Văn hóa cơ sở

Đan Phượng tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2023

Để đảm bảo việc quản lý và tổ chức lễ hội đúng quy định của pháp luật; phù hợp với thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân; bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và du lịch trên địa bàn, UBND huyện Đan Phượng đã ban hành kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội năm 2023.

Theo đó, UBND huyện Đan Phượng yêu cầu việc tổ chức lễ hội phải trang trọng, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả. Không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ gây cháy, nổ, làm mất an ninh, trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Tổ chức lễ hội phù hợp với quy mô, điều kiện thực tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của địa phương, của dân tộc. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khi tham gia lễ hội, nghiêm túc thực hiện các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của người tham gia lễ hội với ý thức tôn trọng, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, giá trị của di tích. Có phương án để triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố; đồng thời thực hiện nghiêm quy trình phòng chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Việc tổ chức lễ hội phải trang trọng, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả.

Đối với địa phương có lễ hội lớn (lễ hội liên xã hoặc lễ hội có tổ chức rước), UBND cấp xã phải báo cáo với UBND huyện trước 30 ngày dự kiến tổ chức lễ hội; xây dựng kế hoạch, chương trình chi tiết; thành lập Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội với đầy đủ các thành phần để chỉ đạo, quản lý và điều hành phù hợp với quy mô, tính chất của lễ hội. Các địa phương tổ chức lễ hội truyền thống theo định kỳ hàng năm, UBND cấp xã quản lý theo quy định, đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, có ý nghĩa.
Phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi lợi dụng lễ hội để tuyên truyền đạo trái phép, hoạt động mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu, bói toán, xóc thẻ. Giữ gìn trật tự an toàn xã hội, không để ách tắc giao thông, xây dựng nếp sống văn minh, đảm bảo công tác phòng dịch trong lễ hội.
Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội có phương án quản lý hòm công đức; bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lẻ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích. Không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh đó, UBND huyện Đan Phượng cũng yêu cầu đẩy mạnh, đa dạng hóa các nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền nâng cao về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, Chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội và mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn thực hiện có hiệu quả Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Tuyên truyền, giới thiệu nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật thờ phụng, tôn vinh; về giá trị lịch sử của di tích, ý nghĩa của lễ hội. Thực hiện nếp sống văn minh, hạn chế việc thắp hương, đốt vàng mã trong khu di tích.
UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tổ chức và quản lý lễ hội diễn ra trên địa bàn. Quy hoạch, quản lý và tổ chức tốt các dịch vụ diễn ra trong lễ hội. Đảm bảo an ninh, trật tự và công tác vệ sinh môi trường trước, trong và sau lễ hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động dịch vụ trong lễ hội. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục thể thao, vui chơi giải trí phục vụ lễ hội…

Bùi Phương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *