Tin tức - Sự kiện

Hội thảo khoa học nhận diện các sản phẩm công nghiệp văn hóa Thủ đô 

Ngày 15/12, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nghiên cứu, xác định một số sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa Thủ đô cần ưu tiên phát triển trong tình hình mới”, nhằm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về việc phát triển công nghiệp văn hóa.

Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo được điều hành bởi TS. Lê Ngọc Anh, Thành ủy viên, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Thành phố và khách mời GS. TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận về việc nhận diện các sản phẩm/dịch vụ công nghiệp văn hoá (CNVH) Thủ đô ưu tiên phát triển; Đặc điểm, phân loại, nội dung các chủ đề, các yếu tố cấu thành sản phẩm/dịch vụ CNVH; Cơ sở khoa học xây dựng Bộ tiêu chí xác định sản phẩm/dịch vụ CNVH của Thủ đô ưu tiên phát triển; Định giá thực trạng và đề xuất quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp ưu tiên phát triển một số sản phẩm/dịch vụ công nghiệp văn hóa Thủ đô trong tình hình mới.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Lê Ngọc Anh nhấn mạnh, Hội thảo là một trong những bước cụ thể hoá Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị, những tư tưởng chỉ đạo quan trọng của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đặc biệt là của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc “Văn hóa là thực sự là nền tảng, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế, đặt văn hoá ngang hàng với kinh tế và các lĩnh vực trọng yếu khác của đất nước”.
Để thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, UBND Thành phố đã xây dựng Kế hoạch 217/KH-UBND, trong kế hoạch đã xác định “Ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của Thành phố. Kế hoạch 217/KH-UBND của UBND Thành phố cũng đã lựa chọn 03/06 ngành, trong tổng số 13 ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội, trước mắt trong tình hình mới cần thiết ưu tiên phát triển là: Du lịch văn hóa, Ẩm thực, Nghệ thuật biểu diễn.
Đóng góp ý kiến cho Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội cho biết là địa phương đầu tiên trong cả nước có Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về phát triển CNVH. Để tạo sự phát triển bứt phá, ổn định, bền vững những sản phẩm, dịch vụ được lựa chọn ưu tiên trong ba ngành CNVH nói trên cần bảo đảm 10 điểm như: Sản phẩm và dịch vụ văn hóa phải có tiềm năng, lợi thế phát triển cao; Đã có uy tín, gây ấn tượng, quan tâm, ưu thích của nhiều người; Có tiếng vang, tính đại diện, mang đậm bản sắc văn hóa Hà Nội; Có khả năng quảng bá, phổ biến sản phẩm, dịch vụ và tiêu dùng rộng rãi trong nước, khu vực và quốc tế; Góp phần định hướng phát triển văn hóa thẩm mỹ cho thanh, thiếu niên; Góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc; Có khả năng mở rộng quy mô và sức cạnh tranh cao; Có tính độc đáo với thương hiệu riêng; Có khả năng liên kết trong sản xuất, phổ biến, tiêu dùng và xuất khẩu sản phẩm; Tạo ra và đóng góp giá trị kinh tế và giá trị văn hóa cho thành phố (quy mô số lượng lao động, số lượng doanh nghiệp, mức đóng góp thuế trong GRDP, tác động tới tư duy, thái độ, hành vi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ, khơi thông 7 rào cản, điểm nghẽn để phát triển được ngành CNVH.
PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ đóng góp ý kiến tại Hội thảo
PGS.TS Trần Thị Ngọc Quyên, chuyên gia đến từ Đại học Ngoại thương cho rằng để phát triển CNVH rất cần nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý ngành văn hóa thông qua đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Mấu chốt là phải thay đổi nhận thức, tư duy về cách làm, cách quản lý để phát huy tốt tiềm năng sẵn có về văn hóa, di tích lịch sử của Thủ đô.
PGS.TS Nguyễn Đăng Minh gói gọn trong 5 tiêu chí để phát triển CNVH, phải đảm bảo phục vụ du khách xem gì, ăn gì, chơi gì, mua gì và thẩm thấu được điều gì mang về từ Hà Nội. Một số nước tiên tiến như Nhật Bản, sau khi đất nước phát triển, lại quay về chú trọng phát triển văn hóa truyền thống. Hà Nội nên đi theo hướng đó, vực dậy những nét văn hoá truyền thống của Thủ đô.
PGS.TS Nguyễn Đăng Minh phát biểu tại Hội thảo
Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng sản phẩm văn hoá khác với dịch vụ. Sản phẩm văn hóa có tính bền vững, còn dịch vụ là đơn thuần giải quyết nhu cầu sở thích của con người. Một sản phẩm văn hóa thu hút, là đỉnh cao về nghệ thuật, sáng tạo thì phải có sự chuẩn bị chu đáo. Bên cạnh đó cần phải thay đổi nhận thức của các cơ quan quản lý lĩnh vực văn hóa rằng sản phẩm văn hóa phải đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của công chúng. Các cơ chế hiện nay đang bó buộc việc phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa, do đó cần phải có sự hợp tác công-tư để phát triển CNVH.
Nhạc sĩ Quốc Trung phát biểu tại Hội thảo
Đồng quan điểm đó, TS Nguyễn Viết Chức cho rằng, cần tăng cường hợp tác công tư, CNVH muốn phát triển tốt phải kết hợp công tư tốt. Ngoài ra Hà Nội phải có cơ chế thu hút những nghệ sĩ, những con người sáng tạo bằng quy định về quyền hạn, trách nhiệm đi kèm với quyền lợi và sự vinh danh, công nhận công sức đóng góp của họ.

 

Thu Uyên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *