Các loại hình khác

Trao tặng danh hiệu cho 102 NSND, 377 NSƯT

Sáng 10/ 1, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, Bộ VHTT&DL đã long trọng tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 8.

Đến dự buổi Lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang; Đồng chí Phạm Quang Nghị – Ủy viên Bộ Chính trị, Phụ trách Đảng bộ Hà Nội; Ủy viên TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ – Vũ Đức Đam; Đồng chí Hoàng Tuấn Anh – Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, Chủ tịch Hội đồng cấp nhà nước xét tặng NSND, NSƯT và đại diện các Bộ, ban, ngành TƯ và đông đảo các nghệ sỹ.

4

Lễ Trao tặng NSND, NSƯT lần thứ 8 diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Danh hiệu NSND, NSƯT là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng cho những đại diện tiêu biểu của đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng, những người có lòng yêu nước nồng nàn, tâm huyết với nghề nghiệp, có tài năng nghệ thuật, có nhiều cống hiến to lớn, góp phần trực tiếp xây dựng và phát triển nền nghệ thuật cách mạng của đất nước, được đồng nghiệp và nhân dân tin yêu. Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sĩ, những người đã góp phần củng cố, chấn hưng và làm vinh quang nền nghệ thuật cách mạng, trong đó có những đóng góp tích cực của các NSND, NSƯT…”.

Trong lần xét tặng tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 8, về số lượng hồ sơ và kết quả xét tặng tại Hội đồng cấp nhà nước đã nhận được 114 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 416 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT từ 46 hội đồng cấp Bộ/ngành/tỉnh/ thành phố trực thuộc TƯ. Sau khi 5 Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước : Sân khấu, Âm nhạc, Múa, Điện ảnh, Phát thành truyền hình họp, xét, thảo luận hồ sơ theo từng chuyên ngành; có 105 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 386 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT đủ điều kiện trình Hội đồng cấp nhà nước. Ngày 20/8/2015, tại phiên họp Hội đồng cấp Nhà nước đã thảo luận dân chủ, khách quan, trách nhiệm về các hồ sơ trình lên Hội đồng. Hội đồng cấp nhà nước đã bỏ phiếu kín về từng hồ sơ và nhất trí trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước ra quyết định định phong tặng danh hiệu cho 102 nghệ sĩ nhân dân và 377 nghệ sĩ ưu tú.

5

Các nghệ sĩ cùng nhau chụp ảnh lưu niệm tại lễ Trao tặng.

Đặc biệt, tại đợt đợt xét tặng lần thứ 8 có các nghệ sĩ của 7 dân tộc anh em gồm Kinh, Thái, Ê Đê, Tày, Nùng , Khmer, Cơ Tu. Về độ tuổi cao tuổi nhất, về nghệ sĩ nam là 89 tuổi, thuộc lĩnh vực Âm nhạc là NSƯT Nguyễn Văn Hanh, nguyên Diễn viên hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Về nghệ sĩ nữ 85 tuổi, thuộc lĩnh vực Phát thanh – Truyền hình, là NSND Nguyễn Thị Tuyết nghệ sĩ ngâm thơ, Đài tiếng nói Việt Nam. Ít tuổi nhất là nghệ sĩ thuộc lĩnh vực Múa, 30 tuổi, là NSƯT Tạ Thùy Chi, Trường Trung cấp Múa TP.Hồ Chí Minh; NSƯT Đàm Hàn Giang, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam; NSƯT Đặng Linh Nga, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, TP. Hồ Chí Minh.

Đánh giá về công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 8, theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh cho biết: “ Trình tự, thủ tục, quy trình xét tặng tại các cấp Hội đồng được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 89/2014/NĐ/CP của Chính phủ và kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” lần thứ 8 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Các hồ sơ đề nghị xét tặng NSND, NSƯT đều được thực hiện qua 3 cấp Hội đồng gồm Hội đồng cấp cơ sở; Hội đồng cấp Bộ, tỉnh; Hội đồng cấp nhà nước. Trong đó, Hội đồng cấp Nhà nước được thực hiện qua 2 bước xét: Hội đồng chuyên nghành cấp Nhà nước và Hội đồng cấp nhà nước. Các nghệ sĩ chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ duy nhất từ Hội đồng cấp cơ sở. Hồ sơ gốc của nghệ sĩ được gửi lên Hội đồng cấp trên; việc sao lưu hồ sơ tại các cấp Hội đồng do các đơn vị thực hiện. Quy định này giảm thiểu phiền hà cho nghệ sĩ; đảm bảo thực hiện cải cách hành chính theo quy định”.

6

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh cùng các NSND – Ảnh: Nam Trần.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã khẳng định: “Những năm qua, anh chị em văn nghệ sĩ đã kế thừa và phát huy chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa của dân tộc, gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, là những cán bộ, chiến sĩ tài năng trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, thống nhất đất nước và sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao tinh thần ao động sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sĩ – những người đã góp phần củng cố, chấn hưng và làm vinh quang nên nghệ thuật cách mạng, trong đó có những đóng góp tích cực của những NSND, NSƯT”.

Cũng theo Chủ tịch nước, hiện nay, trong bối cảnh tình hình hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa, sự bùng nổ của các phương tiện thông tin, truyền thông, truyền bá sản phẩm nghệ thuật, công nghệ giải trí diễn ra mạnh mẽ trên thế giới; các cường quốc sử dụng “sức mạnh mềm” để cạnh tranh mở rộng ảnh hưởng vai trò chi phối của mình. Các thế lực xấu tiếp tục tăng cường các hoạt động “diễn biến hòa bình”, các hành động xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá sự nghiệp cách mạng đất nước, tình trạng suy thoái về tư tưởng, an ninh văn hóa của đất nước; tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phán cán bộ, đảng viên và mặt trái của cơ chế thị trường tác động tiêu cực, làm nảy sinh những khuynh hướng lệch lạc trong sáng tác, biểu diễn của một số văn nghệ sĩ và thị hiếu của một bộ phận công chúng. Những điều này đang đặt ra cho lĩnh vực nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ nước ta những thời cơ và thách thức lớn.

7

Các nghệ sĩ của Đoàn ca múa nhạc công an nhân dân.

Đảng, Nhà nước, nhân dân ta mong muốn, tin tưởng rằng, các văn nghệ sĩ sẽ tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trí tuệ, bản lĩnh, tài năng và phẩm chất đạo đức, kế thừa và phát huy truyền thống vinh quang của văn nghệ sĩ cách mạng của văn hiến Việt Nam, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao, có những tác phẩm mang tầm thời đại, xây dựng nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, truyền bá các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Chủ tịch nước chia sẻ, mong rằng các văn nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu cao quý NSND, NSƯT hôm nay tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong hoạt động nghệ thuật; hỗ trợ và giúp đỡ các nghệ sĩ trẻ trưởng thành, kế tục xuất sắc truyền thống. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng yêu cầu các Bộ, ngành địa phương đặc biện là Bộ VHTT&DL – cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 33 – NQ/TƯ Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các văn nghệ sĩ phát huy tài năng, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình, có những đóng góp to lớn hơn nữa cho đất nước.

Hoàng Ngân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *