đến khám và chữa bệnh cho họ theo định kỳ. Vì vậy, sau cú sốc ban đầu khi bị bắt, hầu hết phi công Mỹ nhanh chóng ổn định tinh thần. Nhiều người đã có ý thức tập luyện, thích nghi với điều kiện sinh hoạt mới, giữ gìn sức khỏe để đợi đến ngày được trao trả về nước.
Trung tá Thủy quân lục chiến Edison W. Miller chia sẻ về thời gian sống ở Hilton Hà Nội như sau: “Tôi không gặp vấn đề gì cả. Tôi biết đất nước các bạn còn nghèo… Vào một lần, quản giáo Việt Nam nói chuyện với tôi và tôi đã hỏi họ có thể cho thêm rau gia vị vào súp không, để món súp thêm hấp dẫn và tôi thấy thật tuyệt khi họ làm như vậy thật”.
Tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi họ cho mỗi người chúng tôi 3 điếu thuốc lá một ngày. Mỗi buổi sáng có 4 người đến phát thuốc lá cho chúng tôi… Tôi thường bảo mọi người mà tôi biết trong trại tập thể dục và tôi cũng tập thể dục hằng ngày”.
Bên trong bức tường đá của Trại giam Hỏa Lò, không còn những chuyến bay với B-52 mà chỉ có những khoảng lặng dành cho phi công Mỹ suy nghĩ lại những việc đã qua. Nhiều phi công khi bị bắt mới biết mình còn sống. Khi ở trong hầm trú ẩn, chính những phi công Mỹ đi ném bom gây tội ác đó lại sợ mình sẽ gặp nguy hiểm do chính bom của đồng đội ném xuống đất nước này.
Thiếu tá Hải quân John Harry Yuill (tham gia lái máy bay B52, bị bắt ngày 22/12/1972) đã nói lên những cảm nhận: “Đêm 26/12/1972, dưới hầm trú ẩn của Quân đội Việt Nam, tôi đã bịt chặt hai tai để không phải nghe tiếng nổ của B-52. Tôi tự hỏi: Cuộc đời mình không biết sẽ thế nào?. Thế mà trước đó, chính tôi đã bay trên những căn nhà này, đã ném bom xuống. Không biết đêm nay tôi có chết vì bom của chính đồng đội mình hay không?
Tận mắt chứng kiến những người chết, bị thương, những cảnh hoang tàn do bom tàn phá, những phi công tham gia chiến dịch Linebacker II đã nói lên những lời tự thú. Khi được đưa đến bệnh viện Bạch Mai để chứng kiến cảnh đổ nát sau khi bị bom rải thảm, Thiếu tá Không quân Carl H. Jeffcoat (bị bắt ngày 27/12/1972) cho biết: “Thế là rõ. Chúng tôi bị lừa. Chỉ có thể là như thế. Họ bảo chúng tôi là ném bom mục tiêu quân sự. Đánh liền bốn lần vào một bệnh viện lớn, với hàng chục tấn bom thì không thể gọi là nhầm lẫn được”. Từ Hỏa Lò, Carl H. Jeffcoat cũng bày tỏ mong muốn của mình: “Chúng tôi thiết tha mong rằng những người lãnh đạo của nước Mỹ chấm dứt ngay những cuộc ném bom này. Họ cần làm mọi việc để cuộc chiến tranh chấm dứt ngay, để chúng tôi sớm được trở về với gia đình”.
Còn Louis H. Bernasconi (Trung tá hoa tiêu B-52) đã hiểu ra sự thật của lệnh ném bom hủy diệt Hà Nội từ tổng thống Mỹ: “Ở trường huấn luyện đội ngũ người lái chiến đấu của Bộ Chỉ huy không quân chiến lược tại căn cứ ở California, người ta dạy chúng tôi rằng B-52 là để ném bom những mục tiêu cực lớn, những khu liên hợp quân sự rộng hàng chục dặm vuông. Những mục tiêu loại này ở Việt Nam không hề có. Tôi hiểu rằng dùng B-52 ném bom những vùng đông dân chính là để sát thương thật nhiều, nhằm mục đích gây sức ép”.
William W. Conlee (Trung tá điều khiển điện tử trên pháo đài bay B-52) thừa nhận: “Chúng tôi được đến tận nơi xem một dãy phố dài, một bệnh viện lớn. Chúng tôi rất ngạc nhiên và rất hổ thẹn. Chúng tôi bị cấp trên lừa. Vâng. Đúng là sự lừa dối. Họ bảo là mục tiêu quân sự, nhưng thật ra là vùng đông dân. Bom ném theo bản đồ được đánh dấu kỹ, không thể lầm lẫn!”.
Sự ám ảnh còn theo William W. Conlee trong những ngày bị giam ở Hỏa Lò: “Tôi cứ nhớ mãi quanh cảnh những hố bom giữa Hà Nội. Cái bảng lớn đề những dòng chữ màu đỏ và đen: “Đời đời ghi xương khắc cốt tội ác của giặc Mỹ” cứ ám ảnh tôi. Tôi biết rằng người Việt Nam lúc bắt tôi dù có đánh và xé xác tôi ra, chúng tôi cũng phải chịu.
Thế nhưng các ông không đối xử như thế. Vào đến đây, mọi suy nghĩ của chúng tôi bị đảo lộn. Đảo ngược hẳn. Cứ muốn giữ những hiểu biết và quan niệm cũ, nhưng thực tế lại khác. Đất nước chúng tôi trải qua một thời kỳ xấu, rất xấu”.
Trao trả phi công Mỹ theo Hiệp định Paris
Trước khi Quân đội Mỹ tiến hành cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương khác, ngày 25/9/1972, để bày tỏ thiện chí và mong muốn hòa bình, Chính phủ Việt Nam đã phóng thích tại Hà Nội một số phi công Mỹ như: phi công Markham Ligon Gartley (lái máy bay F4B, bị bắt ngày 17/8/1968); Trung úy Hải quân Norris Alfonso Charles (lái máy bay F4B, bị bắt ngày 30/12/1971); Thiếu tá Hải quân Edward Knight Elias (lái máy bay RF-4C, bị bắt ngày 20/4/1972). Thế nhưng, bội ước để vãn hồi tình thế, đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục leo những nấc thang phá hoại chưa từng có ở miền Bắc Việt Nam. Chỉ sau khi thất bại, ngày 27/01/1973, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Tin tức về Hiệp định Paris đã được lãnh đạo Trại giam Hỏa Lò công khai phổ biến cho các phi công Mỹ. Họ đều háo hức mong đợi đến ngày được trở về. Trong khoảng thời gian này, phi công được tự do ra sân chơi thể thao và tham gia nấu ăn theo sở thích.
Thực hiện theo nội dung của Hiệp định Paris, toàn bộ phi công Mỹ bị giam tại Trại giam Hỏa Lò và các địa điểm khác đã được Chính phủ Việt Nam trao trả cho Chính phủ Mỹ. Trước khi về nước, họ được nhận lại đủ tư trang và còn được Chính phủ Việt Nam trang bị những đồ dùng như: quần, áo, giày, túi xách… Phi công Mỹ cũng được tặng những món quà kỷ niệm về đất nước Việt Nam như: đôi dép cao su, nón Bài thơ, điếu cày, tranh…
Trong nhiều món quà mà Chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị dành tặng phi công Mỹ trước khi về nước, Hạ sỹ Lục quân Robert P. Chenoweth lại đề xuất với cán bộ trại giam cho ông xin một lá cờ Việt Nam để giữ làm kỷ niệm, vì theo ông: “Lá cờ trở thành biểu tượng đặc biệt cho tất cả những gì tôi học được trong quá trình bị giam giữ. Nó cũng giúp tôi nhớ về cuộc đấu tranh trường kỳ bảo vệ độc lập của Việt Nam”. Nhớ lại những ngày tháng cuối tháng 12/1972, ông kể: “Tôi ở Hỏa Lò rất ngắn, nhưng lại đúng những đêm máy bay B-52 ném bom. Tất cả mọi người đã rất lo sợ sẽ bị bom đánh trúng. Trong giai đoạn nguy hiểm đó, chính người người quản giáo đã trấn an, động viên và bảo vệ chúng tôi khỏi bom đạn”.
Lưu luyến trước khi về nước, có những trường hợp như phi công Alfonso Ray Riate (tên tiếng Việt là Trần Văn Te) còn viết thư và gửi tặng ông Trần Trọng Duyệt – Cán bộ Chỉ huy trại giam một chiếc tẩu hút thuốc lá được làm từ vỏ tuýp thuốc đánh răng với mong muốn mỗi lần ông hút thuốc vừa đỡ hại sức khỏe vừa nhớ đến mình. Có phi công còn ghi tên, địa chỉ nhà riêng gửi lại cán bộ quản giáo trại giam với hy vọng: Nếu như có điều kiện, họ rất mong được đón tiếp những người đã chăm sóc họ trong những tháng ngày ở Việt Nam ngay trên đất Mỹ.
Từ Trại giam Hỏa Lò, họ được đưa tới sân bay Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội bằng xe quân sự. Các đợt trao trả phi công Mỹ vào tháng 2 và tháng 3/1973 đều có sự giám sát của Ủy ban Liên hợp Quân sự bốn bên. Sau khi đại diện Chính phủ Việt Nam và đại diện Chính phủ Mỹ hoàn tất các thủ tục trao trả, các phi công bước lên những máy bay vận tải quân sự Lockheed C-141 Starlifter của Không quân Mỹ đã đậu sẵn tại sân bay Gia Lâm. Những chiếc máy bay làm nhiệm vụ chuyên chở tù binh hồi hương này còn được nhiều sử gia Mỹ gọi là “Taxi Hà Nội”.
Sau khi về nước, trước những tin đồn về tù nhân Mỹ ở Việt Nam bị đánh đập, tra tấn, đối xử tàn nhẫn, có những người như Đại tá Hải quân Walter Eugene Wilber đã trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Quốc gia Mỹ: “Tôi không hề bị đánh đập hay bị đối xử tàn nhẫn như những gì chúng tôi tưởng tượng trước đó”. Cuộc đối thoại của Walter Eugene Wilber cùng với sự nỗ lực của nhiều người khác đã góp phần làm thay đổi suy nghĩ của người dân Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Làn sóng phản đối chiến tranh của người dân Mỹ tiếp tục dâng cao và đạt được nhiều thành công.
Chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh, xây đắp tình hữu nghị
Ngay từ năm 1973, Chính phủ Việt Nam đã chủ động tìm kiếm và trao trả hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh. Năm 1989, Chính phủ Hoa Kỳ đã phối hợp với Việt Nam trong các hoạt động tìm kiếm. Những cuộc “trở về” này tuy không thật trọn vẹn, nhưng đã phần nào hàn gắn, xoa dịu những nỗi buồn thời chiến.
Kể từ năm 1995, quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng phát triển, đạt được nhiều bước tiến dài trên các lĩnh vực: chính trị, an ninh, quốc phòng, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư… Ngày hôm nay, nhiều phi công Mỹ quay trở lại Việt Nam gặp lại những “đối thủ” năm xưa, đồng thời cũng trở lại thăm Hỏa Lò bởi nơi đây đã trở thành một phần trong ký ức của họ. Những hoạt động này đã góp phần xây đắp sự hợp tác bền lâu, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ.
Hầu như mỗi lần sang Việt Nam, Thượng nghị sỹ John Sidney McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ đều dành thời gian đến thăm lại di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ông chia sẻ: “Tôi rất cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã đối xử tốt với tôi, một người đã từng tham chiến ở Việt Nam”. Từ một nhân vật “nổi tiếng” của Trại giam Hỏa Lò năm xưa, John Sidney McCain đã trở thành một nhà lãnh đạo, tích cực ủng hộ và thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ.
Trở lại thăm di tích Nhà tù Hỏa Lò, ông Douglas B. Peteson (Đại úy Không quân bị bắt, giam năm 1966 – 1973) ghi lại cảm tưởng: “Tôi đã rời Hỏa Lò 34 năm trước đây, sau 6 năm rưỡi bị bắt giam vì là tù binh trong chiến tranh Việt Nam. Tôi cũng rất hài lòng khi được góp phần thúc đẩy tình hữu nghị và sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.
Sau chiến tranh, tôi là Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam. Và cuối cùng, mong muốn của tôi đã trở thành hiện thực: hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành bè bạn và đối tác quốc tế”.
Thực hiện theo di nguyện cuối đời của người cha, Trung tá Hải quân Hoa Kỳ Thomas Eugene Wilber đã hai lần trao tặng cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò nhiều tư liệu, hiện vật quý. Sau khi tiếp nhận, đơn vị đã bổ sung vào nội dung trưng bày “Cuộc sống của phi công Mỹ trong Trại giam Hỏa Lò”. Cảm động trước sự đón tiếp chu đáo, chân thành của cán bộ, viên chức trong di tích, giờ đây chính Thomas lại trở thành “cộng tác viên đắc lực” giúp đơn vị kết nối với các cựu phi công Mỹ để sưu tầm tài liệu, hiện vật.
Khi kể về những kỷ niệm ở nơi mình từng bị giam, chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam đã áp dụng đối với phi công Mỹ, sự kiên cường của người Hà Nội trong chiến tranh, Hạ sỹ Lục quân Robert P. Chenoweth không kìm nổi những giọt nước mắt xúc động. Tất cả đã khiến cho ông cảm kích và hiểu hơn những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Ngày 29/11/2017, ông trao tặng cho Ban Quản lý Di tích những kỷ vật mang theo trong suốt thời gian ở Trại giam Hỏa Lò mà ông vẫn coi như báu vật: bát và đũa sử dụng trong bữa ăn hằng ngày, những chiếc quần, áo đã ngả màu theo thời gian, những đồ dùng được Chính phủ Việt Nam trang bị trước khi được trao trả: áo bludong, túi xách, đôi giầy, khăn mặt… và đặc biệt là lá cờ Việt Nam.
Trong các chuyến công tác tại Thủ đô Hà Nội, nhiều đoàn khách cao cấp của Chính phủ Hoa Kỳ đã chọn Di tích Nhà tù Hỏa Lò là điểm tham quan không thể thiếu như: Thống đốc bang Utal, Đoàn Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, Tư lệnh Lục quân Hoa Kỳ tại khu vực Thái Bình Dương… và gần đây nhất là chuyến thăm của Ngoại trưởng Rex Tillerson ngày 11/11/2017, Đại tướng Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ ngày 15/12/2017.
Với mong muốn, chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam đối với phi công Mỹ trong các trại tạm giam ở miền Bắc Việt Nam và “Hilton Hà Nội” (1964 – 1973) được lan tỏa đến nhân dân trên thế giới. Bằng tâm huyết và nỗ lực, trong những năm gần đây, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã đẩy mạnh công tác sưu tầm tư liệu, hiện vật có liên quan, tiến hành phỏng vấn, ghi hình các cán bộ, chiến sỹ đã từng công tác ở Trại giam Hỏa Lò để phục vụ công tác chỉnh lý trưng bày, nhằm truyền đi những thông điệp lịch sử khách quan, chân thực, đa chiều về cuộc sống sinh hoạt của phi công Mỹ (1964 – 1973).
Chiến tranh đã qua đi, nhưng ký ức về niềm vui chiến thắng vẫn còn đọng mãi. “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” không chỉ là ký ức hoang tàn, đổ nát của phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai hay ga Hà Nội, mà còn là dịp để phi công Mỹ nhớ lại về khoảng lặng trong cuộc đời, giúp mỗi người hiểu hơn về sự khốc liệt của chiến tranh, để cùng góp sức xây dựng Thế giới hòa bình, như lời của Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam Douglas B. Peteson nói: “Di tích Nhà tù Hỏa Lò có giá trị làm sống lại trong chúng tôi những ký ức chiến tranh. Nhưng giờ đây chúng ta đang cùng hướng về tương lai hòa bình”.

TS. Nguyễn Thị Bích Thủy

Trưởng ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Theo Thanglong.chinhphu.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *