Văn hóa cơ sở

Huyện Thanh Trì nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy tại các di tích lịch sử văn hóa  

Các học viên được trang bị các kiến thức đồng thời thực hành kỹ năng phòng cháy chữa cháy. Với sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ, chiến sỹ Đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an huyện, các học viên đều sử dụng tốt các dụng cụ chữa cháy để khống chế đám cháy kịp thời.

Nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm xử lý khi có tình huống cháy, nổ xảy ra, vừa qua, UBND huyện Thanh Trì tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện. Tham dự tập huấn gồm lãnh đạo các phòng ban, tổ chức chính trị – xã hội huyện; lãnh đạo UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam, Trưởng Công an, Công chức văn hóa, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng Ban công tác mặt trận, Sư trụ trì các chùa trên địa bàn 16 xã, thị trấn.

Các học viên được trang bị các kiến thức đồng thời thực hành kỹ năng phòng cháy chữa cháy

Ảnh: Phương Xuyến

Tại buổi tập huấn, các học viên được Thiếu tá Nguyễn Văn Quảng – Phó Đội trưởng, Đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an huyện Thanh Trì thông tin về tình hình một số vụ cháy lớn đã xảy ra trong nước, thành phố Hà Nội và huyện Thanh Trì, nhất là những vụ cháy điển hình liên quan đến cơ sở thờ tự; những quy định của pháp luật về công tác phòng cháy chữa cháy; giải pháp phòng cháy chữa cháy điện, khí ga; kỹ năng thoát nạn; trách nhiệm, giải pháp đảm bảo phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở thờ tự, di tích; các bước xử lý khi có sự cố cháy nố xảy ra…

Sau phần lý thuyết, các học viên được thực hành theo phương án giả định đám cháy, sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ: Dùng bình bột, bình khí CO2 để dập tắt đám cháy… Với sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ, chiến sỹ Đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an huyện, các học viên đều sử dụng tốt các dụng cụ chữa cháy để khống chế đám cháy kịp thời.

Trên địa bàn huyện Thanh Trì hiện có 154 di tích lịch sử văn hóa. Trong đó có 23 di tích xếp hạng cấp thành phố, 65 di tích xếp hạng cấp quốc gia. Các di tích này thường có đặc điểm kiến trúc theo lối cổ với nhiều cấu kiện gỗ và vật liệu dễ cháy như: Vàng mã, hương, nến, vải… tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy.

Trong thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Công an huyện Thanh Trì  xây dựng kế hoạch, phối hợp thành lập các đoàn kiểm tra hệ thống điện, cách bố trí tài sản, hàng hóa, phương tiện, lối thoát hiểm, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt tại các nơi thắp hương, hóa vàng mã và tình trạng, khả năng hoạt động của phương tiện phòng cháy chữa cháy  tại chỗ; Trách nhiệm người đứng đầu cơ sở, ban quản lý di tích trong việc thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho người làm việc trong các di tích để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra.

Thanh Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *