Nếp Sống văn hoá

Báo chí góp phần tạo sự chuyển biến, hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử

Sáng 16/3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử”.

Đến dự và chỉ đạo Hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương, các sở ngành của thành phố Hà Nội và một số tỉnh thành trong cả nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết: Xuất phát từ thực tiễn và tầm quan trọng của văn hoá ứng xử trong việc xây dựng con người Việt Nam trong tình hình mới “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh”.…Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã tích cực xây dựng ban hành quy tắc ứng xử, văn hóa công vụ như: Đề án Văn hóa công vụ được Chính phủ phê duyệt đã có những quy định về tinh thần, thái độ làm việc, chuẩn mực giao tiếp ứng xử, đạo đức, lối sống; trang phục của cán bộ, công chức, viên chức và những quy định khác; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Quy tắc ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; UBND TP Hà Nội ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng…
Qua thời gian triển khai thực hiện các Quy tắc ứng xử văn hóa trong các lĩnh vực và ở địa phương, đến nay, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Văn hóa ứng xử nơi công cộng dần hình thành và được người dân phát huy, xuất hiện nhiều tấm gương đạo đức tốt đẹp, sống lương thiện, đề cao trách nhiệm, lương tâm vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội, đất nước; mạnh dạn đấu tranh phê phán những hành vi xấu.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Tuy nhiên, việc thực hiện những quy tắc ứng xử văn hóa vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; vẫn còn những vi phạm của cán bộ, công chức trong ứng xử với đồng nghiệp và nhân dân gây bức xúc trong dư luận. Ứng xử của người dân trong gia đình và nơi công cộng chưa có chuyển biến tích cực. Bạo lực gia đình, học đường, ứng xử thiếu văn minh, văn hóa, vô cảm vẫn còn tồn tại…

Để khắc phục các tình trạng nêu trên cần có những giải pháp kịp thời. Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường phối hợp thông tin với các cơ quan báo chí trong việc truyền thông văn hóa ứng xử. Thực tế chứng minh báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội qua các thời kỳ, là nhu cầu không thể thiếu của mỗi cá nhân cũng như tập thể, đặc biệt trong bối cảnh xã hội thông tin hiện nay. Báo chí là kênh quan trọng để tuyên truyền, cổ động, quản lý gián tiếp và giám sát xã hội… thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng đưa thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, chân thực, trách nhiệm, nhân văn – là cơ sở để hình thành và thể hiện dư luận xã hội. Công tác truyền thông trên báo chí có vai trò quan trọng trong việc định hướng hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử phù hợp với bối cảnh xã hội mới; từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nguyên Đại biểu Quốc hội, TS Nguyễn Viết Chức.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận nhằm xác định một cách rõ nét những đặc điểm chung của văn hóa ứng xử của con người Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại; Phân tích thực trạng văn hóa ứng xử trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và vai trò của báo chí trong việc lan tỏa những thông điệp để hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử; Nêu những bài học kinh nghiệm trong quá trình tuyên truyền những tấm gương người tốt việc tốt, phê phán cái xấu trong xã hội, những kinh nghiệm phổ biến, lan tỏa vẻ đẹp của ứng xử văn hóa tới công chúng trong điều kiện xã hội hiện nay; Đồng thời đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả của các cơ quan báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử trong thời gian tới.

Nguyên Đại biểu Quốc hội, TS Nguyễn Viết Chức cho rằng: Chúng ta đang trong giai đoạn những chuẩn mực cũ tưởng chừng đã lạc hậu nhưng những chuẩn mực mới chưa được hình thành. Vì thế, trước hết cần xác định rõ chuẩn mực văn hóa là gì, để xác định với những gì lệch chuẩn. Đặc biệt, báo chí phải thể hiện chuẩn văn hóa của riêng mình.

Phóng viên Trần Thị Thanh Thùy (Đài PT-TH Hà Nội) bày tỏ: Sau những ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Hà Nội, qua báo chí truyền thông, hình ảnh người Hà Nội thân thiện mến khách đã tạo ấn tượng mạnh mẽ cho bạn bè quốc tế. Điều đó cho thấy sức mạnh của các cơ quan báo chí của Thủ đô cũng như cả nước đối với việc thay đổi nhận thức của chính quyền và người dân với văn hóa ứng xử.

PV Trần Thị Thanh Thùy (Đài PT-TH Hà Nội).

Kết luận tại buổi Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng: Văn hóa là một phạm trù rất lớn, được xác định là nền tảng tinh thần, động lực để phát triển kinh tế – xã hội và phát triển cả quốc gia, dân tộc. Trong đó, báo chí là một bộ phận của văn hóa, báo chí sáng tạo, phổ biến, tuyên truyền văn hóa. Trong văn hóa có báo chí, trong báo chí có văn hóa và mỗi một tác phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa, nhà báo là chiến sĩ văn hóa trên mặt trận tư tưởng.

Văn hóa ứng xử là những hành vi, việc làm, thái độ, lời nói, giao tiếp của người với mọi người, khái quát lại thì đó là hành vi của cả một cộng đồng, của cả dân tộc. Nó được hình thành thông qua quá trình học tập, rèn luyện và trưởng thành liên tục của mỗi người cũng như của cộng đồng, dân tộc. Vì thế, văn hóa ứng xử của con người sẽ thể hiện văn hóa của dân tộc.

Nói về đặc điểm văn hóa, phẩm chất của người Việt Nam, Phó Thủ tướng nhắc đến phẩm chất anh hùng, đoàn kết, hăng hái, cần cù, lương thiện, tự trọng…của người Việt Nam, những phẩm chất “cần, kiệm, liêm chính, chí, công vô tư” là những điều Bác Hồ dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải hướng tới. Trong giáo dục, có 5 phẩm chất cần để học sinh hướng tới, đó là yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong ứng xử văn hóa của người Việt Nam. Đó là còn tình trạng chen lấn, lãng phí, không có ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, ồn ào, trễ giờ…Nếu chúng ta cùng nhau làm truyền thông đầu tiên chỉ cần với 2 việc mà tạo được sự chuyển biến đó là văn hóa xếp hàng và việc xả rác, chỉ 2 việc đó thôi chúng ta cần tuyên truyền làm sao để mọi người nhận ra và thực hiện tốt thì cả xã hội sẽ tốt hơn rất nhiều.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Ngày hôm nay, chúng ta nói đến vai trò của báo chí với việc làm sao để hình thành ý thức văn hóa mới là một mặt, mặt khác để tạo sự chuyển biến hành vi cho xã hội để xây dựng nếp sống văn hóa, vai trò của báo chí không chỉ định hướng dư luận thay đổi hành vi mà còn sáng tạo ra văn hóa. Phải làm sao để báo chí thấm sâu vào quần chúng, như Bác Hồ đã nói phải làm thể nào để văn hóa thấm sâu vào tâm lý của quốc dân.

Để làm được điều đó, báo chí không chỉ đưa tin phản ánh, mà phải phân tích hành vi đó xét trên góc độ văn hóa, từ đó đưa ra khuyến nghị về ứng xử. Vì thế, không chỉ cần nhà báo mà còn cần những chuyên gia nghiên cứu về văn hóa cùng với nhà báo viết lên những tác phẩm đi vào lòng người.

Tô Nga

 

 

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *