Văn hóa

Văn hóa Thủ đô hôm nay – Sự chắt lọc và hòa nhập tương tác từ các vùng văn hóa truyền thống

Lược ghi ý kiến phát biểu của nhà thơ BẰNG VIỆT, nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT TP Hà Nội tại Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội […]

Lược ghi ý kiến phát biểu của nhà thơ BẰNG VIỆT, nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT TP Hà Nội tại Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội (1/8/2008 – 1/8/2018) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, diễn ra sáng 28-7.

(…) Tròn 50 năm đã hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật Hà Nội tính từ tác phẩm xuất bản đầu tiên; tôi cảm nhận sâu sắc về vận hội mới mà Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội đã mở ra cho Thủ đô, nâng diện tích Thủ đô lên tầm vóc của 17 thủ đô lớn nhất thế giới; tuy nhiên, điều quan trọng đối với văn hóa và tâm linh con người thì Thủ đô hiện nay đã ôm trọn trong mình thế mạnh của cả hai vùng đất “địa linh nhân kiệt” tự ngàn đời, hai vùng văn hóa lớn là Thăng Long và Xứ Đoài cùng một số vùng phụ cận.

Vùng văn hóa Thăng Long, cái nôi của nền văn hóa dân tộc, hình thành cùng nền văn minh sông Hồng, được đắp bồi, kết tinh qua các triều Lý – Trần -Lê tràn đầy nội lực và hào khí dân tộc. Còn với vùng văn hóa Xứ Đoài mà cốt lõi là Hà Tây cũ thì trong dân gian đã từng có câu ca dao mới (từ thế kỷ trước):

“Một vùng trời đất gấm hoa,
Nhìn vào quê lụa, nhìn ra kinh kỳ,
Ngàn năm văn vật đâu bì,
Hà Tây, Hà Nội đi về có nhau!”

Du khách trẩy hội chùa Hương trong dịp đầu xuân. Ảnh: Khánh Huy
Người Việt xưa từng liệt kê ra ba vùng đất có truyền thống lâu đời nhất về văn minh và văn vật đáng được “liệt hạng” trong quá trình phát triển kinh tế – văn hóa, với câu nói ngắn gọn: Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Sở. Đất Cổ Bi là vùng đất bao quát cả phía bắc châu thổ sông Hồng, được khai phá từ thời Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc, trải xuống vùng Kinh Bắc có trung tâm văn hóa Luy Lâu xưa; còn Cổ Loa thì vốn là kinh đô thời An Dương Vương, mở rộng xuống phía Nam, ôm trùm lấy khu vực thành Đại La, tức kinh đô Thăng Long sau này; đến Cổ Sở là vùng đất Xứ Đoài, nơi còn giữ mãi khá lâu bền những tên làng tối cổ, còn gọi tắt là vùng So Sở. Ngoài hai dải đất Cổ Loa và Cổ Sở, Thủ đô hôm nay còn có thêm một phần vùng Kinh Bắc xưa, vùng Sơn Nam Thượng và Hòa Bình. Văn hóa Thăng Long chính là nơi hội tụ và kết tinh mọi ưu thế chọn lọc của tứ phương đất nước, nơi “đệ nhất kinh kỳ”, vùng đất học vấn và khoa cử của các triều đại phong kiến tự chủ, đồng thời cũng là nơi phát triển buôn bán giao thương lâu đời, tập hợp nên các phường hội, các làng nghề thủ công tinh xảo. Vùng văn vật Xứ Đoài cùng một số vùng thuộc Kinh Bắc, Hòa Bình và Sơn Nam Thượng thì trải rộng miên man cùng những tên làng xã cổ xưa, gợi lên ấn tượng đa dạng về các giá trị văn hóa từ truyền thuyết; các làng nghề phong phú với các lễ hội dân gian nhiều màu sắc, các sân khấu chèo, rối nước độc đáo cùng biết bao di tích, đình chùa, đền miếu lâu đời.

Thủ đô hôm nay hội tụ tinh hoa văn hóa tâm linh của dân tộc, riêng kể đến bốn vị Thánh được lưu danh vào hàng “Tứ bất tử” của nước ta, thì ba vị đã có xuất xứ từ Thủ đô, đó là Thánh Gióng dẹp tan giặc Ân, người gốc Phù Đổng Gia Lâm và hai vị từ Xứ Đoài nữa, là Tản Viên Sơn Thánh – thượng đẳng phúc thần từ thời lập nước, và Chử Đồng Tử – chàng trai nghèo có mối tình đẹp như mơ với công chúa Tiên Dung, sau đắc đạo, nổi danh trong đạo Phật và đạo Lão.

Sau khi hợp nhất Hà Tây, 1 huyện của Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) vào Hà Nội, Thủ đô rộng lớn của chúng ta trở thành địa phương giàu có nhất nước về di sản văn hóa, gồm 5.922 di tích, có1 Di sản văn hóa thế giới (Hoàng thành Thăng Long), 3 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho văn hóa nhân loại; 1 Di sản tư liệu thế giới; 12 di tích Quốc gia đặc biệt và trên một nghìn di tích Quốc gia. Hà Nội cũng được xếp hàng đầu cả nước về việc tổng kiểm kê có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.

Trong dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, thành phố đã cho triển khai Đề án biên soạn “Tủ sách Thăng Long 1000 năm văn hiến”, có quy mô đồ sộ gồm 150 cuốn, việc biên soạn trải dài trong 10 năm (2008- 2018), bao quát các thành tựu chính trị, lịch sử, văn hóa – giáo dục và văn học – nghệ thuật Thủ đô qua 10 thế kỷ. Việc biên soạn Tủ sách đã tập hợp được một đội ngũ tiêu biểu gồm hàng trăm nhà khoa học, các giáo sư, trí thức văn nghệ sĩ cả Hà Nội và Hà Tây (cũ), tham gia và đạt chất lượng cao. Cũng trong 10 năm qua, Thủ đô đã hoàn thành bộ Từ điển lớn quý giá gồm18 tập là “Bách khoa thư Hà Nội”.

Với tài nguyên văn hóa, lịch sử phong phú, giàu nhân văn của mình, thành phố đã đẩy mạnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, lấy du lịch văn hóa làm cốt lõi, góp phần tăng trưởng kinh tế du lịch, thể hiện qua số lượng du khách nước ngoài tới Thủ đô đã tăng lên 4 lần so với 10 năm trước.

Làng Đường Lâm là làng cổ đầu tiên ở nước ta được trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia hiện thu hút rất đông khách đến tham quan.
Các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Thủ đô với cả nước cũng như quốc tế được đẩy mạnh, có nhiều khởi sắc theo hướng hiệu quả và thực chất. Thủ đô đã tổ chức và đăng cai nhiều sự kiện văn hóa gây tiếng vang trong nước và quốc tế, quảng bá tiềm năng của văn hóa Thăng Long – Hà Nội, kết hợp các giá trị văn hóa truyền thống được chắt lọc, kết tinh từ các vùng văn hóa Xứ Đoài, xứ Đông, xứ Bắc…, tạo thế mạnh tổng hợp, vừa hội nhập, vừa giữ gìn và phát huy mọi giá trị truyền thống sáng giá. Nét đẹp văn hóa và con người Hà Nội được thể hiện trong Tuần Văn hóa Hà Nội với các hoạt động sôi nổi: tại Matxcơva (Nga), Paris, Toulouse và vùng Ille de France (Pháp), Fukuoka (Nhật Bản), trong các Liên hoan phim quốc tế, Chương trình lễ hội Âm nhạc quốc tế “Gió mùa”, Lễ hội Áo dài v.v… Hà Nội cũng hợp tác cùng các tỉnh thành cả nước tổ chức: Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam, Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên, Lễ hội hoa Tam giác mạch, Lễ hội Hoa ban Điện Biên, Festival Hoa Đà Lạt,v.v…Trong hoạt động VHNT, giới văn nghệ sĩ Hà Nội duy trì đều đặn việc cùng tổ chức triển lãm, trại sáng tác, xuất bản ấn phẩm chung, hội thảo VHNT chung với 5 vùng đất kinh đô xưa và nay (gồm Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa và Huế) và sinh hoạt VHNT giao lưu vớí các tỉnh kết nghĩa.

Sau 10 năm, chúng ta vui mừng nhận thấy sự hòa quyện giữa vùng đất văn hiến Thăng Long với tinh hoa văn hóa Xứ Đoài cùng các vùng văn hóa khác được gìn giữ tốt đẹp, phát huy thế mạnh cùng Thủ đô tiến lên văn minh, hiện đại. Đời sống vật chất được tăng cao cùng với việc bồi đắp đời sống tinh thần, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân được nâng lên. Các lễ hội dân gian được chú trọng đi sâu vào bản chất, tước bỏ các yếu tố mê tín dị đoan, tự nhiên chủ nghĩa, phô trương hình thức, lãng phí…để phù hợp với phong tục mới.

Khi gắn kết văn hóa Xứ Đoài vào với văn hóa Thăng Long, có ý kiến lo lắng rằng hai vùng đất văn hóa lớn như vậy, nếu cùng cộng hưởng, giao thoa, thẩm thấu vào nhau thì mỗi bên có bị tổn hại, có bị phai nhạt đi bản sắc văn hóa của mình không? Nhưng thực tiễn đã cho thấy, lực lượng trí thức văn nghệ sĩ, nghệ nhân… làm văn hóa của cả Hà Nội và Hà Tây (cũ) đều rất gắn bó, hòa đồng, kề vai sát cánh mở rộng giao lưu, trao đổi, hợp tác, phát huy hết tiềm năng và sức sáng tạo của mình, nâng hoạt động văn hóa Thủ đô lên một tầm cao mới, làm sáng tỏ ý nghĩa tương tác tích cực và hiệu quả giữa các vùng văn hóa.

Hội chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội) diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 3 âm lịch hàng năm là dịp du khách thập phương hội tụ về đây lễ Phật, vãn cảnh. Ảnh: An Khang
Bản thân tôi và anh chị em văn nghệ sĩ Thủ đô đều cảm nhận sâu sắc rằng, sau 10 năm hòa nhập, văn hóa Thăng Long và văn hóa Xứ Đoài đều phát huy được bản chất đặc sắc và tinh túy của mình, cùng phát triển hài hòa, bổ sung cho nhau một cách có chọn lọc, cùng vươn tới tầm cao, đạt tới giá trị tinh hoa đích thực. Khi khai thác và tôn tạo các di tích văn hóa trên mỗi địa bàn, chúng ta đều có ý thức bàn bạc thấu triệt, đặt vấn đề trên tầm tổng thể cả Thủ đô để xử lý, hạn chế cách nhìn phiến diện. Chúng tôi cho rằng, khi biết tổng hòa vào nếp văn hiến Thủ đô, đứng ở tầm cao của tầm nhìn, tầm nghĩ Thủ đô để vận dụng các cơ chế, chính sách, tiếp cận công việc khoa học và tinh tường, thì mọi vấn đề, nhất là những vấn đề liên quan đến văn hóa, lịch sử, chúng ta sẽ tìm ra giải pháp đúng đắn, hợp lý, hợp tình và có tính nhân văn.

10 năm qua, không phải là thời gian quá dài so với lịch sử Thăng Long – Hà Nội, nhưng chúng ta đã được chứng kiến văn hóa Thăng Long cùng văn hóa Xứ Đoài và các vùng văn hóa khác có điều kiện tổng hòa với nhau một cách tinh tế, hài hòa, chắt lọc, bổ sung cho nhau, để tới lúc sẽ cùng hợp thành một dòng chảy tinh hoa duy nhất đó là văn hóa Thủ đô rộng lớn, giữ vững bản sắc, cùng năng động vươn cao, vươn xa,vì sự phát triển bền vững của con người.

Hà Nội mở rộng đang tạo nên tầm cao mới, vị thế mới cho văn hóa, khẳng định văn hóa thực sự là nguồn lực nội sinh, là sức mạnh mềm đủ làm động lực phát triển Thủ đô trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hà Nội mãi mãi sẽ là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của nền văn hóa dân tộc, như lịch sử nghìn năm từng chứng tỏ.

Theo Hànộimới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *