Tin ngành

Hội thảo 500 ngày mất Dũng Quận Công Trần Chân và 480 năm ngày mất Bảo Huy Phi

Sáng 16/6, UBND phường La Khê phối hợp với Ban quản lý Di tích đình – chùa – bia Bà và dòng họ Trần (La Khê) đã tổ chức Hội thảo 500 ngày mất Dũng Quận Công Trần Chân (1518 – 2018) và 480 năm ngày mất Bảo Huy Phi (1538 – 2018). Tới dự […]

Sáng 16/6, UBND phường La Khê phối hợp với Ban quản lý Di tích đình – chùa – bia Bà và dòng họ Trần (La Khê) đã tổ chức Hội thảo 500 ngày mất Dũng Quận Công Trần Chân (1518 – 2018) và 480 năm ngày mất Bảo Huy Phi (1538 – 2018). Tới dự có PGS.TS Nguyễn Công Việt, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Nguyên Viện Trưởng Viện Hán Nôm; PGS.TS Nguyễn Hữu Thức, Nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa Nghệ thuật Ban Tuyên giáo Trung ương; Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Quốc hội; lãnh đạo phường La Khê cùng đông đảo con cháu họ Trần (La Khê) và họ Trần các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Quang cảnh Hội thảo

Tướng Trần Chân sinh ra vào cuối thế kỷ XV, ông xuất thân từ dòng dõi thế phiệt, thân phụ là Trần Thiện được phong chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, hàm Thái bảo. Từ nhỏ, cụ là người khỏe mạnh, trí dũng hơn người, chuyên cần luyện võ, trưởng thành theo nghiệp kiếm cung, đậu võ thí, nhận chức Đô lực sĩ và là người thân tín – con nuôi của Đại tướng quân Trịnh Duy Sản, vì có công trạng nên được phong tước Thiết Sơn Bá. Tướng Trần Chân dốc lòng phò tá vua Lê, vì xã tắc dẹp loạn Trần Cảo, dẹp loạn phe phái đoạt quyền hành, ổn định Kinh thành, nhất thời nắm quyền bính. Song vị tướng tài, tiết nghĩa, chân thật đã bị bọn gian thần ganh ghét hãm hại và bị giết năm 1518. 6 năm sau (năm 1524), vua Lê Cung Hoàng đã minh oan và truy phong tướng Trần Chân tước Dũng Quận Công – tước hàm cao nhất thời phong kiến.
Bà Trần Thị Hiền là con gái Tướng quân Trần Chân. Bà là một người con gái nết na xinh đẹp trở thành Thứ Phi của Vua Mạc Thái Tông. Bà sinh ngày 2/3 năm 1511. Năm Minh Đức thứ nhất (1527) thời Mạc Thái Tổ, bà được chọn làm Phi tử vào Đông cung cho Thái tử Mạc Đăng Doanh. Năm 1530, Thái tử lên ngôi vua, lập niên hiệu Đại Chính, bà được phong là Đệ nhị cung phi. Hai năm sau, bà sinh được Hoàng tử, nhưng từ đấy bị lâm bệnh, được vua cho về dưỡng bệnh ở quê nhà và cử Ngự y chữa trị chu đáo, song bà vẫn không qua khỏi và mất ngày 16/11/1538. Bà được triều đình tổ chức tang lễ trọng thể, xây mộ lập bia đá ở cánh đồng Đa Bang quê nhà. 480 năm đã qua, tấm bia đá vẫn tồn tại trong ngôi đền mới như một chứng tích sống động đi vào tâm thức của người dân La Khê, vào tín ngưỡng tinh thần của quảng đại nhân dân khu vực với tên gọi: Bia Bà.
Tại Hội thảo, các đại biểu còn được nghe các đại biểu đến từ Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Sử học tham luận về cuộc đời của Tướng Trần Chân và sự tích, phần mộ của Bảo Huy Phi Trần Thị Hiền. Thông qua Hội thảo giúp các đại biểu cũng như con cháu họ Trần (La Khê) hiểu rõ hơn về hai cha con vị tướng họ Trần, đồng thời định hướng giúp dòng họ Trần bảo tồn phát huy giá trị di tích thờ phụng Dũng Quận Công Trần Chân và Bảo Huy Phi đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân trên địa bàn cũng như các vùng lân cận.

Thùy Dương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *