Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Đảng bộ thành phố Hà Nội quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo đường lối phát triển văn hóa của Đảng

Đây là chủ đề bài tham luận của Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức sáng 24/11/2021.

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong tham luận tại điểm cầu Hà Nội – Ảnh: HNM

Hội nghị văn hoá toàn quốc đã diễn ra tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội) sáng 24/11/2021 và được tổ theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Trung ương (tại Nhà Quốc hội) đến 63 tỉnh, thành phố và mở rộng đến các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã có bài tham luận “Đảng bộ Hà Nội quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo đường lối phát triển văn hóa của Đảng”.

Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô

Trong bài tham luận, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu rõ: Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Từ thuở là Thăng Long đến nay, Thủ đô Hà Nội luôn là trung tâm văn hóa của đất nước. Năm 2020, Thủ đô Hà Nội tròn 1010 tuổi, được thế giới biết đến là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố Sáng tạo”, nơi diễn ra nhiều sự kiện quốc gia và quốc tế quan trọng… Với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị và sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc trọng trách của mình trong xây dựng và phát huy sức mạnh văn hóa dân tộc trong tiến trình hội nhập, phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Trong 35 năm đổi mới, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã liên tục có sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, luôn đặc biệt quan tâm việc cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Trung ương về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đến nay, trải qua 8 kỳ đại hội, kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, con người trong xã hội được Đảng bộ thành phố kế thừa và phát triển qua từng giai đoạn.

Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ (2020-2025) tiếp tục khẳng định nhận thức toàn diện hơn về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội. Đại hội nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm: “Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố Vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, ý thức tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững”; và xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”.

Có thể thấy, trên thế giới hiếm có Thủ đô của nước nào kết hợp được nhiều giá trị lịch sử, văn hóa như Hà Nội, với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích, 1 di sản văn hóa thế giới, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản tư liệu thế giới và 1.350 làng nghề, làng có nghề…

Quang cảnh tại điểm cầu Hà Nội tham dự Hội nghị văn hoá toàn quốc – Ảnh: HNM

 Hà Nội triển khai 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển văn hoá

Theo Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong, để cụ thể hóa các quan điểm mới về phát triển văn hóa, con người Việt Nam được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời, khắc phục những hạn chế, yếu kém, bám sát tình hình thực tiễn của Thủ đô, Hà Nội tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp vừa bảo đảm đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa có tính căn cơ, lâu dài trên tinh thần đổi mới sáng tạo, có tính đột phá, với 6 nhóm nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam của toàn xã hội, trước hết là của cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng, chính quyền thành phố. Đồng thời, thấu suốt quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người là sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, thận trọng; luôn tìm tòi, đổi mới tư duy phát triển, vừa bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, vừa thúc đẩy và đặt đúng vai trò chủ thể của người dân, các cơ quan, tổ chức, người thực hành văn hóa trong xây dựng và phát triển văn hóa; khẳng định con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là mục tiêu và trung tâm trong chính sách phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô.

Thứ hai, định vị tầm nhìn rộng để hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; bảo đảm bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp, tạo cơ chế thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển, để Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nhất là thúc đẩy mạnh mẽ việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng “Thành phố sáng tạo” – Một động lực mới, thương hiệu mới được cộng đồng quốc tế ghi nhận năm 2019, gắn với mục tiêu phát triển Thủ đô với tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ ba, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nhân văn trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn làng, khu dân cư, tổ dân phố, trường học, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Trong đó, coi trọng xây dựng, thực hành văn hóa chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định của Đảng về nêu gương và tinh thần Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII, XIII)… Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện 2 Quy tắc ứng xử của thành phố; khuyến khích xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân mang bản sắc văn hóa Thăng Long – Hà Nội; thúc đẩy đưa các mô hình văn hóa gia đình, cộng đồng, trường học, nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đi vào thực chất, có hiệu quả, tạo sức lan tỏa xã hội cao.

Thứ tư, tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa hơn nữa giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, con người Hà Nội nhằm bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, gương mẫu về đạo đức, lối sống, có khát vọng đổi mới sáng tạo, có ý chí vươn lên của mỗi người dân Thủ đô, tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc.

Thứ năm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa lịch sử Hà Nội bắt kịp xu thế phát triển của thời đại, nhất là bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ sáu, phát huy tối đa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô các nước, quan hệ kinh tế, thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; những “thương hiệu” quốc tế được vinh danh: “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố Sáng tạo”; cùng với tinh thần chủ động và sáng tạo trong hội nhập quốc tế về văn hóa để đưa Hà Nội trở thành địa điểm hấp dẫn về giao lưu, hợp tác, quảng bá và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao có uy tín trong nước và quốc tế. Triển khai xây dựng mạng lưới “Sáng kiến Hà Nội” để thu hút, tập hợp, phát huy tâm huyết, trí tuệ và tình yêu Hà Nội của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân, cộng đồng… ở trong nước cũng như quốc tế tham gia đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội.

Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: “Trong giai đoạn phát triển mới “Hà Nội chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ”; song khó khăn, thử thách là không nhỏ. Để hoàn thành trọng trách nặng nề và vẻ vang ấy, Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân Thủ đô, xác định phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết, sáng tạo, vừa phát huy truyền thống vẻ vang và những thành tựu đạt được, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng tối đa những cơ hội, huy động được nguồn lực tổng hợp và nhất là nguồn lực từ niềm tin, sự đồng lòng, nhất trí, ý chí và khát vọng vươn lên của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển nhanh, bền vững Thủ đô”.

Cũng trong bài tham luận, Phó Bí thư thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu rõ: Hà Nội mong muốn và đề nghị Trung ương cho chủ trương, Quốc hội sớm thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô gắn với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Tạo thể chế, môi trường thuận lợi để Hà Nội phát huy hiệu quả các nguồn lực, trong đó có nguồn lực rất quan trọng là văn hóa và con người Thủ đô, nhằm tạo bước phát triển đột phá trong giai đoạn mới, để Hà Nội hòa nhịp cùng cả nước, chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc.

PV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *