Văn hóa

Bảo tồn không gian kiến trúc trường cổ

Tuần lễ kỷ niệm 110 năm trường THPT Chu Văn An (trường Bưởi) vừa kết thúc, không chỉ đánh dấu mốc cho lịch sử ngành giáo dục mà còn như lời nhắn gửi về không gian di sản kiến trúc mang tính biểu tượng của Hà Nội. Trường THPT Chu Văn An là trường trung […]

Tuần lễ kỷ niệm 110 năm trường THPT Chu Văn An (trường Bưởi) vừa kết thúc, không chỉ đánh dấu mốc cho lịch sử ngành giáo dục mà còn như lời nhắn gửi về không gian di sản kiến trúc mang tính biểu tượng của Hà Nội.

Trường THPT Chu Văn An là trường trung học công lập nổi tiếng ở Hà Nội. Được người Pháp thành lập năm 1908, tên chính thức Lycée du Protectorat (trường Trung học Bảo hộ) nhưng trường lại thường được biết tới với tên trường Bưởi, vốn được các học sinh dùng để thể hiện lòng yêu nước của mình. Ngày 28/10/2018, trường Chu Văn An đã tròn 110 tuổi, là một trong những ngôi trường phổ thông lâu đời và có truyền thống nhất của nền giáo dục Việt Nam. Với lối kiến trúc hoa lệ và độc đáo từ thời Pháp, trường Bưởi – Chu Văn An là niềm say mê, tự hào không chỉ của các thế hệ học sinh mà của cả những người ngoài trường.

Nhắc đến trường Bưởi – Chu Văn An không chỉ nhắc đến cái nôi của ngành giáo dục Thủ đô, mà còn là câu chuyện của một di sản về kiến trúc và lịch sử. Đây là ngôi trường duy nhất của Hà Nội từng được công nhận là di tích Văn hóa lịch sử cấp Quốc gia (năm 2004). Khi đã được bảo vệ dưới Luật Di sản, mọi thay đổi liên quan không gian kiến trúc đều phải đem ra bàn thảo, lấy ý kiến của ngành văn hóa. Việc một ngôi trường vẫn đang vận hành tốt theo công năng dạy – học lại được vinh danh như một di sản, với các yêu cầu khắt khe để gìn giữ, sẽ gây ra những lúng túng giữa bảo tồn và phát triển.
Thực tế, ở Hà Nội không chỉ có trường Bưởi – Chu Văn An được xây dựng lâu năm, các trường: TPHT Phan Đình Phùng, THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm, THCS Trưng Vương cũng tồn tại hơn 90 năm. Tuy nhiên, chưa có ngôi trường nào được xếp hạng. Cũng bởi vì xếp hạng một công trình mang tính chất đặc thù như trường học không phải dễ. Trường PTTH Phan Đình Phùng, bên cạnh những dãy nhà mang kiến trúc Pháp đặc trưng xây dựng từ thời cổ xưa, các ngôi biệt thự vốn dành để là khu vực hành chính… đã được “cấy ghép” nhiều công trình mới để đủ xếp chỗ giảng dạy và học tập. Nhiều người lo ngại, với sự quá tải của giáo dục như hiện nay, không gian trường cổ sẽ còn tồn tại được bao lâu?
Không phải nơi đâu cũng có điều kiện tạo dựng một không gian mới (334 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), bảo tồn không gian cũ (19 Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm) như Đại học Quốc gia Hà Nội. Hơn nữa, đề xuất dịch chuyển con người ra khỏi ngôi trường cổ cũng sẽ phần nào làm mất đi công năng, hay chính là phần cốt lõi của di sản không phải là giải pháp tốt. Trên thực tế, nhiều trường học ở nhiều TP lớn trên thế giới như trường Sorbonne (Pháp), Cambridge (Anh), Harvard (Mỹ) hay Lomonosov (Nga)… lối kiến trúc cổ xưa vẫn được giữ nguyên và công năng dạy học vẫn không thay đổi. Bởi chính không gian kiến trúc cổ xưa đã là một phần của lịch sử, văn hóa và trở thành hiện thân của truyền thống giáo dục, của niềm tự hào hay của tinh thần riêng cần kế tiếp trong đào tạo – những yếu tố vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục.
KTS Lê Thành Vinh – nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích từng khuyên Hà Nội, không nên cứng nhắc khi phân loại và tiếp cận các công trình trường cổ. Tiếp cận một di sản, dù được công nhận hay chưa, trước hết, phải tôn trọng và ứng xử khách quan, nhân văn. Để giải quyết những khó khăn trong việc trói buộc sự bảo tồn không gian kiến trúc trường học theo các quy định ngặt nghèo của Luật Di sản, cần có những danh sách khác, cách phân loại khác để khẳng định giá trị của các di sản phụ trợ thông qua việc bổ sung các quy định chi tiết hơn về di sản đô thị, các nhân tố cấu thành di sản đô thị.
Theo Kinh tế & Đô thị

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *