Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm phát triển toàn diện con người, giữ gìn và phát huy giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội trong công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đó cũng là vấn đề đặt ra tại hội thảo “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức sáng 3/6 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Với vị thế là Thủ đô, Hà Nội được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tập trung đầu tư về mọi mặt để phát triển thành trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Vì vậy, Hà Nội có trách nhiệm cao trong việc chủ động nhận thức “phát triển văn hóa là ưu tiên hàng đầu của Thủ đô” và điều này đã được triển khai và đi vào thực tiễn “văn hóa đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội”. Hà Nội đã tiên phong thực hiện, vận dụng sáng tạo, từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát huy các tiềm năng, thế mạnh nội sinh.
Hiện nay, thành phố Hà Nội đề ra việc xây dựng con người văn minh cũng có nghĩa đòi hỏi mọi người phải luôn vươn lên tầm cao mới của văn hóa. Đặc trưng nổi trội của người Hà Nội được đúc kết qua hàng ngàn năm lịch sử, đó là thanh lịch. Thanh lịch không chỉ là biểu hiện bên ngoài mà còn chứa đựng cái cốt lõi của bản sắc dân tộc.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đã đánh giá thành công nổi bật và những hạn chế trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong giai đoạn 2015 – 2020; dự báo những khó khăn, những vấn đề đặt ra trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Những khâu đột phá, những điểm mới so với Đại hội XVI trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đáp ứng tình hình mới của Thủ đô và đất nước. Thông qua đó, các đại biểu đã nêu quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Theo PGS.TS Trương Quốc Bình – Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia cho rằng, những thành tựu bước đầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá cùng những bối cảnh mới trong thời kỳ hội nhập ở nước ta hiện nay đã và đang tạo ra những điều kiện thuận lợi cùng những thách thức mới, xác định những trách nhiệm nặng nề hơn của sự nghiệp bảo vệ và phát huy các di sản văn hoá ở nước ta hiện nay nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng… Và sự đặc sắc của kho tàng di sản văn hoá Hà Nội góp phần không nhỏ trong sự hình thành những phẩm giá chung của người Việt Nam và là một trong những yếu tố có bản để Hà Nội xứng đáng là “Thành phố vì Hoà bình”. Kho tàng di sản văn hoá độc đáo và phong phú, đa dạng của Hà Nội cũng đồng thời là những tài nguyên du lịch hấp dẫn tạo nên những lợi thế và tiềm năng to lớn của du lịch Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ – Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thì cho rằng, để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, Hà Nội cần tiếp tục xây dựng sâu rộng những phẩm chất yêu nước, trách nhiệm, tâm huyết với Thủ đô. Thành phố cũng cụ thể hóa các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan, đơn vị, trong mỗi gia đình và mọi tầng lớp nhân dân.
Cũng theo các đại biểu, xây dựng ứng xử văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong thời điểm Hà Nội đang tiếp thu giao thoa nhiều hình thái văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong dòng chảy văn hóa, người Hà Nội đang cố gắng gạn đục khơi trong, kiên trì thu nạp và dung hòa giữa cái cũ và cái mới, giữ gìn tác phong, lề lối, cách nghĩ hiện đại bên cạnh nề nếp ứng xử của người Kẻ Chợ xưa.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý đã khẳng định các ý kiến đóng góp tại Hội thảo đã sự nhận thức, tinh thần trách nhiệm, vai trò của Đảng bộ, chính quyền thành phố Hà Nội về phát triển văn hoá, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh – một trong những nhiệm vụ chủ yếu, quyết định sự phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.
Phát triển văn hoá, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh có nhiều mặt tiến bộ, Hà Nội đã chăm lo phát triển văn hoá, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh ngay từ trong nhà trường; thực hiện giảng dạy bộ tài liệu về Người Hà Nội thanh lịch, văn minh được triển khai từ lớp 1 cho đến lớp 12. Gần đây, Hà Nội đã xây dựng 02 bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng và trong các cơ quan Thành phố đã bắt đầu bám rễ vào cuộc sống và đã có những chuyển biến bước đầu tích cực. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống và sáng tạo các giá trị văn hoá của thời đại mới, phát huy văn hoá vật thể, phi vật thể, xử lý hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, vừa chăm lo xây dựng con người để phát triển văn hoá và phát triển văn hoá để xây dựng, hoàn thiện nhân cách con người làm cho văn hoá thấm sâu vào các mối quan hệ của con người với tự nhiên, với xã hội, lịch sử, tổ tiên, dòng họ, gia đình và chính bản thân mình.
Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong việc chăm lo sự nghiệp phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nhiều phong trào thi đua yêu nước của các ngành, các cấp, các địa phương, nhiều mô hình hay, điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt… được nhân rộng, biểu dương, tôn vinh, đặc biệt trong kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 hàng năm. Tại các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới cũng đi vào thực chất, có chiều sâu. Sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố không chỉ đầu tư thoả đáng cho công tác lãnh đạo, quản lý trong nguồn nhân lực đào đạo cán bộ văn hoá, cho nhân tài, vật lực. Ngân sách hàng năm dành 3-5% để xây dựng các thiết chế văn hoá từ cơ sở cho đến Thành phố và cao hơn mức trung bình của cả nước. Do vậy trên nhiều mặt, Hà Nội vẫn giữ được vị trí trung tâm văn hoá, giáo dục, khoa học của cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì cùng với thực trạng chung của cả nước, sự nghiệp phát triển văn hoá, xây dựng Người Hà Nội của Thủ đô cũng có nhiều mặt chưa thực sự thành công, có những tồn tại, hạn chế. Đó là bảo tồn, phát huy giá trị di tích còn hạn chế và nhiều di tích còn xuống cấp, tu bổ chưa kịp thời. Hệ thống thiết chế văn hoá từng bước được đầu tư, phát huy được hiệu quả nhưng việc khai thác để có hiệu quả hơn hiện nay, nhất là cấp xã, cấp huyện thì còn hạn chế. Nếp sống văn minh được quan tâm chỉ đạo, tuy nhiên chuyển biến còn chậm, việc chấp hành và nhận thức về pháp luật chưa tốt ở một số bộ phận dân cư. Xây dựng mô hình văn hoá triển khai vẫn còn hình thức, việc ngăn chặn các thông tin trái chiều, văn hoá chưa phù hợp trên hệ thống mạng xã hội, internet vẫn còn hạn chế và còn nhiều hạn chế khác đã được nêu trong các tham luận. Nguyên nhân có thể đặt ra là do ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường và nhiều tác động thiếu tích cực mà chưa có giải pháp hạn chế. Đầu tư cho văn hoá đã được quan tâm nhưng vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã quyết liệt nhưng vẫn chưa được như mong muốn dẫn đến các hạn chế xảy ra.
Các tham luận tại Hội thảo đã dự báo tình hình, phân tích yếu tố tác động sắp tới với sự phát triển văn hoá, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Người Hà Nội văn minh đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, của xây dựng chính quyền đô thị, của xây dựng Thành phố thông minh và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững trong quá trình đô thị hoá với dân số cơ học tăng nhanh sẽ là áp lực về kết cấu hoạt động kỹ thuật xã hội, áp lực trong giải quyết các vấn đề giáo dục, y tế, giao thông, văn hoá, con người.
Các tham luận cũng đã kiến nghị cho Thành phố về việc nhận thức sâu sắc hơn nữa bản chất con người để xây dựng Người Hà Nội thanh lịch văn minh – về con người, nhân tố quyết định cho sự phát triển của nguồn nhân lực văn hoá và nguồn lực phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô Hà Nội, tư duy mới về phát huy văn hoá với tư cách là nguồn lực cho sự phát triển của chính văn hoá và sự phát triển của kinh tế – xã hội. Đầu tư và lựa chọn phát triển các lĩnh vực trong công nghiệp văn hoá, công nghiệp sáng tạo, những thiết kế sáng tạo, nghệ thuật thủ công và nghệ thuật dân gian, văn hoá ẩm thực, phim ảnh, âm nhạc, nghệ thuật truyền thống, văn học, du lịch… Các ý kiến sẽ là cơ sở chuẩn bị cho đánh giá thực hiện phát triển văn hoá giai đoạn 2015-2020 và chuẩn bị đề xuất các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hoá trong giai đoạn 2020-2025 và các năm tiếp theo.
Tô Nga
Theo MaskOnline